Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác du lịch trên sông Ðồng Nai

09:07, 03/07/2021

Báo Đồng Nai vừa có loạt bài Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Nai khá thú vị từ nhiều góc nhìn, lĩnh vực của các cấp chính quyền, nhà đầu tư để hướng đến các giải pháp trong phát triển du lịch của địa phương. Từ góc nhìn từ văn hóa, tác giả gợi mở cách tiếp cận khai thác ở các cù lao trên tuyến du lịch đường sông.

Báo Đồng Nai vừa có loạt bài Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Nai khá thú vị từ nhiều góc nhìn, lĩnh vực của các cấp chính quyền, nhà đầu tư để hướng đến các giải pháp trong phát triển du lịch của địa phương. Trong đó đề cập vấn đề năm 2018, tuyến du lịch đường sông (TP.Biên Hòa) giai đoạn 1 được đưa vào khai thác, tuy nhiên do các điểm đến theo kế hoạch chưa được đầu tư nên tuyến du lịch này sau vài lần mở rồi lại đóng do khai thác chưa hiệu quả... Từ góc nhìn từ văn hóa, tác giả gợi mở cách tiếp cận khai thác ở các cù lao trên tuyến du lịch đường sông.

Một góc sông Đồng Nai. Ảnh: Lâm Cón
Một góc sông Đồng Nai. Ảnh: Lâm Cón

Trong quy hoạch phát triển về du lịch của địa phương, các cù lao trên sông và những điểm phụ cận được xác định với những hạng mục đầu tư cho phát triển du lịch đường sông. Đây là những thuận lợi cho khai thác du lịch, tuy nhiên, để quy hoạch đến phát triển và định hướng kết nối đem lại hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ, tham chiếu những giải pháp và cần quan tâm những đặc điểm của cù lao một cách thích hợp.

* Đảm bảo đặc thù môi trường tự nhiên

Các cù lao trên sông Đồng Nai với dòng chảy êm ả, nước xanh và làng quê yên bình (cù lao Tân Triều, Ba Sang, Thạnh Hội, Bạch Đằng…). Cần quan tâm giữ đặc điểm môi trường tự nhiên: bến sông, làng quê, nhà miệt vườn và vườn cây đặc thù để thu hút khách du lịch. Chúng ta hình dung một bến sông quê đặc trưng có bờ tre, bằng lăng, bến nước, nhiều ghe, xuồng là điểm tập kết của khách du lịch đến các đường làng tham quan nhà cổ, vườn cây, di tích, thiết chế tín ngưỡng tại chỗ. Trên bến sông đó là hàng quán của làng quê, thực phẩm sạch cho du khách… Dưới bến tùy khu vực bố trí những dụng cụ đánh bắt thủy sản đặc trưng vùng sông nước miền Đông Nam bộ… Một phiên chợ cuối tuần được tổ chức định kỳ cho khách cả xa và gần để thưởng thức thực phẩm sạch trồng trên cù lao.

* Khai thác hài hòa nguồn lực di sản văn hóa

Nhiều cù lao trên sông Đồng Nai là những địa bàn được cư dân Việt, Hoa khai khẩn sớm ở Nam bộ cách đây hàng thế kỷ. Quá trình sinh tụ trên của các lớp cư dân đã tạo nên những di sản văn hóa độc đáo, gắn liền và được duy trì như những mạch nguồn văn hóa xưa - nay. Một số kiến trúc nhà cổ (nhà ở, từ đường) vẫn được bảo tồn, nhiều thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo (đình, chùa, miếu…) được duy trì, một số được xếp hạng di tích. Hằng năm, những lễ hội được tổ chức khá độc đáo. Những lễ hội hằng năm với những quy mô khác nhau không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân tại chỗ mà còn thu hút nhiều người từ các nơi khác (lễ hội Quan Thánh đế quân ở Biên Hòa với nhiều nghi thức, kéo dài nhiều ngày, được tổ chức khá độc đáo trên sông, trên các cung đường)… Việc khai thác du lịch chú trọng lợi ích thiết thực, tôn trọng di sản văn hóa, nếp sống của cư dân tại chỗ nhưng không mang tính thương mại hóa.

* Liên kết tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn

Các đề án, dự án, quy hoạch để phát triển du lịch trên sông đã nhận diện “tiềm năng, tài nguyên, lợi thế” đa dạng, phong phú. Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên cần phải được quan tâm nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo từ sự lựa chọn hợp lý, tránh tình trạng làm cho du khách “bội thực”. Khai thác du lịch có đặc điểm sông nước, không chỉ tập trung vào hoạt động đường thủy (ghe, xuồng, thuyền) mà cần phối hợp khai thác lộ trình đường bộ (ô tô, xe máy, xe đạp, xe điện, đi bộ…) để hoán đổi hợp lý, khách được trải nghiệm đa dạng dịch vụ tại các điểm đến. Những sản phẩm du lịch trên sông không chỉ bó khung trong địa giới cù lao, cần sự liên kết với các vùng phụ cận theo loại hình, mở rộng dịch vụ khai thác du lịch: làng nghề, di tích, lễ hội …

* Sự tham gia tích cực của cộng đồng

Môi trường sống ổn định tại chỗ của nhiều lớp cư dân ở các cù lao cần được xem là đặc trưng tiếp nối văn hóa trong khai thác du lịch. Vì vậy, khi quy hoạch, khai thác, chính quyền và cộng đồng cư dân phải được quan tâm, có vai trò chủ động. Lợi thế từ sinh thái, tài nguyên di sản và nếp sống cư dân tại chỗ làm nên diện mạo hiện tại chính là nguồn tài sản của cộng đồng. Sự lựa chọn với nhiều giải pháp từ nhu cầu của người dân (tham gia trực tiếp hay gián tiếp) hoặc đem nguồn lực có sẵn hoặc đầu tư (cơ sở vật chất, nghề nghiệp, tài sản…) trong mạng lưới khai thác du lịch chính là hướng đến sự phát triển bền vững. Nguồn lợi khai thác đem lại cho địa phương từ đầu tư cơ sở vật chất, lợi tức sinh kế chính đáng, tạo việc làm cho nhân lực địa phương, nguồn lợi cho chủ thể văn hóa (an sinh, hưởng thụ trong văn hóa, góp phần trong trùng tu, tôn tạo di tích…) sẽ tạo động lực để nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo tồn và xây dựng trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

* Quy hoạch mang tính chiến lược

Thực tế, không ít những quy hoạch phát triển ở các cù lao và tuyến ven sông trước đây dựa vào lợi thế và giải pháp mang tính chủ quan, tầm nhìn ngắn hạn đã trở thành những rào cản trong phát triển. Đặc điểm sông nước ở những làng quê mất đi trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa) ở Biên Hòa là một thực tế cho sự chưa quan tâm yếu tố bền vững khi quy hoạch phát triển. Hai lần quy hoạch đã để lại những hệ quả. Vị thế đắc địa, gắn với lịch sử thương cảng danh tiếng, nhiều di tích lịch sử, nhà cổ… qua điều chỉnh, chuyển hướng quy hoạch chưa có mẫu số chung hướng đến phát triển hiệu quả, không bắt kịp với xu thế phát triển. Vì vậy, “mỗi thời mỗi khác ngay trong quy hoạch”, “phát triển phá vỡ cảnh quan sinh thái”, “sự lệch pha của quy hoạch với sử dụng đất”… đã được đánh giá và hướng tới “yêu cầu phải giữ được mảng xanh cũng như không gian sông nước để hình thành bản sắc đô thị Biên Hòa. Đồng thời, gìn giữ và phát huy tiềm năng các công trình di sản, các địa điểm tự nhiên đặc sắc hướng tới xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa”. Thực tế từ quy hoạch phát triển Cù lao Phố là bài học cần hướng đến chiến lược, trên bình diện lịch sử, văn hóa chứ không đơn thuần từ góc nhìn kinh tế.

*

Ở Đồng Nai, tuyến du lịch ven sông đã được đầu tư ở một số hạng mục. Những kế hoạch chỉnh trang đô thị trong tương lai với trục đường ven sông sẽ góp phần cho thành phố vừa mang tính hiện đại vừa “nên thơ” trong không gian mở. Đó là những nền tảng cho phát triển du lịch ở các cù lao trên sông Đồng Nai. Có nhiều nguyên nhân, yếu tố dẫn đến sự hạn chế trong quá trình khai thác du lịch; trong đó, có nguyên do không kém phần quan trọng: đánh mất yếu tố khai thác của đặc điểm tự nhiên, chưa xây dựng sản phẩm hợp lý, độc đáo; chưa gắn kết cù lao với vùng lân cận và sinh kế cộng đồng. Các cù lao trên sông Đồng Nai với những tiềm năng, tài nguyên du lịch hiện có cần quan tâm đến những yếu tố này.

Các cù lao trên sông Đồng Nai có những lợi thế trong khai thác du lịch. Đặc điểm của môi trường sông nước và những di sản văn hóa, gắn liền với đời sống cư dân đã tạo thành những tài nguyên du lịch độc đáo. Trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói chung, khai thác du lịch ở các cù lao cần bảo đảm nét đặc thù của môi trường, di sản văn hóa, sự tham gia tích cực của cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch… hướng đến sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích hài hòa.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích