Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ chấm thi đặc biệt thời Covid-19

09:07, 23/07/2021

Sau đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở GD-ĐT đã khẩn trương huy động các lực lượng tham gia phục vụ chấm thi. Không chỉ có tổ chức thi, công tác chấm thi năm nay cũng được xem là kỳ chấm thi đặc biệt với những quy định về an toàn phòng dịch Covid-19 được thực hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Sau đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở GD-ĐT đã khẩn trương huy động các lực lượng tham gia phục vụ chấm thi. Không chỉ có tổ chức thi, công tác chấm thi năm nay cũng được xem là kỳ chấm thi đặc biệt với những quy định về an toàn phòng dịch Covid-19 được thực hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh (bìa trái) trao đổi với lực lượng thanh tra thi giám sát bên ngoài hành lang các phòng chấm thi.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh (bìa trái) trao đổi với lực lượng thanh tra thi giám sát bên ngoài hành lang các phòng chấm thi.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, sau 10 ngày tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngày 20-7, công tác chấm thi đã cơ bản hoàn thành. Toàn bộ dữ liệu liên quan đến chấm thi đã được rà soát kỹ lưỡng và gửi về Bộ GD-ĐT chờ ngày công bố kết quả thi chung trên cả nước.

* Làm việc, ăn, ngủ tại chỗ

Để thực hiện chấm trên 170.400 bài thi tự luận và trắc nghiệm trong đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã huy động 335 cán bộ, giáo viên, thanh tra của các đơn vị gồm: Sở GD-ĐT, Công an tỉnh và Sở Y tế. Trong đó, Sở GD-ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm chính có số lượng huy động đông nhất với 186 người. Những người trực tiếp chấm thi được Sở GD-ĐT lựa chọn khá kỹ càng, nhiều người đã từng tham gia chấm từ 15-18 kỳ chấm thi liên tiếp trước đây.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các địa phương sẽ hoàn thành việc tổ chức chấm thi và gửi dữ liệu kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1) về Bộ GD-ĐT trước ngày 24-7. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 26-7. Cũng theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, ngày 6 và 7-8 sẽ diễn ra đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho những thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó Đồng Nai có khoảng 900 thí sinh.

Nếu như những lần chấm thi trước, phần lớn những người được điều động tham gia nhiệm vụ có thể ra ngoài vào buổi trưa, trở về nhà vào buổi tối, thì năm nay quy định này được thay đổi hoàn toàn. Để đảm bảo cho công tác chấm thi trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ được xét nghiệm Covid-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, toàn bộ lực lượng sẽ ở lại điểm chấm thi từ khi bắt đầu chấm thi cho đến khi kết thúc theo phương châm: làm việc, ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết: “Quy trình chấm thi trải qua nhiều bước, nhiều khâu theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Từ phòng chứa bài thi đến các phòng chấm thi đều được camera ghi lại, đảm bảo luôn có điện, kể cả khi cúp điện thì lập tức có nguồn điện dự phòng. Khâu đầu tiên của quy trình chấm thi là “quét” ảnh các bài thi lưu vào CD dữ liệu, niêm phong và gửi về Bộ GD-ĐT để làm cơ sở đối chiếu khi cần thiết. Tiếp đó, bài thi sẽ được rọc phách, tách phần ghi thông tin thí sinh với phần bài làm để tránh gian lận hay can thiệp bài thi. Những người sau khi hoàn thành việc rọc phách sẽ được cách ly trong phòng riêng cho tới khi công tác chấm thi hoàn thành”.

* Áp lực chấm môn Ngữ văn

Trong số hơn 170.400 bài thi, chỉ 30.117 bài thi môn Ngữ văn được chấm thủ công, bởi Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp.

Để hoàn thành chấm hơn 30 ngàn bài thi Ngữ văn, Sở GD-ĐT huy động trên 100 giáo viên có kinh nghiệm chấm thi của các trường THPT, bình quân mỗi giáo viên sẽ chấm trên 300 bài thi. Công tác chấm thi môn Ngữ văn đòi hỏi độ chính xác cao, không được để xảy ra hiện tượng “vênh điểm” giữa 2 giáo viên chấm trên cùng một bài thi.

Trong số 13 môn thi tốt nghiệp THPT, công tác chấm thi môn Ngữ văn có nhiều áp lực hơn cả. Trước khi chấm đại trà, hội đồng chấm thi sẽ mời toàn bộ giáo viên lên hội trường để triển khai đáp án của Bộ GD-ĐT. Có 10 bài thi được chấm khảo nghiệm, đồng thời đọc công khai bài thi và điểm cho ở từng phần, từng ý được thí sinh thể hiện trong bài làm so với đáp án.

Cán bộ chấm thi môn Ngữ văn đảm bảo khoảng cách ngồi tối thiểu 2m trong lúc chấm thi. Ảnh: Công Nghĩa
Cán bộ chấm thi môn Ngữ văn đảm bảo khoảng cách ngồi tối thiểu 2m trong lúc chấm thi. Ảnh: Công Nghĩa

Trong quá trình chấm đại trà, 1 bài thi được chấm qua 2 vòng độc lập. Sau khi người thứ nhất hoàn thành chấm vòng 1, thư ký sẽ rút phiếu điểm để chuyển bài cho người thứ 2 chấm vòng cuối. Người chấm vòng cuối không được “tiết lộ” người chấm trước đó đã cho điểm số ra sao và hoàn toàn chấm một cách khách quan.

Ông Đỗ Huy Khánh cho biết thêm, chấm thi môn Ngữ văn khác với chấm thi các môn trắc nghiệm được chấm hoàn toàn bằng máy với độ chính xác rất cao. Sau khi bài thi được chấm đủ 2 vòng, thư ký sẽ thu bài và tổng hợp điểm chuyển cho tổ trưởng tổ chấm thi. Nếu bài thi có độ chênh lệch điểm từ 0,5-1 điểm trở lên, tổ trưởng sẽ mời 2 người chấm bài thi trước đó lên phòng “đối chất” và thỏa thuận một mức điểm thống nhất.

Trường hợp “đối chất” không thành, bài thi sẽ được chuyển cho một tổ khác chấm để đảm bảo khách quan và công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, những trường hợp chấm “chênh” lên tới 1 điểm trên cùng 1 bài thi hiếm khi xảy ra do người chấm bám sát đáp áp.

* Quy trình nghiêm ngặt

Kỳ chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay có trên 140 ngàn bài thi trắc nghiệm ở 12 môn thi, tuy nhiên do được chấm bằng máy nên lực lượng huy động cho công tác chấm thi trắc nghiệm không nhiều.

Toàn bộ các bài thi trắc nghiệm được mã hóa trước khi cho vào máy quét lưu thành file ảnh gốc dạng pdf để đối chiếu. Từ file dạng pdf tiếp tục được chuyển thành file soạn thảo văn bản.

Sau khi thực hiện xong 2 bước này, dữ liệu bài thi được “nhúng” với đáp án của Bộ GD-ĐT cung cấp để cho ra kết quả làm bài thi của thí sinh, con người không có khả năng can thiệp chỉnh sửa do bài thi đã được quét thành file gốc ngay từ đầu.

Một quy định khắt khe được đặt ra là toàn bộ thiết bị chấm thi không được kết nối với internet hay thiết bị Wi-Fi. Cán bộ làm nhiệm vụ tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng chấm thi. Quy trình chấm thi trắc nghiệm còn được giám sát chặt chẽ cả ở bên trong và bên ngoài phòng chấm thi bởi các cán bộ an ninh và thiết bị phá sóng để tránh hiện tượng bị can thiệp hay tấn công mạng trong quá trình chấm thi.

Với mỗi giáo viên được được điều động tham gia công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay đều có được những trải nghiệm quý trong cuộc đời nhà giáo.

Cô Nguyễn Thị Xuân Dung, giáo viên Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) cho biết: “Tôi đã có 17 lần chấm thi tốt nghiệp THPT nhưng với tôi đây là kỳ đặc biệt nhất vì phải chấm thi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Giáo viên được yêu cầu chấm thi, ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có những ngày chúng tôi đã cố gắng chấm tới 21 giờ, sớm nhất cũng là 19 giờ, để kịp tiến độ nhưng vẫn đảm bảo tinh thần tỉnh táo, chấm chính xác theo đáp án. Điều khiến chúng tôi cảm thấy an tâm là trước khi vào chấm thi, chúng tôi đều được xét nghiệm Covid-19, bố trí chỗ ăn ở chu đáo”.        

Công Nghĩa

Tin xem nhiều