Khái niệm tiêu dùng thông minh, tiêu dùng bền vững hiện nay không còn xa lạ với đa số người tiêu dùng. Bằng cách đề cao những tiêu chí mua sắm - sử dụng hàng hóa ưu tiên bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lực, tiết kiệm nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu... Những khái niệm này đã chiếm thế chủ đạo trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hàng chục năm qua.
Khái niệm tiêu dùng thông minh, tiêu dùng bền vững hiện nay không còn xa lạ với đa số người tiêu dùng. Bằng cách đề cao những tiêu chí mua sắm - sử dụng hàng hóa ưu tiên bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lực, tiết kiệm nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu... Những khái niệm này đã chiếm thế chủ đạo trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, ở một bối cảnh đặc biệt như hiện tại: đại dịch toàn cầu Covid-19, những hành vi và xu hướng tiêu dùng còn cần thêm một yếu tố khác, đó là sự linh hoạt.
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường hàng hóa bị đặt vào những thử thách lớn như hiện nay, khi những hành vi tiếp xúc truyền thống (vốn là nền tảng của hoạt động mua sắm, tiêu dùng truyền thống) được mọi quốc gia yêu cầu phải hạn chế tối đa. Hình ảnh các siêu thị, trung tâm thương mại chật kín người cũng không còn, ít nhất là trong ngắn hạn, khi các quốc gia chưa kiểm soát được dịch bệnh và vaccine chưa được tiêm rộng rãi đủ để tái mở cửa các hoạt động tiêu dùng truyền thống.
Những thách thức “sống còn” được đặt ra cho phía “người bán” thì đã rõ. Muốn tồn tại, họ phải nhanh chóng xoay chuyển, ứng dụng công nghệ, đổi toàn bộ cách kinh doanh truyền thống sang những cung cách mới hợp với thời đại mà “cách ly”, “phong tỏa” có thể được áp dụng bất kỳ lúc nào để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Trả mặt bằng, thu gọn hàng hóa, chuyển sang hình thức kinh doanh và giao hàng online, thanh toán trực tuyến… là những phương pháp được cho là khả thi và tối ưu nhất trong tình hình hiện nay mà phía “người bán” đang thực hiện. Cũng trong bối cảnh đặc biệt này, nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng đã và đang xoay chuyển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho các nhóm hàng hóa - dịch vụ “xoáy” vào nhu cầu cá nhân, gia đình khi họ làm việc và sinh hoạt chủ yếu tại nhà. Trong “nguy” có “cơ”, mặc dù không thể phủ nhận dịch bệnh đã tước đi cơ hội phát triển, thậm chí cơ hội tồn tại, của nhiều doanh nghiệp, song dịch bệnh cũng tạo những cơ hội đặc biệt cho những nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ đặc thù, với điều kiện họ phải có tư duy linh động, ứng biến và có đủ nguồn lực để chuyển đổi và nắm bắt được những cơ hội mới.
Về phía “người mua”, sự linh hoạt, chuyển đổi nhu cầu, tiêu dùng thông minh và bền vững cũng là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh. Họ cần cân nhắc, phân chia nhu cầu tiêu dùng để tiết kiệm nguồn lực vì không ai nói trước được dịch bệnh sẽ tạo những tác động xấu như thế nào về lâu dài. Ngoài ra, tiêu dùng thông minh và đề cao yếu tố bền vững để có thể giúp nền kinh tế ổn định và “có sức” phục hồi sau đại dịch, thiết nghĩ cũng là trách nhiệm chung của mọi người tiêu dùng trong thời đại ngày nay.
V.L