Thời gian qua, nhiều người dân TP.Biên Hòa đã được mua hàng thiết yếu nhanh hơn, an toàn hơn ngay trong khu phong tỏa, cách ly với giá bình ổn, góp phần giúp mọi người yên tâm ở nhà phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tốt hơn.
Thời gian qua, nhiều người dân TP.Biên Hòa đã được mua hàng thiết yếu nhanh hơn, an toàn hơn ngay trong khu phong tỏa, cách ly với giá bình ổn, góp phần giúp mọi người yên tâm ở nhà phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tốt hơn.
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng ở Trường THCS Tân Bửu, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa. Ảnh: Lê An |
Điều này có được là nhờ các cá nhân, tổ chức, đoàn thể và chính quyền các địa phương đã đứng ra kết nối, làm đầu mối và thành lập các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhân dân. Theo đó, các mặt hàng đa dạng, giá cả bình ổn, mua bán có trật tự, các điểm bán hàng lưu động được người dân đồng tình và ủng hộ.
* Đưa chợ ra đường phục vụ nhân dân
Hơn 2 tuần nay, Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng P.Trảng Dài trở thành điểm bán hàng bình ổn giá cho người dân khu phong tỏa. Bên ngoài là quầy thịt heo sạch của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Bên trong hội trường, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn để làm những sạp rau, kệ củ quả, quầy tính tiền.
Phần lớn các loại hàng hóa đã được bịch hoặc cột dây theo 1kg, người mua chỉ cần lấy hàng bỏ giỏ, không phải lựa chọn, cân nên việc mua hàng và tính tiền chỉ diễn ra trong vài phút. Để vào “chợ”, người dân phải có phiếu đóng dấu của UBND phường, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và xếp hàng khoảng cách tối thiểu 3m.
Chị Nguyễn Thị Hải, KP.3, P.Trảng Dài chia sẻ: “Tôi rất yên tâm khi mua sắm ở nhà văn hóa. Rau củ tươi ngon, thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, còn được khuyến mãi bánh mì để thay đổi bữa ăn sáng. Giá cả các mặt hàng không khác giá chợ vào ngày thường. Tôi đi chợ một lần mua thực phẩm cho 3-4 ngày”. Thấy điểm bán hàng này vừa tiện, vừa lợi, chị Hải tích cực giới thiệu điểm bán hàng này cho bà con trong khu phố.
Ông Võ Trường Hải, Chủ tịch UBND P.Trảng Dài cho hay, ngay sau khi tỉnh ban hành quyết định phong tỏa, thành phố đã chỉ đạo các phường lên kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Nhà văn hóa là nơi phù hợp vì không gian rộng rãi, thoáng mát; có bàn ghế, điện, khu vực để xe. Theo ông Hải, trên địa bàn phường có 2 điểm bán hàng bình ổn giá tại Nhà văn hóa KP.1 và KP.3; 2 điểm bán hàng đồng giá của đoàn thanh niên tại KP.3 và KP.4B. Để hạn chế tiếp xúc, hàng hóa được đóng gói sẵn, bố trí các gian hàng theo hướng một chiều. Ngoài ra, phường tổ chức phát phiếu đi chợ. Người dân vào “chợ” hay đi siêu thị phải có phiếu, đi đúng ngày ghi trên phiếu và thực hiện quy định 5K.
Tại P.Bửu Long, khu mua bán hoàn toàn mới cũng được hình thành trong thời điểm cách ly xã hội. Đó là “chợ” thực phẩm đặt tại Trường THCS Tân Bửu. “Chợ” có bán đầy đủ các loại từ rau, củ quả, thịt heo, thịt gà, trứng, cá cho đến các mặt hàng khô. Về giá cả, vì phụ thuộc vào nguồn hàng nhập nên giá mặt hàng rau xanh thay đổi theo ngày. Riêng các mặt hàng như: cá, trứng, thịt heo giá cả được niêm yết công khai.
Theo UBND phường, đơn vị cố gắng liên hệ với các đầu mối cung ứng, doanh nghiệp bán hàng để có mức giá tốt và bình ổn nhất cho người dân. Chỉ tính riêng rau củ, trung bình mỗi ngày, điểm bán hàng ở Trường THCS Tân Bửu bán ra khoảng 1 tấn hàng.
Nhiều phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng trưng dụng các địa điểm như: trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, nhà văn hóa ấp/khu phố, trường học để mở điểm bán hàng bình ổn giá, đồng giá cho người dân. Không chỉ đảm bảo nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho người dân, hỗ trợ đầu ra cho người sản xuất, các điểm bán hàng lưu động như thế này còn góp phần giảm áp lực cung cầu cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.
* Gia tăng điểm bán hàng bình ổn
Những ngày đầu Đồng Nai áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh, chợ đóng cửa, hàng quán ngưng hoạt động khiến việc mua lương thực, thực phẩm của người dân TP.Biên Hòa gặp không ít khó khăn. Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và an toàn trong mua bán, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu mở các điểm bán hàng lưu động.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, TP.Biên Hòa đã mở 5 điểm bán hàng bình ổn tại các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Long Bình, Tam Hòa, Tân Phong. Tiếp theo đó, TP.Biên Hòa mở thêm 10 điểm bán nhu yếu phẩm lưu động tại các phường: An Hòa, Trảng Dài, Hiệp Hòa, Tân Vạn, Bửu Hòa, Bửu Long, Trung Dũng, Tân Hạnh, Tân Hiệp.
Mặc dù là mô hình mới, thời gian chuẩn bị và triển khai gấp gáp, nhân viên bán hàng không chuyên nghiệp, nguồn cung bị động nhưng trong thời gian ngắn, các “chợ” mới đều hoạt động trôi chảy, tuân thủ tốt quy định phòng, chống dịch, được người dân đồng tình và ủng hộ.
Cũng nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân, Sở Công thương đã kết nối với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy và một số doanh nghiệp mở điểm bán hàng bình ổn giá tại các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Sở chấp thuận cho một số đơn vị như: Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (H.Cẩm Mỹ), Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Linh Chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) tổ chức các chuyến xe bán hàng thiết yếu lưu động. Tham gia bán hàng, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch; niêm yết giá công khai và chỉ được bán những hàng trong danh mục hàng hóa thiết yếu.
Ngoài các điểm lưu động đặt tại các xã, phường, thời gian này, các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc mở các điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Để việc mua bán diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, người bán đã thiết kế các combo thực phẩm đa dạng với khối lượng phù hợp để người mua sử dụng trong nhiều ngày.
Trước đó, Sở NN-PTNT mở hơn 10 điểm bán rau, củ, quả giá 0 đồng tại TP.Biên Hòa. Một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng đưa các mặt hàng thiết yếu ra ngoài để phục vụ người dân, gia tăng hoạt động bán hàng qua điện thoại, online.
Có thể thấy, việc gia tăng các điểm bán hàng lưu động, các hình thức mua bán trực tuyến không chỉ tăng nguồn cung thực phẩm cho người dân mà còn góp phần giảm tải lượng khách tập trung vào một vài điểm bán hàng, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Tính đến nay, TP.Biên Hòa đã triển khai được hơn 20 điểm bán hàng thiết yếu, giá bình ổn tại các phường, xã; Sở Công thương kết nối gần 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm tham gia bán hàng bình ổn giá cho người dân. Ngoài ra, các lực lượng như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ các cấp và Sở NN-PTNT đã và đang và tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, đồng giá, giá 0 đồng. Các điểm bán hàng này dự kiến hoạt động đến hết thời gian thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16. Việc mở các điểm bán hàng lưu động trong khi nhiều chợ, cửa hàng tạm hóa vẫn phải đóng cửa là giải pháp giúp điều tiết cung - cầu, ổn định thị trường và đảm bảo an toàn phòng dịch. |
Lê An