Âm nhạc luôn gắn bó với đời sống của con người. Cùng với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại đã làm cho những loại hình nghệ thuật truyền thống ít được quan tâm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người trẻ yêu thích giá trị cổ xưa của dân tộc, luôn tìm cách gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong cộng đồng.
Âm nhạc luôn gắn bó với đời sống của con người. Cùng với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại đã làm cho những loại hình nghệ thuật truyền thống ít được quan tâm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người trẻ yêu thích giá trị cổ xưa của dân tộc, luôn tìm cách gìn giữ, phát huy và lan tỏa trong cộng đồng.
Nghệ sĩ Trần Trung (trái) đang thu âm ca khúc cho Hãng Discovery. Ảnh: L.Na |
Trong số những người trẻ đó có nghệ sĩ Trần Trung - người con của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hiện đang công tác tại Nhạc viện TP.HCM.
* Nghệ sĩ đàn bầu mê hòa âm phối khí
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha của Trần Trung là NSƯT Trần Đức Sìn - một trong những tác giả, đạo diễn sân khấu tài năng, có nhiều cống hiến trên lĩnh vực nghệ thuật ở Đồng Nai. Từ nhỏ, anh đã được gia đình cho theo học đàn organ và định hướng cho anh theo học nghệ thuật chuyên nghiệp tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai (hệ 7 năm).
Nghệ sĩ Trần Trung sinh năm 1991, quê gốc ở Hải Phòng, sinh sống và học tập tại Biên Hòa - Đồng Nai. Anh hiện công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc thuộc Nhạc viện TP.HCM. Đầu năm 2021, nghệ sĩ Trần Trung đã ra mắt mini album gồm 4 ca khúc: Vào chùa; Cây trúc xinh; Em đi chùa Hương và Thuyền mộng. Album là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân tộc, đã phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music. |
Nghệ sĩ Trần Trung cho biết, anh đến với đàn bầu hết sức tự nhiên. Mỗi lần đi ngang qua lớp học đàn bầu, thanh âm của đàn cuốn hút, không bị trộn lẫn với bất cứ nhạc cụ nào đã khiến anh yêu thích. Học đàn bầu cũng là kỳ vọng mà gia đình mong muốn anh theo đuổi dài lâu. Những cuộc “chạm ngõ” với đàn bầu hết sức tự nhiên như vậy đã đánh thức tình yêu và mong muốn được khám phá loại hình nhạc cụ truyền thống trong anh.
“Tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai chuyên ngành đàn bầu, tôi tiếp tục theo học ở Nhạc viện TP.HCM. Năm 2013, tôi bắt đầu tham gia biểu diễn chuyên nghiệp với các ban nhạc vừa học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước vừa nâng cao kỹ năng biểu diễn. Thời gian này, tôi học thêm các khóa piano, organ, hòa âm và sản xuất âm nhạc nhằm bổ trợ cho hoạt động nghệ thuật của mình” - anh Trung chia sẻ.
Trần Trung cho biết, để thực hiện hòa âm một ca khúc, nhất là với nghệ sĩ học âm nhạc dân tộc không hề đơn giản. So với các loại nhạc cụ piano, guitar… người học đàn bầu gặp nhiều khó khăn hơn trong hòa âm. Bởi vậy anh dành nhiều thời gian để tìm tòi, sáng tạo, biến tấu tác phẩm âm nhạc sao cho có thể kết hợp hòa âm các ca khúc dân ca, ca khúc hiện đại với nhạc điện tử. Đến thời điểm hiện tại, anh có gần 40 ca khúc hòa âm, phối khí và ca khúc tự mình sáng tác.
* Dự án âm nhạc cho người khiếm thị
Trong quá trình công tác, nghệ sĩ Trần Trung có thời gian 5 năm dạy đàn bầu cho học sinh khiếm thị. Nhằm giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng đàn, anh đã thu âm những bài đàn bầu ở nhà, sau đó gửi cho các em nghe. Tại mỗi buổi học, anh hướng dẫn học sinh tập cách nghe, ghi nhớ và tự cảm nhận các “nốt nhạc” trên một dây đàn thay vì nhìn trực tiếp như những người bình thường.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, không thể nhìn dây đàn nhưng các em khiếm thị rất nỗ lực. Ngoài hỗ trợ, động viên các em học tốt, tôi còn có định hướng, khuyến khích các em học thêm một số loại nhạc cụ khác để sau khi ra trường có thể tìm được nhiều cơ hội việc làm hơn. Đối với một số hoạt động biểu diễn trong các ban nhạc hay các chương trình nghệ thuật, tôi cũng tạo điều kiện cho các em khiếm thị được tham gia, giúp các em kiếm thêm thu nhập và tự tin trước sân khấu” - anh Trung nói.
Cũng bởi xuất phát từ việc dạy đàn bầu cho học sinh khiếm thị, hiểu được khó khăn của họ khi theo đuổi âm nhạc truyền thống, nhất là việc thiếu giáo trình giáo án dạy học, nghệ sĩ Trần Trung đang thực hiện dự án sản xuất kho audio các bài giảng cho người khiếm thị. Hiện, anh đã thử nghiệm một số bài giảng, ghi nhớ bằng máy ghi âm nhằm giúp học sinh tương tác thuận lợi hơn.
Nghệ sĩ Trần Trung cho hay: “Với dự án audio các bài giảng đàn bầu cho người khiếm thị, tôi đã và đang tích cực thực hiện, cố gắng hoàn thành một cách sớm nhất để đưa vào dạy học. Cùng với đó, tôi đang hòa âm các ca khúc dân ca kết hợp với nhạc điện tử hiện đại, phát hành trực tuyến trên các kênh nhạc quốc tế. Tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng”.
Nói về Trần Trung, ThS Phùng Ngọc Long, Quyền Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai nhận xét: “Trung là một trong số ít người theo học âm nhạc dân tộc nhưng rất đam mê hòa âm phối khí. Nhiều tác phẩm do Trung hòa âm, sáng tác và phát hành trên các nền tảng đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Với tài năng, sự nỗ lực và cống hiến, tin tưởng rằng Trần Trung sẽ tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật phía trước”.
Ly Na