Với gần 20 đầu sách, trong đó phân nửa là tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi, để có được nguồn cảm hứng sáng tác cho độc giả trẻ em, nhà văn Võ Thu Hương cho hay người viết phải đặt mình vào cuộc sống của các em, sống cùng và vẽ ra những giấc mơ trong trẻo của tuổi thơ.
Nhà văn Võ Thu Hương. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Với gần 20 đầu sách, trong đó phân nửa là tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi, để có được nguồn cảm hứng sáng tác cho độc giả trẻ em, nhà văn Võ Thu Hương cho hay người viết phải đặt mình vào cuộc sống của các em, sống cùng và vẽ ra những giấc mơ trong trẻo của tuổi thơ.
Mới đây, một niềm vui lớn đến với Võ Thu Hương là có tới 4 tác phẩm của chị được NXB Giáo dục lựa chọn in trong sách giáo khoa (SGK) để làm trích dẫn giảng dạy cho học sinh từ năm học 2021-2022.
Sống cùng sự trong trẻo của trẻ thơ
Không nhiều tác giả, nhà văn, nhà thơ trẻ có được những tác phẩm đưa vào SGK, trong khi lần này chị có tới 4 truyện ngắn được trích dẫn, điều này với chị có ý nghĩa như thế nào?
- Với nhiều nhà văn, việc có tác phẩm in trong SGK là món quà ý nghĩa trong nghề. Chúng tôi nói vui rằng được đưa vào SGK thì tác phẩm của mình có cơ hội in hàng vạn bản đến với hàng triệu em học sinh và có thể để lại một ấn tượng nào đó.
Tôi cũng là một bà mẹ có con đang đi học, tuổi đó bọn trẻ con thường thuộc lòng cả văn lẫn thơ. Chỉ nghĩ tới việc nhiều đứa trẻ thuộc lòng truyện của mình, câu chữ của mình được bọn trẻ con học cũng đã là một niềm vui ý nghĩa.
Cho tới hiện nay, chị vẫn đang được coi là tác giả trẻ. “Gia tài” trong nghề văn của chị đã có bao nhiêu tác phẩm? Dòng chủ lưu trong các sáng tác của chị là gì?
- Cũng gần 20 cuốn rồi, chưa nhiều lắm đâu. Tôi thường viết về đề tài thiếu nhi, phụ nữ, gia đình. Đó là những điều gần gũi nhất với cuộc sống của mình. Từ tình cảm, sự gắn bó trong gia đình, việc viết cho thiếu nhi nuôi dưỡng cảm xúc, gắn bó tôi với nghề viết vốn dĩ là nghề nhiều người thấy nhọc nhằn. Khi đối tượng độc giả là thiếu nhi, nhà văn được thường xuyên sống với những thế giới tâm hồn tuổi thơ trong veo, tươi trẻ, nó làm cho ta vơi bớt đi mệt nhọc. Cha mẹ cần dành thời gian, sự chú tâm, tình yêu thương và trân trọng để làm bạn cùng.
Mỗi chúng ta ai cũng từng là trẻ con, từng đi qua những khát khao, yêu ghét, mong muốn của tuổi thơ. Khi cúi xuống làm bạn cùng trẻ con, nhất định chúng ta sẽ tìm ra sự đồng điệu để sẻ chia.
Để có được những cuốn sách hay viết cho thiếu nhi là không đơn giản, chị nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983 ở Nghệ An, hiện là Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM. Nữ nhà văn Võ Thu Hương có mặt ở cả sách Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021). Trong đó, các bài tập đọc Góc nhỏ yêu thương, Quê mình đẹp nhất (Tiếng Việt 2); truyện ngắn Con muốn làm một cái cây (Ngữ văn 6) và truyện ngắn Chỉ là em gấu đi lạc (Bài tập Ngữ văn 6). |
- Chúng ta đã có nhiều tác giả lớn, vĩ đại viết cho thiếu nhi cả ở trong và ngoài nước với những cuốn sách kinh điển qua mỗi thời đại. Để có những tác phẩm lớn, sức sống lâu bền trong lòng độc giả, nhất là cả trẻ em và người lớn thì không hề đơn giản. Mỗi một câu chuyện truyền tải một ý nghĩa nhân văn sâu sắc phía sau đó mà ngay cả người lớn cũng đọc và cảm nhận được.
Thiếu nhi ở thế hệ nào cũng có chung những niềm yêu thích, sự rung cảm, sự trong trẻo, hồn nhiên vốn có. Ở thế hệ nào thì thiếu nhi cũng vẫn mang trong mình trái tim tươi vui, nhân hậu, yêu cả từng cái cây, bông hoa, con chó, con mèo… Có những tác phẩm ra đời hàng trăm, hàng chục năm vẫn rung động độc giả. Chẳng qua, sự phát triển của xã hội đã có phần nào thay đổi góc nhìn của người lớn về trẻ em, nhưng các em nhìn sự vật nào cũng đều mới như nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải hướng dẫn trẻ em đi theo những định hướng đúng đắn.
Còn về nghề viết, với tôi, văn chương là sự khổ luyện, không được phép dễ dãi. Tôi coi trọng nét đẹp văn chương, những giá trị đẹp trong tác phẩm thiếu nhi và không cho phép mình hay độc giả của mình có thái độ qua loa. Đọc sách, nhất là sách văn học cũng góp phần xây dựng nên tâm hồn trẻ thơ.
Viết văn là đi tìm sự đồng điệu
Với nghề viết văn, chất liệu sáng tác là điều rất quan trọng, riêng nhà văn Võ Thu Hương thì nguồn chất liệu ấy được, tìm kiếm, lưu trữ ở đâu?
Nhà văn Võ Thu Hương giao lưu với các em thiếu nhi |
- Tôi tập tành viết văn từ khi còn nhỏ, lúc mới là cô bé học lớp 9 qua các bút nhóm văn học ở trường. Chất liệu sáng tác ư? (cười) Nó ở ngay quanh ta đấy thôi. Cuộc sống thường nhật xung quanh mình có biết bao điều xảy ra, từ ngoài xã hội đến công việc, các mối quan hệ cho đến cả khi bạn trở về nhà và sống cùng các con nhỏ.
Để nuôi dưỡng chất liệu sáng tác thì trước hết bạn phải nuôi dưỡng tâm hồn mình, tìm kiếm sự đồng điệu với nhân vật. Tôi thường đến các trường học trò chuyện với các bé để hiểu hơn độc giả của mình, đọc những tác phẩm hay để học hỏi và để nuôi dưỡng cảm hứng… Đó là cách để tôi đi dài hơi với việc viết cho thiếu nhi.
Ngoài viết cho thiếu nhi, tôi cũng có những cuốn sách truyện viết cho người lớn và cả chấp bút viết về các nhân vật, anh hùng trong chiến đấu, trong lao động… đằng sau họ là cả một bầu trời câu chuyện.
Lập thân văn chương vốn rất đỗi nhọc nhằn, nhưng hình như với chị, mọi chuyện có phần suôn sẻ?
- Văn chương là “cần câu cơm” của tôi. Nhưng trước khi viết văn một cách thực sự chuyên nghiệp, tôi từng có thời gian dài gần 10 năm làm báo.
Nếu nói để sống tốt bằng văn của tôi có phần đúng, cũng có phần chưa đúng bởi điều quan trọng hơn, việc viết lách khiến tôi tìm thấy niềm vui, sự tự tin, giúp mình thăng bằng trong cuộc sống. Ngoài ra tôi vẫn sống một phần đến từ công việc làm báo thiên về văn chương. Cộng tác với các báo là cách để dễ sống hơn với nghề. Viết tản văn, truyện ngắn đăng báo hay là chấp bút tự truyện cho các nhân vật cũng làm giàu thêm cho nghề văn của mình. Với tôi, để có những tác phẩm hay thì luôn phải trải nghiệm và sự nỗ lực học hỏi, vượt qua chính mình và tôi vẫn đang cố gắng thực hiện dù có thể vẫn còn khó khăn hơn.
Chị hiện tại đang là Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM, ở vai trò quản lý, sắp tới chị vẫn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận văn chương chứ?
- Khi làm công tác văn phòng, tất nhiên là cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc sáng tác, nhưng bù lại làm công tác văn phòng sẽ gặp gỡ được nhiều tác giả, bạn viết hơn. Dù sao thì mình vẫn còn trẻ, sẽ nỗ lực để vừa làm tốt công tác Hội nhưng cũng phải trau dồi nghề viết.
Công việc có thể ảnh hưởng tới thời gian, tới cảm hứng sáng tác chứ không ảnh hưởng phong cách sáng tác. Bất kỳ ai cũng muốn xây dựng phong cách sáng tác cho mình để độc giả nhận ra ngay và tôi cũng không phải ngoại lệ.
Xin cảm ơn nhà văn!
Vương Thế (thực hiện)