Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều kịch bản giải bài toán tiêu thụ nông sản

03:07, 31/07/2021

Trước khó khăn về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn Đồng Nai.

Trước khó khăn về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn Đồng Nai.

Những gian hàng 0 đồng do Sở NN-PTNT tổ chức trên địa bàn TP.Biên Hòa vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ rau, thịt cho người dân gặp khó khăn trong vùng bị phong tỏa. Ảnh: N.N
Những gian hàng 0 đồng do Sở NN-PTNT tổ chức trên địa bàn TP.Biên Hòa vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ rau, thịt cho người dân gặp khó khăn trong vùng bị phong tỏa. Ảnh: N.N

Các giải pháp đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa, nỗ lực tham gia thị trường xuất khẩu, nhất là tăng cường sản lượng nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử… được cho là những giải pháp hữu hiệu để mở rộng tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Gỡ vướng mắc

Trước khó khăn của các tỉnh, thành phía Nam trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm khi thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 26-7 bàn về tình hình sản xuất và cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phía Nam khi thực hiện Chỉ thị 16, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam sẵn sàng phối hợp ngay với các địa phương để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn. Đây là giải pháp vừa đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, vừa chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản.

Những ngày qua, Tổ công tác đã liên tục cập nhật thông tin của gần 400 doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, củ, quả, thủy sản, chăn nuôi ở phía Nam cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ. Về nhân công, các HTX, doanh nghiệp nên tích cực vận động người lao động trở lại làm việc ngay khi đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó quan tâm thực hiện giải pháp tăng ca để đảm bảo về yêu cầu giãn cách.

Ở góc độ địa phương, Sở NN-PTNT lập danh sách với đầy đủ thông tin về nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Sở lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu... của người dân trên địa bàn tỉnh. Đường dây nóng này được Sở NN-PTNT tổ chức nhằm tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung - cầu tránh tình trạng hàng hóa bị dồn ứ cục bộ, đảm bảo nguồn hàng được lưu thông.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tiêu thụ sản phẩm heo, gà đang là vấn đề nóng nhất hiện nay, Sở NN-PTNT đã đề nghị việc duy trì, mở lại các cơ sở giết mổ cần sớm được nhận thức rõ nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm vật nuôi. Do đó, mong ngành Y tế và các địa phương cần thực hiện hàng loạt các hoạt động tích cực như tách các ca F0, xét nghiệm toàn bộ nhân công liên quan đến cơ sở giết mổ, khử trùng toàn bộ cơ sở bằng các biện pháp chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn kỹ càng, triển khai kịp thời, đồng bộ đến các chủ cở sở giết mổ về các quy trình đảm bảo chặt chẽ phòng, chống dịch gắn với kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc để các cơ sở giết mổ sớm mở cửa lại và đảm bảo không tái dịch. Đề nghị chính quyền địa phương các cấp xem xét cho hoạt động trở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có kiểm soát để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.

Tăng kết nối cung - cầu

Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại các vùng đang dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu, hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Sở đang tập trung theo dõi, cập nhật sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch; sản lượng gia súc, gia cầm giết mổ để phối hợp với các địa phương tiêu thụ hết sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Sở cũng rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, đơn vị còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, Sở NN-PTNT đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tiêu thụ nông sản cho nông dân và người chăn nuôi. Trong đó, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương thực trong việc kết nối các kênh tiêu thụ nông sản. Cụ thể, phối hợp để cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân, HTX, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến và dự trữ nông sản tăng lên khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lê Quyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích