Nói đến thơ ca về Chiến khu Ð trong kháng chiến chống Pháp, người miền Ðông thường nhớ đến Huỳnh Văn Nghệ. Nhưng ngoài Huỳnh Văn Nghệ còn có một người lính Vệ quốc đoàn làm thơ và những bài thơ của ông thuộc trong số không nhiều tác phẩm được đồng đội truyền đọc, sau này được các nhà chuyên môn chọn vào hàng những tác phẩm tiêu biểu cho thơ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Ðó là nhà thơ Xuân Miễn với bài thơ Nhớ miền Ðông.
Nói đến thơ ca về Chiến khu Ð trong kháng chiến chống Pháp, người miền Ðông thường nhớ đến Huỳnh Văn Nghệ. Nhưng ngoài Huỳnh Văn Nghệ còn có một người lính Vệ quốc đoàn làm thơ và những bài thơ của ông thuộc trong số không nhiều tác phẩm được đồng đội truyền đọc, sau này được các nhà chuyên môn chọn vào hàng những tác phẩm tiêu biểu cho thơ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Ðó là nhà thơ Xuân Miễn với bài thơ Nhớ miền Ðông.
Nhà thơ Xuân Miễn, tên thật là Nguyễn Xuân Miễn, sinh năm 1922, quê ở Hà Nam. Ông được giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động Mặt trận Việt Minh từ tháng 3-1945, rồi tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương trong Cách mạng Tháng Tám. Khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, theo Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, Xuân Miễn tình nguyện gia nhập Ðoàn quân vào Nam chiến đấu. Ông đã chiến đấu ở Nam bộ suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối tháng 10-1952, Xuân Miễn được điều động công tác về miền Tây Nam bộ.
Gắn bó với Chiến khu Ð suốt cả sáu, bảy năm trời, đồng cam cộng khổ, tình đất, tình người xoắn bện, nên khi sắp rời xa ai lại không xúc động, nhớ thương. Chưa xa mà đã nhớ, cả cuộc chiến đấu anh hùng, nhiều gian khổ nhưng thắm tình quân dân, đồng đội như một cuốn phim hiện lên: “Chưa chi mà đã nhớ miền Ðông/ Cứ muốn ghì ôm lấy núi rừng”. Miền Ðông với bạt ngàn núi rừng, cảnh thiên nhiên hùng tráng và hoang sơ: “Ôi! Tiếng chim hoàng kêu buổi sáng/ Nỉ non trong lá vượn ru con/… Những chiều rừng thẳm gió bao la/ Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ/ Vang tiếng bầy voi giữa rú già”.
Nhớ miền Đông Xuân Miễn
Chưa chi mà đã nhớ miền Đông Cứ muốn ghì ôm lấy núi rừng Ôi! Tiếng chim hoàng kêu buổi sáng, Nỉ non trong lá vượn ru con.
Ta sắp xa rồi! Ta sắp xa: Những chiều rừng thẳm gió bao la, Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ, Vang tiếng bầy voi giữa rú già.
Những buổi vai mang nặng gánh mì Trảng xa ngập nước mỏi chân đi. Những trưa tranh cắt mình đau xót, Nhà cất lên rồi lại dọn đi.
Nửa đĩa cơm chia đỡ đói lòng, Phá rừng gai móc xé da lưng Mồ hôi đổ xuống se lòng đất Cho lúa khoai lên mượt rẫy vồng.
Cơn sốt nằm run đến sập giường, Rét xong lại dậy cuốc như thường. Miền Đông “gian khổ mà anh dũng” Đôi lúc tương tư một tán đường.
Lá bứa chua chua, củ chụp bùi Nhiều khi cơm lạt vẫn cười vui. Tòn ten chiếc võng trong giờ nghỉ, Mẩu thuốc tàn chia bập mấy người.
Ấm sao tình bạn lính miền Đông Một bước xa đi nhớ núi rừng Men mét làn da cười nghẹn nghẹn Ra đi kết ngãi với bàng đưng. Sóc Mây Tầu, 22-10-1952 |
Rừng già miền Ðông khi ấy thăm thẳm, mịt mùng, nhiều loài cây gỗ quý, nhiều loài thú, loài chim quý nhưng Xuân Miễn chỉ chọn 3 “công dân xứ rừng”, ba “người bạn” gắn bó với cuộc sống của người chiến sĩ ở rừng, đó là chim hoàng (chim hồng hoàng), voi, vượn. Chim hồng hoàng còn gọi là phượng hoàng đất sống ở các khu rừng miền Ðông Nam bộ (và nhiều nơi khác). Ðây là loài chim to lớn (sải cánh dài tới một mét rưỡi), hình dáng đẹp, hùng dũng. Chim còn có đặc tính là chung thủy và quyết liệt trong bảo vệ tổ ấm của mình. Chim hoàng tượng trưng cho cái đẹp, sự dũng cảm. Ðấy cũng là những phẩm chất người chiến sĩ vươn tới và rèn luyện. Chim hồng hoàng xuất hiện còn là điềm lành theo quan niệm dân gian. Yêu sao, sảng khoái sao mỗi buổi sớm thấy chim hồng hoàng sải cánh trên lùm cây trước lán rừng. Bây giờ ở rừng miền Ðông voi rừng còn không nhiều cá thể, do nạn săn bắn voi tàn bạo từ những thời gian trước, phải bảo vệ quyết liệt. Ngày xưa ông cha ta luyện voi đi đánh trận. Những năm tháng trong kháng chiến voi còn là những “chiến sĩ vận tải” vô địch và can trường. “Nỉ non trong lá vượn ru con”. Tiếng vượn ru con hằng đêm trong rừng gợi về mái ấm gia đình mà người chiến sĩ ra đi chiến đấu để bảo vệ.
Cuộc sống chiến đấu ở chiến khu nhiều gian khổ, thiếu thốn đủ thứ, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu muối, thuốc chữa bệnh và nhiều nhu yếu phẩm khác. “Ðôi lúc tương tư một tán đường”. Ở cuộc sống bình thường kiếm một tán đường (miếng đường) là thứ quá dễ dàng, nhỏ nhoi. Thế mà ở chiến khu phải “tương tư” (!!!) về nó mới biết sự thiếu thốn đến mức nào. Ngoài quân địch luôn tập kích, càn quét, còn trăm thứ đe dọa: thú dữ, rắn độc, muỗi mòng, bệnh tật. Nạn cọp ba móng đã một thời gây kinh hoàng, cướp đi bao sinh mạng chiến sĩ, đồng bào ta ở đây. Về bệnh tật, nguy hiểm nhất ở rừng là bệnh sốt rét, căn bệnh hầu như ai ở rừng cũng bị mắc. Ký sinh trùng sốt rét tàn phá hồng cầu, hủy hoại sức khỏe và cướp đi sinh mạng nhiều người.
Cuộc kháng chiến lâu dài, con đường tiếp tế từ dân khó khăn, cán bộ, chiến sĩ ta phải vừa chiến đấu vừa sản xuất, tự túc tăng gia lương thực, thực phẩm: “Phá rừng gai móc xé da lưng”/ Mồ hôi đổ xuống se lòng đất/ Cho lúa khoai lên mượt rẫy vồng”. “Những buổi vai mang nặng gánh mì/ Trảng xa ngập nước mỏi chân đi”. Họ phải dựng lán, nhà để ở, vừa phải liên tục di chuyển tránh giặc tập kích: “Những trưa tranh cắt mình đau xót/ Nhà cất lên rồi lại dọn đi”.
Còn bao nhiêu gian khổ, khó khăn vô cùng nữa nhưng tinh thần, ý chí người chiến sĩ đã vượt lên tất cả. Ở rừng phải chịu gian khổ nhưng tìm về rừng là tìm về thiên nhiên hào phóng che chở, nuôi dưỡng con người. Những sản vật thiết thực của rừng: “Lá bứa chua chua củ chụp bùi” cùng nhiều củ, quả, rau rừng khác đã nuôi sống người chiến sĩ. Và họ đã sống lạc quan, tin tưởng, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ: “Cơn sốt nằm run đến sập giường/ Rét xong lại dậy cuốc như thường”; “Nhiều khi cơm lạt vẫn cười vui/ Tòn ten chiếc võng trong giờ nghỉ”. Họ nhường cơm sẻ áo, ấm áp tình đồng đội: “Mẩu thuốc tàn chia bập mấy người”; “Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ/ Nửa đĩa cơm chia đỡ đói lòng”.
Bất chợt trong mạch thơ, nhà thơ Xuân Miễn hạ một câu khái quát bằng ngôn ngữ khái niệm mà vẫn thơ bởi đặt đúng chỗ: “Miền Ðông “gian khổ mà anh dũng”. Sau này sách báo nhắc nhiều đến câu đúc kết nổi tiếng này, thành danh hiệu tự hào của miền Ðông Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến.
Người chiến sĩ chia tay núi rừng miền Ðông về chiến trường miền Tây Nam bộ, xứ sở của kênh rạch, bần, đước, bàng đưng, của nước phèn, cá sấu, “muỗi bay như trấu rắc, đỉa lội tựa bánh canh” nơi gian khổ mới. Hình ảnh “Men mét làn da, cười nghẹn nghẹn/ Ra đi kết ngãi với bàng đưng” khép lại bài thơ, như cận cảnh phác họa hình thể, tâm hồn người chiến sĩ. Tuy thể chất gầy yếu vì thiếu thốn, bệnh tật nhưng họ luôn lạc quan, xác định sẵn sàng tiếp nhận và quyết vượt lên mọi gian lao như từ thuở ban đầu ra đi kháng chiến: “Nóp với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân trai nào kém oai hùng” (Tạ Thanh Sơn).
Tình cảm nặng đầy ơn nghĩa với núi rừng, con người miền Ðông Nam bộ đã giúp Xuân Miễn viết nên tác phẩm thơ thành công. Giọng điệu khỏe khoắn. Ngôn ngữ thơ giản dị, cô đúc, mang dáng vẻ hiện đại. Nhớ miền Ðông thuộc không nhiều tác phẩm thơ thành công thời kỳ này.
Phước Long Giang