Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, "cửa" phải thật sự rộng mở cho doanh nghiệp

11:07, 09/07/2021

Nhiều năm gắn bó với ngành Cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hamee, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT)Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ngành CNHT trong nước. Ông là một trong những người đi đầu trong sản xuất, tư vấn cho các doanh nghiệp (DN) Việt đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều năm gắn bó với ngành Cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hamee, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT)Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ngành CNHT trong nước. Ông là một trong những người đi đầu trong sản xuất, tư vấn cho các doanh nghiệp (DN) Việt đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đỗ Phước Tống (thứ 2 từ trái qua), Chủ tịch Hamee, Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam giao lưu cùng các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Ảnh: H.Giang
Ông Đỗ Phước Tống (thứ 2 từ trái qua), Chủ tịch Hamee, Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam giao lưu cùng các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Ảnh: H.Giang

Theo ông Đỗ Phước Tống, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT đa số là nhỏ và vừa nên rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Những chính sách của Chính phủ cần cụ thể, rõ ràng, đơn giản về thủ tục để DN dễ dàng tiếp cận, song DN cũng phải có kế hoạch phù hợp để vượt qua khó khăn và vươn lên khẳng định thương hiệu của mình.

Chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

* Nhiều năm gắn bó với ngành CNHT Việt Nam, ông đánh giá về khả năng của DN Việt trên lĩnh vực này như thế nào?

- Những năm gần đây ngành CNHT trong nước có những bước tiến đáng kể, nhiều DN Việt đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và xuất khẩu. Tuy nhiên, với những đơn hàng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã nhiều DN Việt sản xuất CNHT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Nguyên nhân là do đa số các DN có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít nên gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, máy móc thiết bị, công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các điểm yếu trên đã ngăn cản DN ngành CNHT phát triển, dẫn đến chưa theo kịp nhu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước.

* Theo ông, DN trên lĩnh vực CNHT muốn trở nên lớn mạnh cần những yếu tố nào?

- Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho DN trên lĩnh vực CNHT như vốn vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thương để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thực tế, số DN Việt tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ chưa nhiều nên ngành CNHT chưa phát triển được như mong muốn. Theo tôi, để DN ngành CNHT phát triển lớn mạnh không chỉ dựa vào năng lực sẵn có mà còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt hơn, thủ tục đơn giản để nhiều DN dễ dàng tiếp cận được thì họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào phát triển CNHT hơn nữa.   

* Hơn 1 năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, DN ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp. Đây có phải là dịp để DN trên lĩnh vực CNHT tăng thị phần ở thị trường nội địa?

- Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho ngành Công nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Do đó, đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu đầu vào cho ngành giày dép, dệt may, cơ khí chế tạo, xơ sợi dệt, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc... ở những nước trên phải tạm dừng hoạt động gây ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Theo đó, nhiều DN tại Việt Nam đã rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải hoạt động cầm chừng. Từ cuối tháng 5-2020, tình trạng thiếu nguyên liệu không còn gay gắt, nhưng chuỗi cung ứng vẫn chưa hoạt động lại bình thường. Qua đợt khủng hoảng nguyên liệu đó, các DN có vốn đầu tư trong nước, DN FDI có xu hướng quay về tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất. Vì thế, đây có thể xem là cơ hội cho các DN ngành CNHT tại Việt Nam tăng tiêu thụ ở thị trường nội địa, bù lại các đơn hàng xuất khẩu bị giảm sút. Thế nhưng, muốn trở thành nhà cung ứng cho các DN FDI tại Việt Nam không dễ, vì họ đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Để đáp ứng được các yêu cầu của DN FDI, DN ngành CNHT buộc phải đầu tư nhà xưởng khang trang, máy móc hiện đại, quản trị tốt và hàng loạt các ràng buộc khác về lao động, môi trường, phòng chống cháy nổ... Và thực hiện các tiêu chí trên, DN phải có nguồn vốn lớn, nhưng trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, không nhiều DN tận dụng được cơ hội trên.

Cần tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

* Tuy DN Việt trên lĩnh vực CNHT đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu song đa số là những sản phẩm đơn giản. Theo ông, để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, DN cần hội tụ những tiêu chí nào?

- Để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt phải có thực lực mới đủ khả năng đầu tư. Vì ngành này, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại. Đồng thời đào tạo được nguồn lao động có tay nghề cao để có thể nhận chuyển giao và làm chủ máy móc, công nghệ. Nếu sản phẩm làm ra đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của DN FDI thì cơ hội mở rộng sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt sẽ lớn hơn. Khi DN Việt trở thành nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào với số lượng lớn, mức độ tinh xảo cao, giá cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại đến từ các nước khác trong chuỗi sản xuất của từng ngành hàng trên toàn cầu, cũng là lúc chúng ta chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Ông còn được biết đến là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, một DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực CNHT và sản phẩm được nhiều DN FDI chọn lựa. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ DN nhỏ vươn lên trở thành nhà cung ứng lớn có thương hiệu?

- Tôi là kỹ sư cơ khí nên từ lúc trẻ đã có mơ ước là thành lập một DN sản xuất sản phẩm CNHT công nghệ cao. Lúc đầu khi thành lập công ty, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì đam mê, giám chấp nhận rủi ro, thất bại nên tôi đã vượt qua. Từng bước xây dựng Duy Khanh trở thành DN cơ khí sản xuất được các chi tiết máy móc hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu. Với quyết tâm trở thành nhà cung cấp sản phẩm CNHT uy tín ở thị trường trong nước và nước ngoài, năm 1996, Duy Khanh là một trong những DN cơ khí đầu tiên của Việt Nam đã mạnh dạn chi số tiền lớn để đặt mua những máy móc công nghệ hiện đại trên thế giới phục vụ sản xuất. Nhờ có máy móc hiện đại, công ty đã sản xuất được các chi tiết máy, khuôn mẫu chính xác có chất lượng cao được DN FDI tại Việt Nam đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu sang các nước phát triển.

* Nhiều ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ đón được “làn sóng lớn” của FDI đầu tư vào. Vì thế, DN ngành CNHT vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới?

- Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó, có 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đều có Việt Nam là CPTPP, EVFTA, RCEP. Các hiệp định trên sẽ tăng sức hút nguồn vốn FDI vào nước ta. Theo tôi, DN FDI vào Việt Nam đầu tư nhiều trên lĩnh vực công nghiệp sẽ thúc đẩy CNHT trong nước phát triển. Bởi các DN FDI khi vào Việt Nam rất muốn tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để hưởng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Do đó, DN Việt thuộc ngành CNHT có thể lấy đó làm cơ sở để đầu tư phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

“Tôi sẽ cùng với các thành viên trong các hiệp hội hỗ trợ DN ngành Cơ khí, CNHT kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, thông tin về nhu cầu, xu hướng thị trường nội địa, nước ngoài. Đồng thời, giới thiệu, hỗ trợ DN ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, từng bước tham gia vào chuyển đổi số để phát triển bền vững”.

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều