Đây là cuốn sách viết về Hoàng thân Souphanouvong (Xuphanuvông: 13-7-1909 - 13-7-2004). Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong và Chủ tịch Kayson Phonvihan là những lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, là những người bạn chiến đấu thân thiết, chí tình, thủy chung, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Đây là cuốn sách viết về Hoàng thân Souphanouvong (Xuphanuvông: 13-7-1909 - 13-7-2004). Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong và Chủ tịch Kayson Phonvihan là những lãnh tụ kính yêu của nhân dân các bộ tộc Lào, là những người bạn chiến đấu thân thiết, chí tình, thủy chung, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Bìa cuốn sách |
Hoàng thân Xuphanuvông, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Hoàng thân, Hội Hữu nghị Việt - Lào TP.HCM phối hợp với NXB Trẻ xuất bản cuốn sách Ông Hoàng Đỏ - người hùng của đất nước Lào do tác giả Sinava Souphanouvong và nhà văn Trần Công Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Lào sưu tầm, tuyển chọn và dịch.
Cuốn sách bao gồm 28 bài viết của các tác giả Lào và Việt Nam viết về thân thế, sự nghiệp, về những hoạt động cách mạng và chiến đấu chống thực dân, đế quốc của Chủ tịch Xuphanuvông. Tác giả Nguyễn Sanh Dạn với bài viết Nhớ lúc làm việc cạnh Hoàng thân đã cho người đọc hiểu thêm về một lãnh tụ luôn thân thiết, bình đẳng với mọi người. Tác giả Souphaxay Xuphanuvông trong bài viết Cuộc đời riêng đã cho độc giả đi theo những chặng đường lịch sử trong cuộc đời cao đẹp của Hoàng thân từ khi sinh ra đến khi được gửi đi du học ở Việt Nam giữa những năm 1920 và thời gian học thành danh ở nước Pháp, trở về Đông Dương làm việc… Bài viết cũng kể về dấu mốc, mối tình đẹp của một kỹ sư trẻ, một Hoàng thân của nước Lào với cô gái Việt Nam ở Nha Trang là Nguyễn Thị Kỳ Nam để rồi sau đó là đám cưới giữa đôi trai tài gái sắc vào ngày 19-1-1938. Đặc biệt, bài viết đã cho biết: “Bước ngoặt vô cùng to lớn trong cuộc đời Hoàng thân Xuphanuvông, là bước mở đầu của một thời kỳ cống hiến xương máu, mồ hôi và trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh cứu nước của nhân dân Lào chống lại bọn thực dân, đế quốc xâm lược cho đến ngày toàn thắng: ngày mồng 2 tháng 12 năm 1975” (tr.44).
Đó chính là sự kiện tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện về Vinh mời Hoàng thân ra Hà Nội để bàn bạc tình hình khu vực. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những người lính Việt Nam và Lào đã sát cánh bên nhau, trong đó có những người vừa là đồng chí, vừa là lính, vừa là cận vệ và có những người đã hy sinh trong quá trình bảo vệ, hộ tống Hoàng thân. Đó là các bài viết của các tác giả trung tướng Lê Tự Đồng, trung tướng Dương Cự Tẩm (nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7), thiếu tướng Lê Quốc Sản (Quân khu 8)…
Đặc biệt, cuốn sách có in Thư Chủ tịch nước Lào gửi cụ Lê Thước. Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thiệu Huy là con trai của cụ Lê Thước, một nhà văn hóa tên tuổi của Việt Nam. Thiếu thời, Lê Thiệu Huy là một thần đồng, nổi tiếng học giỏi, học vượt cấp 2 năm đến 3 lớp và đã khiến giáo sư Burcher, nhà toán học danh tiếng người Pháp đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy có sinh viên nào xuất chúng hơn Lê Thiệu Huy và không bao giờ dám mơ được thấy người thứ hai tài ba đến như vậy”. Toàn quyền Đông Dương đã đích thân mời thân mẫu Lê Thiệu Huy ra Hà Nội để được gặp người mẹ Việt Nam đã sinh ra một người con thông minh, kiệt xuất đến như vậy.
Không những học giỏi, Lê Thiệu Huy còn có năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời khi thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La Tinh, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Thái. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Thiệu Huy được cử làm thư ký của Bác Hồ để rồi sau đó được Bác Hồ và Bộ Quốc phòng cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại nước bạn Lào và tham gia công tác ngoại giao với nước Xiêm (tức Thái Lan). Trong đoàn quân tình nguyện ấy, Lê Thiệu Huy 26 tuổi đã chỉ huy đơn vị bẻ gãy cuộc hành quân của một đơn vị thực dân Pháp, giải phóng một vùng rộng lớn thuộc địa bàn Trung Lào.
Tháng 3-1946, Lê Thiệu Huy đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông. Trong một trận đánh chống lại quân Pháp, khi đoàn quân rút lui để bảo toàn lực lượng, máy bay địch đã truy kích nã súng máy xuống thuyền, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che chở cho Hoàng thân Xuphanuvông và anh trúng đạn hy sinh ngay trên người Hoàng thân. Trong thư gửi thân sinh anh hùng Lê Thiệu Huy, Hoàng thân Xuphanuvông đã viết: “Thưa ngài, anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý bậc nhất của ngài mất đi, không riêng gì gia quyến mất đi một người con yêu dấu nhất mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất đi một người chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi, cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm cho tôi bùi ngùi thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu để giải phóng cho đất nước Lào, dân tộc Lào” (tr.108-109).
Cuốn sách là tài liệu quý nhằm giúp độc giả hiểu thêm vị lãnh tụ của cách mạng Lào, một người xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, con trai của Phó vương nhưng đã từ bỏ giàu sang phú quý để xả thân cùng nhân dân mình đấu tranh giành độc lập dân tộc mang lại ấm no, hạnh phúc cho đất nước và nhân dân Lào.
Hồng Phúc