Làm việc tại Đồng Nai về tình hình triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), ông Phùng Quốc Chí, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT) đã có nhiều đánh giá về tình hình phát triển KTTT, HTX của Đồng Nai trong thời gian qua.
Làm việc tại Đồng Nai về tình hình triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), ông Phùng Quốc Chí, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT) đã có nhiều đánh giá về tình hình phát triển KTTT, HTX của Đồng Nai trong thời gian qua.
Ông Phùng Quốc Chí cũng có nhiều ý kiến trao đổi về các giải pháp căn cơ phát triển KTTT, sự cần thiết xây dựng được những tập đoàn HTX quy mô lớn tầm quốc gia, quốc tế trong tình hình mới.
Ấn tượng về Đồng Nai
Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển KTTT, HTX trên địa bàn Đồng Nai?
- Các cơ quan, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, điều hành, đón đầu triển khai các nghị quyết phát triển KTTT, HTX thể hiện qua con số và hiệu quả cụ thể trong báo cáo. Cụ thể, trong năm 2020, toàn tỉnh có 43 HTX được thành lập mới, đạt 130% kế hoạch. Lũy kế đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 1.169 tổ hợp tác, 442 HTX; quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX. Trong đó, 416 HTX, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với tổng vốn điều lệ trên 1,6 ngàn tỷ và trên 50 ngàn thành viên, gần 7,6 ngàn lao động.
Trong thời gian vừa qua, KTTT của tỉnh đã phát triển tốt; có những tấm gương nổi bật về các mô hình HTX hoạt động hiệu quả với tài sản hàng tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong cả nước. Đó là tín hiệu rất đáng mừng về phát triển KTTT. Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng phát triển HTX nông nghiệp của Đồng Nai rất tốt. So với mặt bằng chung cả nước, số lượng HTX lớn, số HTX hoạt động hiệu quả cũng rất ấn tượng, loại hình hoạt động đa dạng, ở lĩnh vực phi nông nghiệp nhiều HTX có quy mô rất lớn, tham gia được thị trường xuất khẩu.
Lợi thế phát triển KTTT trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Khuyến khích kinh tế nhà nước, KTTT phát triển có quy mô đủ lớn để làm nền tảng cho nền kinh tế quốc dân là mong muốn cũng như chủ trương xuyên suốt của Đảng ta từ trước đến nay. Ưu đãi cho HTX hiện vẫn cao nhất so với các loại hình kinh tế khác. Luật HTX đi vào cuộc sống chậm hơn so mục tiêu đề ra nhưng cũng đã tiếp cận với kinh tế thị trường.
Ông Phùng Quốc Chí, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT) phát biểu tại buổi làm việc với Đồng Nai |
Riêng với Đồng Nai có những lợi thế như tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng rất nhanh với thu nhập bình quân đầu người cũng rất cao. Thu nhập bình quân của HTX ở Đồng Nai hiện đứng thứ 4 cả nước, tỷ lệ HTX tham gia OCOP (chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm), ứng dụng công nghệ cao, tham gia liên kết cũng thuộc tốp đầu cả nước. Những cơ sở trên, tiềm năng về phát triển KTTT của Đồng Nai còn rất lớn. Ngoài ra, việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai phát triển rất mạnh. Trong thời gian qua, cùng với việc xây dựng NTM, số HTX ở Đồng Nai tăng nhanh và đem lại hiệu quả rất cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn.
Thưa ông, trong lĩnh vực nông nghiệp, vai trò KTTT, HTX có ý nghĩa như thế nào, nhất là trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ?
- Về HTX hiện nay có 2 điểm yếu cần đặt ra, thứ nhất là tiêu thụ sản phẩm, thứ hai là sản xuất truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy phải xây dựng chuỗi liên kết để bù đắp được 2 điểm yếu của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Khâu yếu thứ nhất là về thị trường thì hiện nay doanh nghiệp đang làm rất tốt nên cần liên kết từ nông dân sản xuất đến HTX, doanh nghiệp, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp để hỗ trợ cho điểm yếu của HTX, nông dân tìm kiếm thị trường rất khó khăn. Điểm yếu thứ hai là về truy xuất nguồn gốc để có sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, quy trình sản xuất rõ ràng. Hiện cả thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng quan tâm và yêu cầu về vấn đề này, ý nghĩa của việc xây dựng chuỗi liên kết là để bù đắp 2 khâu còn yếu này của HTX, nông dân.
Đồng Nai rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ HTX, nhất là liên quan đến nội dung nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX. Đây là nội dung rất cần thiết trong tình hình thị trường khó khăn, bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Ngoài ra, việc phát triển, mở rộng kênh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử đang là nhu cầu cần được khuyến khích, mở rộng trong tình hình hiện nay.
Để HTX lớn mạnh hơn
HTX lớn mạnh có nhu cầu chuyển đổi sang loại hình khác đang là vướng mắc lớn trong phát triển HTX hiện nay. Ông góp ý gì cho các địa phương trong mục tiêu xây dựng được những tập đoàn HTX lớn tầm quốc gia, quốc tế?
- Thế giới đã có nhiều mô hình tập đoàn HTX lớn, hoạt động hiệu quả trong khi tại Việt Nam quy mô còn nhỏ. Thực tế hiện nay có tình trạng một số HTX quy mô lớn lại có xu hướng muốn chuyển đổi từ KTTT sang mô hình kinh tế khác như doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp mới phân định rất rõ, một là hoạt động như doanh nghiệp hoặc là HTX vì lợi ích của các thành viên. Ở đây không nên lẫn lộn về bản chất hoạt động giữa doanh nghiệp và HTX. Doanh nghiệp mục tiêu là lợi nhuận còn quan điểm HTX là mô hình tương trợ lẫn nhau, liên kết với những người yếu thế để tương trợ lẫn nhau. Liên kết những người yếu thế lại để tăng sức cạnh tranh là bản chất của KTTT, kinh tế hợp tác. Câu hỏi đặt ra là tại sao HTX lớn mạnh có doanh thu tỷ đồng lại mong muốn chuyển đổi sang mô hình khác? Vấn đề ở đây là do chính sách hoặc những vấn đề đằng sau chính sách là điều chúng tôi cũng đang nghiên cứu. Trên cơ sở tổng kết về hiệu quả thực thi nghị quyết, Luật HTX, nội dung được tập trung trong giai đoạn mới là phát triển bền vững với mục tiêu phát triển KTTT, HTX bền vững, trong đó xây dựng được những tập đoàn HTX thật sự lớn mạnh tầm quốc gia, quốc tế.
Khó khăn chung nhất tất cả các địa phương đều gặp trong phát triển KTTT là gì, thưa ông?
- Khó khăn chung nhất các địa phương, trong đó có Đồng Nai đều gặp đó là nhận thức về KTTT, HTX chưa đầy đủ, chưa toàn diện về vai trò của HTX trong phát triển kinh tế, các thành viên chưa thấy được hết các lợi ích khi tham gia KTTT. Nếu chúng ta không thống nhất được nhận thức, không thấy hết được ý nghĩa, vai trò của việc chúng ta đang làm thì đương nhiên là không thể làm tốt được. Đó là những tồn tại lâu dài cần giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Thời gian tới, Trung ương sẽ tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, tổng kết 10 năm thực hiện Luật HTX. Trong đó, những vướng mắc, khó khăn của các địa phương gặp phải là cơ sở để tiếp tục kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung về chính sách phát triển KTTT. Tôi hy vọng bước hoàn thiện về chính sách sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ phát triển KTTT thật sự bền vững trong giai đoạn tới. Riêng tại địa phương nên quan tâm tiếp tục xây dựng những mô hình HTX điểm, hiệu quả để tập trung hỗ trợ đồng thời giải quyết dứt điểm những HTX yếu kém, cần giải thể.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)