Trong những ngày dịch bệnh bùng phát mạnh, khu vực bị phong tỏa để cách ly y tế trên địa bàn Đồng Nai ngày càng tăng, nhiều bếp ăn từ thiện đã đỏ lửa từ sáng sớm để mang những suất cơm yêu thương đến với mọi người; các sạp hàng 0 đồng liên tiếp được "mọc lên"; nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa được các tổ chức, cá nhân gửi đến hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch ở những vùng bị phong tỏa.
Trong những ngày dịch bệnh bùng phát mạnh, khu vực bị phong tỏa để cách ly y tế trên địa bàn Đồng Nai ngày càng tăng, nhiều bếp ăn từ thiện đã đỏ lửa từ sáng sớm để mang những suất cơm yêu thương đến với mọi người; các sạp hàng 0 đồng liên tiếp được “mọc lên”; nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa được các tổ chức, cá nhân gửi đến hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch ở những vùng bị phong tỏa.
Một số người dân dùng xe máy cày chở rau và cháo đi trao người dân khu phong tỏa thuộc xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất). Ảnh: Tố Tâm |
* Nghĩa tình ở sạp hàng 0 đồng
Từ ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thấy người dân xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất) nằm trong vùng phong tỏa gặp khó khăn về nguồn lương thực, thực phẩm, anh Nguyễn Quốc Dũng (ngụ xã Gia Tân 1) đã ngưng tất cả công việc của gia đình để tập trung giúp cho bà con trong vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hằng ngày, cứ 1 giờ sáng, anh Dũng cùng một số người quen thức dậy để chuẩn bị nguyên liệu và nhóm lửa nấu cháo, đồ ăn sáng trao cho nhiều người dân trong vùng phong tỏa. Đến khoảng 9 giờ sáng cấp xong thực phẩm, anh Dũng lại tìm nguồn rau rồi đem về phân chia thành từng phần và chở đến sạp hàng 0 đồng để người dân đến lấy. Tiếp đó, anh tìm nguồn nguyên liệu nấu cháo, bún để cấp miễn phí vào hôm sau cho bà con, nhất là những gia đình khó khăn, neo đơn.
“Mỗi ngày chúng tôi liên hệ xin hoặc mua giá rẻ từ người quen được khoảng 4-6 tạ rau cấp cho người dân và nấu khoảng hơn 400 suất cháo, bún. Ai nấy đều chung tay giúp đỡ nên mọi việc diễn ra trong an toàn, vui tươi và phấn khởi” - anh Dũng cho biết.
Sạp rau 0 đồng của anh Nguyễn Quốc Dũng (ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) hỗ trợ cho người dân trong vùng phong tỏa. Ảnh: Tố Tâm |
Tương tự, tại H.Nhơn Trạch, khi thấy một bộ phận công nhân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà Nguyễn Diệu Linh (Công ty Vận tải Sơn Linh, TT.Hiệp Phước) đã cho xe tải lên tỉnh Lâm Đồng mua rau về cung cấp tại sạp hàng 0 đồng cho những công nhân khó khăn trong khu vực TT.Hiệp Phước. Bà Linh cho biết, mỗi chuyến xe chở gần 2 tấn rau về nhưng lần nào cũng hết sạch. Bà còn mua heo về, nhờ người khác làm thịt rồi bán cho công nhân với giá rẻ.
“Do hiện nay xe từ Đồng Nai không qua được các chốt kiểm dịch của tỉnh Lâm Đồng nên việc hỗ trợ cũng khó khăn hơn, vì nguồn rau không còn dồi dào như trước” - bà Linh cho hay.
Giáo xứ Thạch An (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) cấp cơm cho người bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Tố Tâm |
Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Trang (ngụ TT.Hiệp Phước) đều đến sạp hàng 0 đồng của bà Linh để lấy một phần rau về nấu ăn cho cả gia đình. Theo bà Trang, bà ở trọ với con gái và nuôi thêm 2 cháu nhỏ. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của con bà bấp bênh, cuộc sống khó khăn hơn. Nhờ có sạp hàng 0 đồng của bà Linh và sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm khác mà mấy mẹ con, bà cháu không phải lo bữa ăn trong thời điểm dịch bệnh.
* Ấm áp những suất cơm yêu thương
Bên cạnh mở ra những sạp hàng 0 đồng thì nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức tôn giáo còn nấu, cấp cơm miễn phí giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể như ở Giáo xứ Thạch An (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu), từ sáng sớm, căn bếp tại giáo xứ bắt đầu đỏ lửa để nấu những suất cơm từ thiện.
Hội Chữ thập đỏ H.Định Quán trao các suất cơm miễn phí cho người gặp khó khăn trên địa bàn trong mùa dịch. Ảnh: Tố Tâm |
Linh mục Đặng Công Khanh, Chánh xứ Giáo xứ Thạch An cho biết, ngay khi phát hiện tại địa phương có dịch bệnh, người dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động tự do, người già, neo đơn…, ông đã phát động chương trình Bữa cơm yêu thương được thực hiện vào thứ tư hằng tuần.
“Mỗi lần tổ chức chương trình, giáo xứ sẽ nấu hơn 200 suất cơm và nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để cấp miễn phí cho những người dân cần. Mỗi người đến nhận cơm hoặc quà đều phải đảm bảo thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Trước mắt, nguồn lương thực, thực phẩm đều là do những người dân trong giáo xứ đóng góp. Về lâu dài sẽ cần sự hỗ trợ nhiều từ các mạnh thường quân để có thể tăng nhiều suất cơm giúp được nhiều người khó khăn hơn” - linh mục Đặng Công Khanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Sen (ngụ xã Vĩnh Tân) cho biết, trước kia dù sức khỏe yếu nhưng bà vẫn đạp xe đi bán vé số. Nhưng từ ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh, bà chấp hành quy định phải ở nhà nên không thể ra ngoài kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ những suất cơm miễn phí và phần quà thiết thực của Giáo xứ Thạch An hỗ trợ, bà cũng đỡ lo chi phí ăn uống hằng ngày.
Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, lao động khó khăn hoặc dân cư trong khu cách ly bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì thời gian qua, một số cơ quan, đoàn thể hoặc những đơn vị thiện nguyện còn nấu cơm và trao những phần quà ý nghĩa cho các lực lượng tuyến đầu tại chốt phòng, chống dịch.
Người dân tại khu phong tỏa thuộc H.Nhơn Trạch được hỗ trợ cơm từ các tổ chức thiện nguyện. Ảnh: Tố Tâm |
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Định Quán Nguyễn Mạnh Khỏe cho hay, ngay khi có ca nhiễm đầu tiên ở huyện, địa phương đã lập các chốt kiểm dịch tại các khu vực bị phong tỏa. Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động các mạnh thường quân và nhiều nhóm thiện nguyện trên địa bàn chung tay hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu vực bị phong tỏa thức ăn, nước uống.
Mỗi ngày, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với các nhóm thiện nguyện trên địa bàn nấu khoảng 80 suất ăn miễn phí. Mỗi nhóm sẽ cung cấp mỗi loại thực phẩm khác nhau như: gạo, thịt, cá, rau, củ, trứng hoặc hỗ trợ tiền mặt. Ngoài những suất cơm thì H.Định Quán còn hỗ trợ cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương hơn 50 tấn nông sản, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời dự trữ tại địa phương khoảng 4 tấn gạo và lương thực thực phẩm để trong thời gian tới khi dịch bệnh phức tạp sẽ có nguồn hỗ trợ cho người dân.
Cũng theo ông Khỏe, thời gian tới, địa phương dự định sẽ mở một siêu thị nhỏ để hỗ trợ cho 500-600 người dân có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh với nguồn kinh phí khoảng hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra địa phương cũng đang phối hợp với các HTX để lên phương án cung cấp nguồn thực phẩm hỗ trợ cho các địa phương khác đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh.
Tố Tâm