Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạm xa nhà trong mùa dịch

08:07, 23/07/2021

Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều khu vực phải phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh, có rất nhiều người phải tạm xa gia đình, người thân để nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, làm việc trong nhà máy…

Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều khu vực phải phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh, có rất nhiều người phải tạm xa gia đình, người thân để nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, làm việc trong nhà máy…

Thực hiện “3 tại chỗ”  tại nhà máy, chị Nguyễn Quỳnh Phương (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) trò chuyện hỏi thăm, gặp gỡ các con (ảnh phải) qua điện thoại
Thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy, chị Nguyễn Quỳnh Phương (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) trò chuyện hỏi thăm, gặp gỡ các con (ảnh phải) qua điện thoại

* Những ngày tháng khó quên

Đã hơn 1 năm nay, từ khi Bệnh viện Phổi Đồng Nai được chỉ định làm bệnh viện chuyên điều trị cho người bị nhiễm SARS-CoV-2, nhiều nhân viên y tế của bệnh viện này đã tạm gác lại việc nhà để tận tâm, tận lực cho công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Như nhiều đồng nghiệp đang căng mình chống dịch, bác sĩ Hoàng Thi Thơ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã có nhiều đợt tạm xa gia đình, phó thác con, mọi việc ở nhà cho vợ. Bác sĩ Thơ chia sẻ, trước khi Đồng Nai chính thức có những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngoài ngày trực, anh về nhà sau mỗi ngày làm việc. Từ khi những ca nhiễm SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện, anh và nhiều đồng nghiệp gần như “đóng quân” tại bệnh viện. 

Hiện nay, thời bùng nổ công nghệ số và sự phổ biến của các thiết bị điện tử thông minh, việc phong tỏa, cách ly y tế chỉ mang tính chất hạn chế về không gian. Bởi bất cứ lúc nào và ở đâu, người trong khu cách ly hay ở nơi “3 tại chỗ” đều có  thể trao đổi, trò chuyện với người thân, bạn bè của mình. Và đây chính là quãng thời gian và cơ hội để mọi người hiểu, cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn.

BS Thơ tâm sự: “Biến chủng của SARS-CoV-2 mỗi ngày một phức tạp. Hằng ngày phải tiếp xúc với những người bệnh, nói không ngại thì không đúng, nhưng chứng kiến bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nặng thở khó khăn do phổi bị virus tấn công làm đông đặc, trong tôi chỉ còn là sự thương cảm và tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa”.

Bị nhiễm SARS-CoV-2, tâm lý phần lớn người bệnh rất hoang mang, sợ hãi, ánh mắt luôn như cầu cứu bác sĩ. Những hình ảnh ấy khiến bác sĩ Thơ cảm thấy cần phải làm nhiều hơn nữa cho bệnh nhân. Từ khi dịch bùng phát mạnh, cả tháng nay bác sĩ Thơ đã không về thăm nhà. Anh nói: “Nhớ vợ con thì tôi tranh thủ trò chuyện qua điện thoại. Chia xa tạm thời hôm nay để cho những ngày sau được bình yên. Song, với tôi đây là những trải nghiệm khó quên trong nghề của mình”.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang trở nên phức tạp khi Covid-19 đã xâm nhập vào nhiều công ty lớn, trong khu công nghiệp. Số ca nhiễm trong những công ty, xí nghiệp đang tăng lên khá nhiều. Để khống chế, ngăn không cho dịch phát tác nhanh, lây lan rộng trong doanh nghiệp, cũng như các khu công nghiệp, Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi trong khuôn viên nhà máy). Và nhiều gia đình công nhân đã phải tạm thời xa nhau ít nhất 14 ngày.

Có hai người con nhỏ 4 và 6 tuổi, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đã quyết định gửi con cho ông bà để vào nhà máy làm việc. Do tính chất công việc không thể nghỉ, hơn nữa khi đi làm mỗi ngày công ty chi thêm 150 ngàn đồng ngoài lương nên vợ chồng anh Tiến đã chấp nhận “chia” gia đình ra 3 nơi: anh ở tại công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, chị ở lại công ty thuộc Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), còn 2 con nhỏ gửi ông bà ngoại.

Dù được công ty lo chỗ ăn, ở tại chỗ khá chu đáo, nhưng chị Nguyễn Quỳnh Phương, vợ anh Tiến vẫn lo lắng cho cha mẹ và 2 con ở nhà, nhất là khi con gái nhỏ bị sốt cao. Chị Phương kể: “Vào ngày thứ 5 ở lại công ty, mẹ tôi gọi điện nói bé nhỏ bị sốt. Tôi rất lo, muốn xin công ty ra về và tạm nghỉ việc cho đến khi công ty trở lại làm việc bình thường. Nhưng may, qua hôm sau, bé hết sốt, vui vẻ trở lại tôi mới yên tâm. Tối nào mấy mẹ con cũng trò chuyện qua Zalo”. 

Theo chị Phương, chưa bao giờ chị rời các con một khoảng thời gian lâu đến thế. Nhưng tình hình dịch đang lây lan trong một số công ty trong khu công nghiệp nên phương án làm việc, ăn, ngủ lại tại công ty cũng là một giải pháp hay để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Gia đình tạm xa nhau, nhưng bù lại điều đó giúp cho những người thân yêu của tôi được an toàn” - chị Phương nói.

* Mong trở lại trạng thái bình thường mới

Hiện nay, điều lo ngại nhất của lãnh đạo tỉnh cũng như các ngành liên quan chính là còn các ca F0 trong cộng đồng cũng như tình trạng lây lan trong các khu công nghiệp. Đứng trước thực trạng này, phong tỏa diện rộng và triển khai phương án “3 tại chỗ” đối với các nhà máy, xí nghiệp vẫn đang được áp dụng.

Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết, tính đến chiều 19-7, có hơn 310 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã chấp thuận cho khoảng 157 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và đang tiếp tục xem xét hồ sơ, hướng dẫn cho hơn 150 doanh nghiệp khác triển khai các bước cho phù hợp, nhằm vừa thực hiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa bảo sức khỏe cho người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt.

Nhận định từ ngành Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang diễn biến rất phức tạp, những ngày tới khả năng sẽ còn khó khăn hơn khi các ca nhiễm vẫn duy trì ở mức 3 con số. Không loại trừ sẽ có thêm những địa phương khác trên địa bàn bị phong tỏa, cũng không ngoài khả năng có thể một vài địa phương dịch bệnh quá phức tạp phải phong tỏa dài hơn 14 ngày...

Trao đổi về ý nghĩa của công tác cách ly y tế, Giám đốc Sở Y tế TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho rằng, việc cách ly, phong tỏa sẽ tạo ra những bất tiện như: người thân trong gia đình phải tạm gác lại sự lui tới thăm hỏi; sinh hoạt đời thường bị đảo lộn; đi lại hạn chế; khó khăn trong công việc mưu sinh, nhu cầu thiết yếu bản thân bị tiết chế... Cho nên thực hiện cách ly là một việc không dễ dàng. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch, cách ly, phong tỏa là một trong những biện pháp hết sức hữu hiệu, chính biện pháp này mới có thể làm đứt gãy chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ, chuẩn bị cho việc cách ly, phong tỏa, mỗi người dân ngoài chuẩn bị vật dụng cá nhân, thực phẩm cần thiết thì chuẩn bị tinh thần khắc phục những khó khăn, bất tiện khi cách ly rất quan trọng. Mỗi người dân nên suy nghĩ lạc quan rằng, thời gian cách ly chỉ là tạm thời, là cần thiết cho sức khỏe bản thân và mọi người. Đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi công dân, là hành động yêu bản thân, yêu gia đình và trên hết là yêu nước để góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng đưa Đồng Nai trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Phương Liễu

Tin xem nhiều