Báo Đồng Nai điện tử
En

''Thầy giáo làng'' làm video bài giảng

09:07, 09/07/2021

Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về môn học Khoa học tự nhiên lớp 6, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Giang (Trường THCS Núi Tượng, xã Núi Tượng, H.Tân Phú) đã thực hiện các bài giảng, đăng trên kênh YouTube cá nhân để chia sẻ đến đông đảo giáo viên, học sinh.

Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về môn học Khoa học tự nhiên lớp 6, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Giang (Trường THCS Núi Tượng, xã Núi Tượng, H.Tân Phú) đã thực hiện các bài giảng, đăng trên kênh YouTube cá nhân để chia sẻ đến đông đảo giáo viên, học sinh.

Thầy Nguyễn Trường Giang nhận giải nhất hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh
Thầy Nguyễn Trường Giang nhận giải nhất hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh

* Giúp học sinh tự học

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có 3 môn học lần đầu tiên xuất hiện là môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm. Đây là các môn học theo hướng tích hợp. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên tích hợp từ các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Tham khảo các bộ sách khác để soạn giảng

Trường THCS Núi Tượng (H.Tân Phú) lựa chọn môn Khoa học tự nhiên của bộ sách Chân trời sáng tạo. Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Trường Giang đã tham khảo các bộ sách còn lại và dựa trên yêu cầu cần đạt để soạn giảng. Do đó, học sinh học môn Khoa học tự nhiên của các bộ sách khác cũng có thể tham khảo các video bài giảng này để học.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Tuy là  môn học độc lập nhưng sẽ do giáo viên của các phân môn cùng dạy. Theo đó, tùy thứ tự chủ đề phù hợp với giáo viên phân môn nào thì nhà trường xếp thời khóa biểu cho giáo viên phân môn đó sao cho phù hợp.

Đối với các chủ đề tích hợp có phần nội dung của cả 3 môn học, tổ chuyên môn cùng xây dựng kế hoạch bài học, soạn giảng… sau đó chọn giáo viên để đảm nhiệm bài giảng. Dù đã có nhiều năm để làm quen, chuẩn bị nhưng dạy học tích hợp hiện vẫn được xem là thách thức lớn đối với các giáo viên. Chỉ còn 2 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, rất nhiều giáo viên hiện đang băn khoăn với câu hỏi sẽ thực hiện giảng dạy môn học mới như thế nào.

Thầy giáo Nguyễn Trường Giang là giáo viên môn Vật lý, Công nghệ và là giáo viên cốt cán bộ môn Công nghệ được tham gia tập huấn đầy đủ các khóa tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới. Nắm bắt được tinh thần chung của chương trình, tự tìm hiểu về môn học mới, thầy Giang quyết định thực hiện các video bài giảng và đăng tải trên kênh YouTube cá nhân để các đồng nghiệp, học sinh tham khảo.

“Đối với môn học mới này, rất nhiều giáo viên băn khoăn không biết dạy như thế nào. Theo cá nhân tôi, ngoài năng lực dạy học của giáo viên thì điều kiện tiên quyết để học sinh tiến bộ vẫn là các em phải biết tự học. Mà muốn học sinh biết tự học thì giáo viên phải hướng dẫn các em. Tôi xây dựng các bài giảng với tiêu chí là đảm bảo kiến thức nhưng phải sinh động, hấp dẫn để thu hút học sinh”- thầy Giang chia sẻ.

Để có được 1 video bài giảng, trung bình anh phải làm việc liên tục trong 2 ngày: từ khâu viết kịch bản, soạn giảng, quay video, biên tập, chỉnh sửa… Tính đến nay, thầy giáo Giang đã đăng tải được 12 video bài giảng và hướng dẫn học tập, được các đồng nghiệp đánh giá cao. Mỗi video bài giảng thu hút gần 400-1.000 lượt xem.

Hình ảnh video bài giảng của thầy Nguyễn Trường Giang. (Ảnh chụp màn hình)
Hình ảnh video bài giảng của thầy Nguyễn Trường Giang. (Ảnh chụp màn hình)

Để giúp học sinh tự học hiệu quả, mỗi video bài giảng có thời lượng từ 13-20 phút. Ngoài nội dung bài giảng, các clip thí nghiệm, thực hành còn có các đoạn kịch ngắn mang tính giải trí. Ngoài ra, kèm theo video bài giảng là link bài tập để học sinh ôn tập lại kiến thức. Phần bài tập này được thực hiện trên phần mềm iSpring Sute với nhiều kiểu tương tác, giúp học sinh vừa học vừa chơi chứ không chỉ là các bài tập trắc nghiệm đơn điệu.

* Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin

Là giáo viên “trường làng” nhưng Nguyễn Trường Giang lại rất chịu khó tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Năm học 2020-2021, anh đoạt giải nhất hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh ở bảng B (bảng dành cho giáo viên từng đoạt giải cao trong vòng 10 năm qua).

Theo thầy Giang, để thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin  trong dạy học, bản thân giáo viên phải biết khắc phục khó khăn và tìm những thuận lợi để phát huy. Chẳng hạn, điều kiện cơ sở vật chất ở trường học vùng sâu vùng xa có nhiều hạn chế thì giáo viên nên soạn các bài giảng mà học sinh có thể tận dụng để học trên điện thoại, máy tính ở nhà.

Khó tiếp cận đông đảo người xem

Nhiều lần đổi tên kênh YouTube cá nhân, cuối cùng thầy giáo Nguyễn Trường Giang quyết định chọn tên kênh là Thầy Giang. Tuy nhiên, do không đủ chi phí để quảng cáo kênh nên lượng người xem kênh c̣n hạn chế. V́ vậy, trước mắt, các video bài giảng được sử dụng phục vụ cho chính việc dạy học trong năm học mới tại trường.

Thầy giáo Giang cho biết: “Qua đợt dạy học online mùa dịch, tôi nhận thấy có khoảng 80% học sinh có thể dùng điện thoại thông minh có kết nối internet để học. Vì vậy, các bài soạn giảng của tôi tập trung sao cho học sinh có thể phát huy được ưu thế này”.

Đối với việc thực hiện video bài giảng, ban đầu thầy giáo trẻ này cho rằng cần phải đầu tư nhiều thiết bị. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, thầy chỉ cần mua thêm chân máy điện thoại với giá 200 ngàn đồng. “Tôi quay video bằng điện thoại, dựng bằng các phần mềm miễn phí. Ban đầu, tôi mua tấm vải xanh để làm phông nền khi quay video nhưng sau đó thấy nó không gắn liền với cuộc sống nên tôi chuyển sang quay cảnh đồng quê thực tế. Khó khăn nhất là máy tính của tôi có dung lượng thấp nên sau khi hoàn thành và đăng mỗi video lên YouTube thì tôi lại phải xóa toàn bộ dữ liệu đi thì mới có thể làm video khác được” - thầy giáo Giang thành thật chia sẻ.

Cô Lê Thị Hồng Nhung, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Tân Phú cho biết: “Thầy Giang là giáo viên trẻ, nhiệt tình, chịu khó tìm tòi và sáng tạo. Là giáo viên vùng sâu nhưng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của thầy Giang đạt hiệu quả cao, góp phần giúp học sinh vùng xa tiếp cận được phương pháp tự học tập qua internet”.     

                Hải Yến

 

Tin xem nhiều