Dịch Covid-19 đang thể hiện sức công phá khốc liệt đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn thế giới. Đợt bùng phát lần thứ 4 đã trôi qua 3 tháng ròng rã với tốc độ lây nhiễm tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ngành Du lịch lại một lần nữa bị nhấn chìm, dù các doanh nghiệp (DN) du lịch đã có rất nhiều nỗ lực để phục hồi sau các đợt dịch trong năm 2020.
Dịch Covid-19 đang thể hiện sức công phá khốc liệt đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn thế giới. Đợt bùng phát lần thứ 4 đã trôi qua 3 tháng ròng rã với tốc độ lây nhiễm tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ngành Du lịch lại một lần nữa bị nhấn chìm, dù các doanh nghiệp (DN) du lịch đã có rất nhiều nỗ lực để phục hồi sau các đợt dịch trong năm 2020.
Tour du lịch dã ngoại kết hợp tham quan di tích cách mạng Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu) cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.Mộc |
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với sự “bủa vây” của dịch bệnh nhưng Chính phủ nói chung cũng như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói riêng vẫn quan tâm, chỉ đạo ngành Du lịch phải gắng gượng, xây dựng những chiến lược kích cầu để sẵn sàng phục hồi ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Song song đó là những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhân viên, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
* Du lịch “ngủ đông” giữa mùa hè
Theo thông lệ, tháng 7 đang là mùa cao điểm của ngành du lịch khi mà các gia đình, bạn bè cùng nhau đi du lịch để tận hưởng mùa hè. Thế nhưng, dù đang giữa mùa hè, ngành Du lịch đành phải “ngủ đông” chờ cho bầu trời u ám Covid-19 bay qua. Đồng Nai cùng TP.HCM và tỉnh Bình Dương (đây cũng là 2 thị trường khách du lịch lớn của Đồng Nai) đang phải ngày đêm oằn mình chống dịch. Một số DN du lịch, nhân viên ngành Du lịch… đang phải loay hoay tìm hướng mưu sinh để lo cho cuộc sống gia đình.
Đồng Nai đang tập trung cho một số dự án du lịch trọng điểm, có tính chiến lược như: dự án Khu du lịch Sơn Tiên là khu vui chơi giải trí dưới nước có bể tạo sóng lớn nhất Đông Nam Á với quy mô khoảng 50ha, hiện đã hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị đưa vào khai thác; dự án Công viên thú bán hoang dã - Safari tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai với quy mô khoảng trên 400ha; dự án Du lịch và dân cư tại khu vực hồ Đa Tôn đã được UBND tỉnh thống nhất cho Tập đoàn FLC nghiên cứu để lập phương án đầu tư. |
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) cho biết, hơn 1 năm qua, các DN du lịch trên địa bàn tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra phức tạp ngay mùa cao điểm của ngành Du lịch khiến cho các DN tiếp tục phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Hầu hết các DN du lịch đang đối mặt với khó khăn về tình hình tài chính, bởi dù không đón khách nhưng những cảnh quan trong điểm, khu du lịch vẫn phải được duy trì để chờ ngày hoạt động trở lại không tốn chi phí đầu tư mới. Trong đó, có một dự án du lịch theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác trong thời điểm này sau nhiều năm đầu tư xây dựng, nhưng cuối cùng vẫn phải dừng để chờ… dịch đi qua.
Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa) cho biết, DN của bà chuyên về mảng tổ chức các tour tham quan, dã ngoại cho đối tượng khách là học sinh, sinh viên. Năm 2020, DN của bà cũng thất thu vì các trường không dám tổ chức cho học sinh đi chơi do sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, dịch bùng ngay thời điểm mùa hè, mọi hoạt động của Thái Loan buộc phải tạm dừng. Ảm đạm hơn, với sự hoành hành của biến chủng Delta, không ai biết được dịch sẽ kéo dài cho tới khi nào.
Sự tàn phá của dịch Covid-19 đã kéo doanh thu ngành Du lịch xuống đáy với con số khá khiên tốn trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 1 triệu lượt (trong đó gần 28,3 ngàn lượt khách quốc tế là những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam), giảm 11,1%. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 428 tỷ đồng, giảm 12.8% so với cùng kỳ nhưng so với năm 2019 thì chưa bằng 50% (gần 1,24 ngàn tỷ đồng).
* Giải pháp nào để du lịch vượt sóng Covid-19?
Cũng như các ngành kinh tế khác, để ngành công nghiệp không khói phục hồi trở lại như từ năm 2019 trở về trước, các DN du lịch cùng các chuyên gia du lịch đều mong muốn tăng hệ thống miễn dịch bằng cách tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt, tỷ lệ vaccine phải được phủ trên toàn thế giới để khơi thông lại hệ thống du lịch nội - ngoại một cách căn cơ nhất.
Tại buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để bàn về chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn năm 2021-2025, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian tới, ngành du lịch phải đưa ra những giải pháp khả thi, có lộ trình phục hồi ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Đặc biệt, phải cơ cấu, tính toán lại sự cân bằng trong thị trường du lịch.
Giai đoạn 2017-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách đạt 12,6%, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 15,4%. Năm 2019, du lịch Đồng Nai đón 4,4 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 1,6 ngàn tỷ đồng. Đến năm 2020, ngành Du lịch cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, du lịch Đồng Nai giảm mạnh, chỉ đón được 1,9 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 904 tỷ đồng. |
Việt Nam có tới gần 100 triệu dân, những năm gần đây, nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh ở tất cả các phân khúc của thị trường từ bình dân đến cao cấp. Đây chính là thị trường khách hàng tiềm năng mà ngành du lịch thời gian qua chưa khai thác hết. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch luôn hướng doanh thu của mình đến du khách nước ngoài và tổ chức các tour du lịch quốc tế với chi phí đắt đỏ. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, hệ thống du lịch quốc tế bị đứt gãy, ngành du lịch vội vã trở về khai thác thị trường nội địa. Hơn 1 năm qua, khách du lịch nội địa chính là bệ đỡ giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn tại những thời điểm dịch được kiểm soát.
Hơn 1 năm qua, ngành Du lịch Đồng Nai đã có sự thay đổi linh hoạt để thích ứng với xu thế du lịch mới. Nhiều sản phẩm du lịch mới tại Đồng Nai được hình thành đã tạo tiếng vang tốt trong xã hội như: du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên với thế mạnh là rừng, thác, hồ… thích hợp cho cả khách đi tour lẫn đi tự túc theo từng gia đình có không gian riêng. Các DN du lịch, lữ hành cũng có những sản phẩm, chính sách linh hoạt để kích cầu du khách trong những thời điểm dịch được kiểm soát. Từ đó đã khai khá tốt thị trường khách du lịch nội địa tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, các tỉnh miền Tây Nam bộ…
Ngành Du lịch Đồng Nai đã có những bước chuyển mình trong khó khăn để không lãng phí tiềm năng du lịch của địa phương, công tác quy hoạch các dự án du lịch tại các địa phương thời gian qua được quan tâm, khai thác những khu vực có tiềm năng về du lịch, thậm chí có những địa phương còn tạo ra tiềm năng để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, Đồng Nai có 22 khu, điểm du lịch với các loại hình tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tâm linh, văn hóa… Những năm gần đây, du lịch Đồng Nai có những chuyển biến tích cực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch được tăng cường. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều DN lập thủ tục đầu tư phát triển, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sungroup… Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng với chất lượng phục vụ chuyên nghiệp hơn.
Đồng Nai đã huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch địa phương. Do đó, nhiều dự án du lịch đã được triển khai và đi vào hoat động, góp phần phong phú cho du lịch Đồng Nai. Đặc biệt, một số công trình giao thông kết nối các điểm du lịch như: Tuyến đường và hệ thống chiếu sáng dẫn vào khu du lịch Thác Mai - Bàu nước nóng (H.Định Quán); tuyến đường dẫn vào danh thắng quốc gia núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc); tuyến đường dẫn vào dự án du lịch hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)... không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn là những đầu tư hướng tới mục tiêu kích cầu du lịch, tạo động lực để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Thời gian tới, ngành Du lịch Đồng Nai xác định mục tiêu phát triển theo hướng du lịch sinh thái, khai thác những thế mạnh địa phương như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái rừng, thác, hồ, du lịch hội nghị, thể thao...
Thủy Mộc