Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình nguyện vào vùng dịch...

09:07, 17/07/2021

Từ giữa tháng 6 đến nay, hàng trăm sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từ giữa tháng 6 đến nay, hàng trăm sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho công nhân Công ty TNHH Pounchen ngày 11-7. Ảnh: Bích Nhàn
Giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho công nhân Công ty TNHH Pounchen ngày 11-7. Ảnh: Bích Nhàn

Không chỉ sinh viên, cả giảng viên của trường cũng tình nguyện vào vùng dịch - nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

* Sinh viên vào “điểm nóng”

Những ngày đầu tháng 7, khu phong tỏa ở 4 xã tại H.Thống Nhất rất “nóng” vì nhiều hộ dân cần được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Số người cần lấy mẫu lên đến 80 ngàn nhưng nhân lực của ngành Y tế mỏng vì có quá nhiều đầu việc.

Thầy Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai chia sẻ: “Đây là lúc người dân cần mình, cần những sinh viên sau này sẽ trở thành nhân viên y tế. Chỉ trong 24 giờ kêu gọi trên Fanpage của trường, đã có 6 giảng viên và 60 sinh viên đang sinh sống tại Đồng Nai tham gia”.

Trước đó nhà trường đã huy động 40 sinh viên tham gia công tác phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân chống dịch tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Nhưng lần này, nhiệm vụ của họ là lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 80 ngàn người dân trong khu phong tỏa; sau đó là lấy mẫu cho khoảng 17 ngàn công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P. Hóa An, TP.Biên Hòa). Những nơi này đều có ca dương tính với SARS-CoV-2 nên mức độ nguy hiểm cũng cao hơn.

“Có phụ huynh khi nghe con báo tham gia vào lực lượng tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tâm “điểm nóng” của H.Thống Nhất đã không đồng ý. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là sợ con mình sẽ đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nhưng khi thấy sự quyết tâm của con, người cha đã gọi điện nói chuyện với giáo viên và đồng ý cho em lên đường” - thầy Quang nói.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, lớp Cao đẳng điều dưỡng 12E, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay, chị mới tốt nghiệp nhưng khi nghe lời kêu gọi của nhà trường, chị đã đăng ký tham gia hỗ trợ trong khu cách ly ở ký túc xá của trường. Dù biết môi trường sẽ tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chị Bích Ngọc vẫn muốn góp một phần sức lực của mình.

“Tôi cũng như bao bạn sinh viên ngành y trên cả nước không thể ngồi yên khi người dân cần. Lúc đầu, tôi cũng lo lắng vì lần đầu xa nhà trong quãng thời gian dài nhưng khi nhận nhiệm vụ cùng thầy cô, các anh chị và các bạn thì tôi đã rất tự tin. Mọi người cùng nhau chia việc để làm” - chị Bích Ngọc tâm sự.

Dù đang phải tập chung cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Huế, Phòng Quản lý đào tạo, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai vẫn bỏ dở để lên đường đi vào vùng dịch. “Lần đầu tham gia chống lại dịch bệnh nguy hiểm này, tôi không khỏi lo lắng và cũng có phần hoang mang khi mình phải đi vào ngay tâm dịch. Những cuộc điện thoại hỏi thăm hằng ngày của mẹ, những tin nhắn nhắc nhớ giữ gìn sức khỏe của cha là động lực to lớn nhất để tôi giữ vững nhiệt huyết” - bác sĩ Huế chia sẻ.

Để chuẩn bị tốt cho công việc sắp tới, bác sĩ Huế đã tham khảo, ôn lại những nội dung mà chị cùng các thành viên đội tình nguyện được tập huấn. Từ đó, chị cũng tự tin hơn khi làm việc, hướng dẫn sinh viên để mọi người cùng phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

* Không ngại gian khó

Cùng đi tình nguyện trực tiếp với giảng viên và các sinh viên của trường, hiệu trưởng Nguyễn Hồng Quang không khỏi xúc động trước sự nhiệt huyết của mọi người, kể cả người dân và các nhóm tình nguyện khác tại ổ dịch ở H.Thống Nhất.

Một sinh viên đang chuẩn bị công việc lấy mẫu cho công nhân Công ty TNHH Pounchen (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) ngày 11-7. Ảnh: Bích Nhàn
Một sinh viên đang chuẩn bị công việc lấy mẫu cho công nhân Công ty TNHH Pounchen (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) ngày 11-7. Ảnh: Bích Nhàn

Thầy Quang xúc động kể: “Khi tôi hỏi sinh viên, mặc bộ trang phục bảo hộ này cảm thấy thế nào thì các em đều trả lời “rất nóng nực, nhưng rất vui thầy ạ”. Mọi người vui vì được góp một phần công sức nhỏ bé vào công tác phòng chống dịch. Có sinh viên còn chia sẻ thêm, khi các em nhìn thấy người dân trật tự xếp hàng chờ lấy mẫu và ai cũng lo lắng thì mọi mệt nhọc của các em đều tan biến”.

Chị Bích Ngọc cho hay, công việc mỗi ngày của chị là đo thân nhiệt cho người cách ly, 2 lần/ngày; sắp xếp các dụng cụ đưa vào những phòng trống để chuẩn bị đón thêm người mới vào cách ly; gom và đổ các chất thải lây nhiễm; phân chia khẩu phần ăn cho những người trong khu cách ly. Lần tham gia tình nguyện này giúp chị Bích Ngọc sống trong những ngày đầy trải nghiệm. Tại đây, chị được học hỏi rất nhiều, được sống trong một cộng đồng gắn kết mọi người, nhường nhịn, hỗ trợ nhau trong công việc.

“Tôi hiểu hơn về những khó khăn của nhiều gia đình đang phải cách ly. Họ lo lắng rất nhiều về các con,“cơm áo gạo tiền” và kế sinh nhai. Hơn hết, họ luôn mong không mắc bệnh và được về nhà đoàn tụ với gia đình sớm” - chị Bích Ngọc tâm sự. Còn bản thân chị cảm thấy vừa vui, vừa buồn trong những ngày này, buồn vì không được gặp người thân trong thời gian dài nhưng bù lại là nhận được niềm vui từ các anh chị và bạn bè trong đội tình nguyện.

Còn đối với bác sĩ Huế, đợt đi tình nguyện thực tế này là dịp để giảng viên, sinh viên hiểu và gắn bó với nhau hơn. Sau mỗi ngày lấy mẫu, đoàn tình nguyện sẽ về ở tại ký túc xá của trường. Mọi người cùng làm nhiệm vụ, cùng ăn, cùng ngủ và cùng chia sẻ về nghề mà mình đã chọn.

“Khi trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch, tôi mới cảm nhận rõ rệt và sâu sắc nhất những nỗi vất vả và hiểm nguy cũng như tinh thần làm việc hết sức mình của đội ngũ y tế, cán bộ địa phương. Còn các sinh viên của tôi đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng rất nghiêm túc khi làm việc. Có những ngày, công việc nhiều, chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến gần 14 giờ mới về điểm tập kết ăn trưa. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại nhưng sau đó, các em vẫn tiếp tục công việc” - bác sĩ Huế kể.

Nhiều sinh viên phải ở lại tại điểm lấy mẫu ở H.Thống Nhất để ăn vì điểm lấy mẫu xa nơi tập kết, ở tận trong rẫy. Dù công viêc có phần vất vả hiểm nguy nhưng sự giúp đỡ nhiệt tình của địa phương và tình cảm của người dân nên cả thầy và trò Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai vẫn giữ được sự nhiệt huyết để tiếp tục công việc ở những nơi mà dịch Covid-19 đang hoành hành.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai Nguyễn Hồng Quang chia sẻ: “Tất cả các giảng viên và sinh viên vào vùng dịch đều phải mặc bảo hộ nên chỉ uống nước một lần vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều sau khi đã hoàn thành việc lấy mẫu của hôm đó. Lý do mà các em đưa ra là không thể bỏ trang phục bảo hộ và không để người dân… ngồi chờ”.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều