Dọc các tuyến quốc lộ 1, 20, 51 đoạn qua Đồng Nai có hàng trăm trạm dừng chân. Không chỉ phục vụ các dịch vụ thiết yếu cho khách đường dài như: xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi, nhiều trạm dừng chân còn là nơi giao thương hàng hóa, đầu mối tiêu thụ nông sản và đặc sản của địa phương.
Dọc các tuyến quốc lộ 1, 20, 51 đoạn qua Đồng Nai có hàng trăm trạm dừng chân. Không chỉ phục vụ các dịch vụ thiết yếu cho khách đường dài như: xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi, nhiều trạm dừng chân còn là nơi giao thương hàng hóa, đầu mối tiêu thụ nông sản và đặc sản của địa phương.
Trạm dừng chân Bò sữa Long Thành (xã An Phước, H.Long Thành) mở cửa phục vụ du khách mùa dịch. Ảnh: Hoàng Lộc |
Thời gian gần đây, nhiều trạm dừng chân đã tạm đóng cửa theo khuyến nghị của UBND tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc tạm đóng cửa trạm dừng chân đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và nguồn thu của chủ đầu tư, việc làm của người lao động và kênh tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, đa phần đồng thuận.
* Đóng cửa đến 80-90%
Tuyến quốc lộ 1 đoạn từ TP.Long Khánh đến hết H.Xuân Lộc có gần 40 trạm dừng chân. Hiện tại chỉ còn 2-3 trạm mở cửa phục vụ, còn lại tạm đóng cửa để phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, chủ Trạm dừng chân Mai Phương (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) cho biết, ngay sau khi tỉnh ban hành văn bản về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống không phục vụ quá 10 người, trạm dừng chân đã đóng cửa nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, quầy bán hàng nông sản và đặc sản, đồng thời đóng cửa luôn cây xăng từ ngày 1-6.
“Tôi có thể đóng cửa các dịch vụ khác và mở cửa cây xăng bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định tạm ngưng hoạt động tất cả vì cây xăng mở cửa, xe khách đường dài tấp vào nghỉ ngơi, vệ sinh, không đáp ứng yêu cầu phòng dịch” - ông Hiền chia sẻ.
Theo ông Hiền, việc đóng cửa trạm dừng chân khiến cơ sở gặp không ít khó khăn. Các mặt hàng thực phẩm, nông sản, thức uống bảo quản lạnh, chủ cơ sở phải tìm cách giải phóng vì không để lâu được. 16 ngân viên phải nghỉ việc tạm thời. Ông cũng không tiêu thụ được hàng nông sản của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bảo Hòa như hợp đồng ký kết. “Trước đây, mỗi ngày trạm tiêu thụ 500-700kg trái cây cho HTX. Nhưng hiện tại, các xã viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù giá thấp hơn, tiêu thụ khó khăn hơn nhưng họ cũng thông cảm vì lý do khách quan” - ông Hiền tâm sự.
Quốc lộ 51 đoạn qua 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch cũng có nhiều trạm dừng chân đã thực hiện đóng cửa để phòng dịch. Bà Năm Đoàn, chủ hệ thống Trạm dừng chân Thanh Long chia sẻ, 2/3 trạm thuộc hệ thống đã đóng cửa. “Trạm dừng chân Thanh Long 1 còn mở cửa nhưng quy mô phục vụ giảm, chỉ ít khách vãng lai đi xe honda hoặc xe ô tô gia đình ghé mua bánh bao và vệ sinh cá nhân. Sản lượng bánh bán ra chỉ bằng 1/10 so với trước” - bà Năm Đoàn chia sẻ.
Một trạm dừng chân (xã An Phước, H.Long Thành) tạm đóng cửa để phòng, chống dịch. Ảnh: Hoàng Lộc |
Theo bà Năm Đoàn, ngoài đặc sản là bánh bao Thanh Long 69, trạm dừng chân còn có các gian hàng đặc sản của Đồng Nai phục vụ du khách và người dân. Đó là gian hàng sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa bò; gian hàng trái cây theo mùa; gian hàng bánh kẹo, trái cây sấy, thức uống do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất.
Đồng Nai có nhiều trạm dừng chân trên các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Nhiều trạm dừng chân được đầu tư bài bản, kết nối với các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để phát triển thương mại, dịch vụ và trở thành kênh tiêu thụ, quảng bá hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp và nông dân. Theo khuyến nghị của tỉnh, nhiều trạm dừng chân đang tạm đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh.
* Chuyển hướng kinh doanh
Là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm phân phối ở hầu hết các trạm dừng chân trên địa bàn tỉnh, thời gian này, hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty CP Lothamilk đã có những thay đổi để thích nghi với thị trường.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk cho biết, khoảng 50% các dòng sản phẩm của Lothamilk được phân phối qua các kênh trạm dừng chân, nhà hàng, khách sạn, quán pha chế. Nhưng thời điểm hiện tại, có đến 80% trạm dừng chân ở các tỉnh thành đã tạm đóng cửa; nhà hàng, khách sạn ngưng hoạt động; các quán pha chế cũng vắng khách. Sản lượng phân phối qua các kênh này giảm đến 50%. Để thích ứng với thực tế này và đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm sữa mà doanh nghiệp hợp tác với nông dân, công ty đã điều tiết lại sản xuất, tăng sản lượng sản phẩm tiệt trùng, đồng thời giảm sản lượng thanh trùng có thời hạn sử dụng ngắn.
Mua bán hàng đặc sản tại quầy ẩm thực Trạm dừng chân Thanh Long 1, (xã Phước Thái, H.Long Thành), ảnh chụp thời điểm trước đợt dịch lần thứ 4. Ảnh: Hoàng Lộc |
“Các mặt hàng sữa tươi, sữa chua bảo quản lạnh là thế mạnh của Lothamilk. Nhưng hiện tại kênh phân phối các dòng sản phẩm này giảm đáng kể nên doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh. Đó là tăng dòng sản phẩm tiệt trùng là sữa tươi đóng hộp, sữa chua đóng hộp, bánh kẹo và phát triển kênh phân phối thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và cửa hàng của Lothamilk” - ông Tùng chia sẻ.
Còn chủ hệ thống Trạm dừng chân Thanh Long thì cho rằng, hoạt động kinh doanh rất khó trở lại như trước đây. Lý do là kinh tế suy giảm, người dân hạn chế chi tiêu, đi du lịch. Do đó, trạm đã chủ động cho hơn 10 nhân viên nghỉ việc, hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng. Làm đơn kiến nghị và được Chi cục Thuế khu vực Long Thành - Nhơn Trạch chấp thuận miễn đóng thuế trong 2 tháng 6 và 7-2021. Khi dịch bệnh giảm, các trạm dừng chân sẽ hoạt động trở lại. “Mặc dù khó khăn hơn trước nhưng trạm sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hàng hóa và dịch vụ để phục vụ du khách và nhân dân” - bà Năm Đoàn chia sẻ.
Theo quy hoạch giao thông trên địa bàn tỉnh, tới đây sẽ có nhiều tuyến đường cao tốc song hành với các tuyến đường hiện hữu. Đó là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dọc quốc lộ 51, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dọc tuyến quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dọc quốc lộ 20, việc kinh doanh của các trạm dừng chân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đợt dịch này có thể xem là phép thử cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp. Để duy trì và phát triển, các trạm dừng chân phải mở rộng liên kết với các nhà xe đường dài, công ty lữ hành, doanh nghiệp và HTX để đa dạng dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ.
Hoàng Lộc