Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuân thủ và thích ứng với giãn cách xã hội

08:07, 17/07/2021

Từ 0 giờ ngày 9-7, toàn tỉnh đã giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Chỉ thị 16). Việc này được đa số người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và tìm cách thích ứng, hướng tới việc hạn chế lây lan, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Từ 0 giờ ngày 9-7, toàn tỉnh đã giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Chỉ thị 16). Việc này được đa số người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và tìm cách thích ứng, hướng tới việc hạn chế lây lan, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường Vũ Hồng Phô, P.An Bình (TP.Biên Hòa) giữ khoảng cách, tuân thủ thông điệp 5K khi bán hàng thiết yếu cho khách. Ảnh: Đăng Tùng
Bà Nguyễn Thị Bích Hoa, chủ tiệm tạp hóa trên đường Vũ Hồng Phô, P.An Bình (TP.Biên Hòa) giữ khoảng cách, tuân thủ thông điệp 5K khi bán hàng thiết yếu cho khách. Ảnh: Đăng Tùng

Phần lớn người dân đã ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài. Nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán những mặt hàng không thiết yếu cũng đóng cửa. Các tuyến xe buýt công cộng tạm ngưng hoạt động… Nhiều ý kiến cho rằng, tuy bất tiện và có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, thu nhập nhưng trên tinh thần chống dịch chung, mọi người cùng chấp hành để ngăn dịch bệnh lây lan, bùng phát nhanh.

* Chủ động thích nghi

Một số ý kiến cho rằng, trước tình hình số ca bệnh không ngừng gia tăng như hiện nay, giãn cách xã hội là rất cần thiết và cấp bách để hạn chế tập trung đông người, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong những ngày giãn cách xã hội được ở nhà làm việc online, nhiều người có thêm thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, người thân. Không ít người còn tận dụng thời gian này để đọc sách, tham gia các lớp học gym, yoga… trên mạng để giữ gìn sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Anh Cao Hậu (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, do làm việc từ xa nên tôi có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm những quyển sách yêu thích. Tôi cũng xem đây là kỳ nghỉ giữa năm, có thời gian để suy nghĩ về những gì đã làm được và đặt ra mục tiêu phát triển bản thân trong thời gian tới”.

Còn anh Lê Văn Thắng (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) thì cho rằng, thay vì lo lắng, hoang mang thì nên tin và chấp hành những giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và của tỉnh. Mỗi người cần chủ động tìm cách phòng chống, thích nghi với tình hình dịch bệnh. Như bản thân anh cùng nhiều thanh niên trong vùng trước đây hay chở nông sản đi bán tại các tỉnh, thành lân cận nhưng vài tháng nay, anh và nhiều người đã ở nhà phụ gia đình nuôi dê, nuôi cá, trồng rau sạch…, hạn chế di chuyển nhiều nơi nhưng vẫn có thu nhập lo cho gia đình.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bức xúc trước những hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh vẫn còn diễn ra trên địa bàn như: không đeo khẩu trang, ra đường trong trường hợp không cần thiết, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, không dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu…

Bà Nguyễn Thị Bích Hoa (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, Chỉ thị 16 đã nêu rõ, giãn cách xã hội thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn ấp cách ly với thôn ấp, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Thế nhưng, không ít người vẫn không chấp hành, vẫn tự do đi lại, bất chấp quy định cấm. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Các vi phạm này cần xử lý nghiêm.

* Cần quan tâm, hỗ trợ người dân khó khăn

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, do số ca bệnh gia tăng nhanh, việc thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 cũng thực hiện gấp rút; nhiều chợ truyền thống, chợ tự phát trên địa bàn ngưng hoạt động vì có ca nhiễm SARS-CoV-2 nên nhiều người dân trong các vùng phong tỏa, cách ly y tế không chủ động được nguồn thực phẩm dự trữ.

Anh Lê Văn Thắng (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) tranh thủ thời gian giãn cách xã hội, không thể đi buôn bán xa nên ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi dê. Ảnh: Đăng Tùng
Anh Lê Văn Thắng (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) tranh thủ thời gian giãn cách xã hội, không thể đi buôn bán xa nên ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi dê. Ảnh: Đăng Tùng

Do đó, người dân kiến nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, hình thức để cung cấp, hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong vùng bị phong tỏa; đẩy mạnh hơn nữa các kênh phân phối, cung cấp hàng hóa để người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm thuận lợi hơn.

Bà Lê Thị Bạch Tuyết (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đề nghị: “Hiện nay nhiều chợ đóng cửa, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều phải xếp hàng chờ rất lâu nên việc mua lương thực, thực phẩm của chúng tôi rất khó khăn, chưa kể giá cả lại tăng. Vì vậy, các cấp chính quyền nghiên cứu nhanh chóng mở lại chợ, hoặc tổ chức các điểm bán hàng trong khu dân cư để đảm bảo nhu cầu mua sắm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân”.

Đặc biệt nhiều người cũng rất phấn khởi khi UBND tỉnh vừa ban hành quyết định 2379/QĐ-UBND thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào những người lao động tự do cư trú hợp pháp bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị.

Bà Huỳnh Thị Thuận (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), bán vé số tại TP.Biên Hòa) vui mừng cho biết, bà mong chờ những khoản hỗ trợ sẽ đến đúng đối tượng, giúp bà con đang gặp khó khăn vượt qua được giai đoạn này. Bên cạnh tiền mặt, cơ quan chức năng có thể vận động nguồn mạnh thường quân để hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm sử dụng hằng ngày vì hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều lao động tự do thất nghiệp, không có thu nhập, đời sống rất khó khăn.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, Bí thư Thành đoàn Biên Hòa: Cảnh giác với tin giả, xấu, độc

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đoàn viên, thanh niên cần tìm đọc các thông tin chính thống trên báo, đài, tránh việc nhầm lẫn rồi vô tình lan truyền các thông tin giả, nguy hiểm gây hoang mang, lo lắng về dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện nay, các Đoàn phường, xã đều có trang mạng xã hội, từ đó sẽ cập nhật, đăng tải thông tin chính thức về dịch bệnh, công tác phòng dịch. Từ việc chia sẻ của các đoàn viên sẽ giúp thông tin trên lan tỏa đến người dân, góp phần tăng thêm ý thức cộng đồng trong phòng ngừa dịch bệnh và cảnh giác với thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh.

Ông Lý Xuân Tùng, Bí thư Đảng ủy P.Hóa An (TP.Biên Hòa): Nỗ lực phân phối thực phẩm đến hộ dân trong vùng phong tỏa

Từ ngày cách ly y tế toàn phường đến nay, cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức tiếp nhận lương thực, thực phẩm từ các mạnh thường quân và hỗ trợ cho người dân. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ tham gia chống dịch, cán bộ, công nhân viên chức của phường, nhất là các trưởng khu phố, tổ trưởng tổ nhân dân sẽ trực tiếp đưa và phân phối thực phẩm đến cho bà con trong khu dân cư, đặc biệt là các tổ có ca nhiễm. Hiện nay, phường đã thành lập 4 tổ hậu cần để kịp thời phân phối thực phẩm đến các hộ dân bị phong tỏa.

Ông Nguyễn Tiến Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ): Xử lý nghiêm các vi phạm về
phòng, chống dịch bệnh

Trong thời gian giãn cách hiện nay, người dân địa phương nên ở tại nhà, hạn chế tối đa việc đi lại khi không có việc cần thiết. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều hướng dẫn về phòng, chống dịch thông qua các trang mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh giúp người dân nhanh chóng nắm bắt thông tin. Đồng thời, Công an xã và Ban Chỉ huy quân sự xã đã phối hợp với các cơ quan cấp trên trong tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch như: không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, không dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.

Minh Thành (ghi)

Đăng Tùng

Tin xem nhiều