Báo Đồng Nai điện tử
En

Cách ly

05:08, 14/08/2021

Tối cuối tuần mà xóm trọ đìu hiu, lặng lẽ bởi đang trong thời gian giãn cách, phong tỏa, cả thành phố đang căng mình chống dịch. Phòng trọ có năm đứa, ba đứa mới về miền Tây ngay những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, giờ chỉ còn hai.

Tối cuối tuần mà xóm trọ đìu hiu, lặng lẽ bởi đang trong thời gian giãn cách, phong tỏa, cả thành phố đang căng mình chống dịch. Phòng trọ có năm đứa, ba đứa mới về miền Tây ngay những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, giờ chỉ còn hai. Hương đi làm chưa về, mình Mai nằm ngó mông lung lên trần nhà. Nhạc Trịnh vang lên dìu dặt: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Bỗng nhớ những ngày đầu sống trên mảnh đất Biên Hòa này, cô tủm tỉm cười.

***

Hôm đó, cô lớ ngớ cầm tấm bằng trung cấp kế toán vào xin việc trong một công ty ở khu công nghiệp. Con gái vùng quê ven sông Hồng chưa một lần ra khỏi lũy tre làng thật tội nghiệp. Đi xin việc rồi lạc đường về. Bẽn lẽn hỏi đường một anh chàng và bị chọc quê. Mai xấu hổ vì lúc đó một đứa con gái Bắc như cô trông tội nghiệp sao ấy. Không biết tội nghiệp cho cô hay vì nét duyên mặn mà đồng nội mà anh ta đưa Mai về tận nhà người quen. Thế rồi họ quen nhau.

Để có tiền sinh sống, cô làm hết việc này đến việc khác. Không nản, đã ra đi là phải kiếm được một việc làm mong có chút tiền gửi về nhà giúp bố mẹ nuôi hai đứa em học đại học. Việc đầu tiên Mai làm là công nhân tại một công ty tư nhân. Được ít lâu, chừng hai tháng, công ty phá sản, cô thất nghiệp. Lại mang hồ sơ đi xin việc. Tiền nhà trọ. Tiền điện nước. Tiền sinh hoạt… Chỉ nghĩ nhiêu đó thôi đã làm cô ngán ngẩm.

Cô xin chân tiếp thị thuốc lá mong đủ cơm ăn ba bữa. Song một tối, đang mời khách ở nhà hàng, cô bị một ông bụng bự mặt đỏ ngầu, chưa mua thuốc mà cứ nhìn như ăn tươi nuốt sống, bắt phải uống hết ly bia, không biết uống, cô choáng váng. Muốn bán được thuốc cô phải chiều khách, nhiều khi họ trêu chọc mãi mà chẳng mua một gói nào. Hôm nay cũng vậy, đang ế, mong bán được nên cô nhắm mắt uống. Tiếp thị thuốc không được là bao nên cô nghỉ.

Nghỉ, ở nhà được một tuần cô lại tiếp tục đi làm tiếp thị cho hãng bia con cọp. Một lần đã làm tiếp thị cho cô nhiều kinh nghiệm. Mai thân với một chị hơn cô hai tuổi. Chị tốt nghiệp sư phạm ra trường thất nghiệp. Gác ước mơ cô giáo, đi làm kiếm sống. Nhiều khi nhận được những lời mời khiếm nhã của mấy ông lưu linh đã là đà say, chị vẫn phải tươi cười. Trong cái thế giới có nhiều người đầy tiền nhưng ít lịch sự chị phải kiềm chế bản thân và dùng đến cả những chiêu trò chiến thuật. Dù đã cố gắng lắm Mai cũng không làm được như chị. Thế là cô nghỉ sau khi lấy được hoa hồng tháng đầu tiên.

Rồi Huân tìm được một chân kế toán cho cô qua sự quen biết của ba anh, một người có tên tuổi trong giới kinh doanh. Không lâu sau, anh ngỏ lời yêu cô. Mai lưỡng lự vì cho là tốc độ quá, nhanh chẳng khác nào những mối tình trên mạng mà giới trẻ bây giờ đang cho là mốt. Anh thì cứ hỏi đi hỏi lại rằng, chắc cô đã có người yêu ngoài quê nên... Cô chỉ cười.

Mười tám tuổi vào trường trung cấp kinh tế, học miệt mài và quên cả yêu. Ra trường, tất tả cả tháng trời đi xin việc và cuối cùng nhận được con số không. Nói cho đúng thì người nhiều hơn việc nên muốn có một chân vào làm chỗ nào đó thì phải chạy. Bố Mai nhiều đêm trằn trọc. Cả thời trai trẻ nơi chiến trường miền Nam, về hưu lương chỉ đủ sống không dành dụm được cho con, hỏi sao không ngậm ngùi được. Ngó trong làng, bạn cùng trang lứa vào Nam làm công nhân, cô xin ông bà già cho đi. Thân gái dặm trường, lo con khổ, ông bà không đồng ý. Thuyết phục, khóc và khóc cả tuần đến khi ông gật đầu, Mai sung sướng không thể tả…

Vào những ngày cuối tuần, Huân thường chạy xe tới chở Mai đi chơi. Hôm thì cả ngày hai người rong ruổi trong Khu du lịch Bửu Long. Lúc ra công viên bờ sông ngắm dòng Đồng Nai về đêm lấp lánh ánh đèn màu rực rỡ. Lúc lại sang cù lao Phố câu cá bên bờ sông. Và rồi Mai cũng nhận lời yêu Huân, cô yêu anh chân tình, trong trẻo như dòng sông vậy.

***

Hương chưa kịp dắt xe vào phòng đã lên tiếng đưa Mai về thực tại:

- Từ 0 giờ đêm nay phường mình cách ly đó, có nhiều ca F0 rồi!

- Trời! Mai có nghe gì đâu.

- Có công văn của tỉnh nè, trên Facebook đăng.

Cầm vội điện thoại, lướt lướt một lát, vẻ mặt Mai buồn tênh:

- Vậy là ngày mai phải nghỉ làm. Lương tháng này giảm rồi. Hai đứa em ngoài quê mới nhắn tin xin tiền chuẩn bị đóng học phí đại học...

Chưa nói hết, điện thoại của Mai có tin nhắn Zalo. Là của Huân. Cô mở tập tin:

- Chết mất, lại thêm 14 ngày xa nhau tiếp. Nhớ sao chịu nổi đây em?

Mai cười, nhắn lại:

- Gắng nghe anh, mong 14 ngày dập được dịch bệnh mình lại được gặp nhau. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nha.

Đang nhắn tin thì chị chủ khu nhà trọ tới, đứng ngoài cửa, đưa cho Mai bó rau và mấy hộp cá vẻ mặt trĩu nặng nỗi buồn:

- Ngày mai cách ly, hai đứa cầm lấy mà ăn. Mấy đứa ở trong phòng, không được ra ngoài đó nghen.

 Mới kịp vâng thì chị đã tất tả đi sang phòng bên. Hai cô nhìn nhau, mặt buồn tênh. Đâu đó vang lên bài hát Ghen Cô Vy sôi động. Đã nghe không biết bao nhiêu lần rồi nhưng Mai vẫn cảm thấy không hề chán. Đang say sưa nghe nhạc thì chuông điện thoại reo, giọng mẹ Mai vang lên:

- Chỗ con ngày mai cách ly, đã chuẩn bị thực phẩm chưa? Ăn uống đầy đủ để có sức khỏe, đừng nhịn ăn nghe con. Ở trong nhà nhé, ra ngoài là nguy hiểm lắm...

Mẹ dặn cô một tràng dài, vẫn như ngày xưa Mai còn đi học. Mẹ là vậy, luôn lo lắng cho con từng li từng tí. Cô xa nhà, cứ năm ba bữa lại gọi điện nhắc nhở, tháng nào cũng gửi nhà xe mấy thứ ở quê. Mùa nào thức đó, lúc gạo nếp, lúc đậu phộng, đậu xanh, khoai... Ôi đủ cả. Cô phụng phịu nói với mẹ:

- Con lớn rồi, sắp có chồng, mẹ còn dặn dò như trẻ con. Ngoài nhà mình dịch bệnh sao rồi mẹ?

- Ôi chao, mẹ không dặn sao được. Tỉnh mình cả tuần nay không có ca nhiễm mới con ạ. Mong trong đó sớm hết bệnh, mẹ lo lắng quá!

- Mẹ lo cho bố và các em nhé. Nói với thằng Hải, bé Dương từ từ ít tháng nữa con gửi tiền học phí về cho mấy em.

Đêm đã khuya, xóm trọ vẫn sáng đèn, Mai bước ra cửa, ngó sang các phòng bên, mấy chị, mấy bà mang khẩu trang, ngồi trước phòng mình nói chuyện qua lại, toàn là những nỗi lo thất nghiệp, cuộc sống mưu sinh.

Chị Lan bán vé số than thở:

- Xổ số nghỉ ra, tôi còn vài triệu tiền dư, ăn không biết có đủ. Rồi còn tiền nhà trọ, điện nước tháng này chưa gửi chị chủ nhà trọ.

Bà Tư giọng rầu rầu:

- Chợ ngưng rồi, tôi mang ra đầu hẻm bán xôi. Mai cách ly không biết sao đây?

Chị Bảy thở dài:

- Chồng em đã nghỉ, làm thợ hồ xây dựng nhà dân cũng bị ngưng cả tuần nay. Mai công ty em cũng cho nghỉ rồi.

Mai chỉ nghe đến đó, lòng nặng trĩu. Dịch bệnh ngày càng phức tạp. TP.HCM ngày nào số ca bệnh cũng tăng, cả nước đang hướng về với những chuyến xe nghĩa tình đầy hàng hóa, rau củ quả, thực phẩm của các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây nguyên. Hàng ngàn bác sĩ, sinh viên y khoa Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng... tình nguyện vào giúp TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Cô nghĩ ngày đó mà thi đậu y khoa giờ là năm cuối, chắc chắn cô cũng có mặt trong đoàn người tình nguyện đó.

***

Những ngày cách ly, xóm trọ nghèo của Mai im ắng lạ thường. Nó khác với ngày không dịch bệnh, cứ cuối tuần là ồn ào. Chỗ thì mấy ông làm vài xị rượu đế, chỗ mấy chị tám chuyện, tụi nhỏ thì bắn bi, tạt lon, nhảy dây... Mai hết lướt Facebook lại Zalo rồi đọc báo mạng. Cô đọc mấy bài thơ, tản văn trên Báo Đồng Nai cuối tuần viết về mùa dịch mà ngập tràn cảm xúc, đúng với tâm trạng cô lúc này. Mai vào xem phóng sự nhanh thấy ngày đầu tiên thực hiện sau 18 giờ không ra đường, phố xá Biên Hòa vắng lặng, dân ta rất có ý thức phòng chống dịch. Hương thì cặm cụi mở mấy cuốn sách lớp 12 ra xem. Năm học này cô bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Mai phục sự phấn đấu, chịu khó, chịu khổ của Hương. Mười tám tuổi, Hương rời Hà Tĩnh vào Nam, xin làm công nhân trong Khu công nghệp Biên Hòa 2. Ngày làm việc vất vả trong công ty, tối về cơm nước qua loa cho kịp giờ học lớp bổ túc ban đêm. Hương kể nhà mình nghèo nên học hết lớp 9 đành gác lại việc học phụ mẹ làm ruộng. Thấy bạn bè hằng ngày đạp xe đến trường mà thèm thuồng. Hương bảo, tốt nghiệp 12 cô sẽ vào đại học, tìm một công việc gì đó vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống...

Sáng nay, đúng một tuần cách ly, gạo rau, thực phẩm của những người xóm trọ nghèo cạn dần. Họ lo những ngày tới cuộc sống không biết sẽ ra sao. Cả thời gian phong tỏa, giãn cách đã hơn 20 ngày rồi còn gì, quà hỗ trợ của địa phương, các tổ chức chỉ đủ san sẻ mỗi người một chút. Bữa giờ, Mai cũng đã gọi điện, nhắn tin cho bạn bè bên ngoài tặng thực phẩm cho xóm trọ nghèo, nhưng chẳng thấm vào đâu bởi cuộc sống của họ vốn đã thiếu trước hụt sau. Mai thương họ quá đỗi. Mẹ cô điện thoại gọi về quê, Mai nói mẹ cứ yên tâm trong này rất ổn. Cô nghĩ mình ra đi là để cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành phố này đã cưu mang, cho cô nhiều thứ, cho cô tình yêu sao cô bỏ đi cho được. Bỗng tiếng chị chủ nhà trọ vang ngoài cửa:

- Mai, Hương ơi, tiền nhà tháng này chị không lấy nha các em.

Chưa kịp trả lời thì chị đã qua các phòng khác. Mai nhìn theo dáng chị mà lòng xúc động vô cùng. Cả khu trọ nghẹn lòng trước tấm tình thơm thảo của chị. Điện thoại cô đổ chuông, là Huân gọi:

- Em, anh và ông bạn làm doanh nghiệp có ít rau củ, thịt cá hỗ trợ xóm trọ của em. 8 giờ em ra chốt đầu hẻm nhận nhé!

- Dạ, cho em gửi lời cám ơn anh ấy nha anh.

- Mà em thấy còn thiếu gì nữa không?

- Anh cho bà con thêm gạo đi, họ sắp hết rồi. À, anh mang cho em ít truyện tranh của anh hồi bé để tặng cho mấy đứa nhỏ. Nghỉ dịch chúng chẳng có gì để đọc. Cám ơn anh yêu nhiều.

Mai buông điện thoại để xuống bàn, lòng cô rộn ràng niềm vui. Cô yêu thương con người và thành phố “đất lành chim đậu” này biết bao. Mai nghĩ thầm: “Tình người đầy ắp, đại dịch sẽ nhanh qua thôi!”.

Truyện ngắn của Đào Hồng Khởi

Tin xem nhiều