Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm RT- PCR

09:08, 28/08/2021

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao công suất xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR, song đến nay, kết quả xét nghiệm trên địa bàn Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao công suất xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR, song đến nay, kết quả xét nghiệm trên địa bàn Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân P.Xuân Bình, TP.Long Khánh. Ảnh: C.N
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân P.Xuân Bình, TP.Long Khánh. Ảnh: C.N

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay, hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR của tỉnh mỗi ngày có thể xét nghiệm khoảng 30 ngàn mẫu gộp (gộp 3) để khẳng định ca dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã được test nhanh bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên. Công suất này đã tăng khá nhiều so với thời điểm cách đây 1 tháng.

* Nhiều địa phương gặp khó

Tuy nhiên trên thực tế mỗi ngày các cơ sở xét nghiệm chỉ xét nghiệm được khoảng 20-23 ngàn mẫu bệnh phẩm. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc sớm phát hiện, phân loại đối tượng F0 để đưa đi cách ly, điều trị. Nhiều mẫu bệnh phẩm sau khi cho kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 gửi đi xét nghiệm bằng phương pháp PCR phải chờ từ 3 -5 ngày, thậm chí cả 10 ngày mới có kết quả khẳng định.

Đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai có 4 cơ sở có thể vừa xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR là: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai.

Công suất xét nghiệm của 4 cơ sở trên hiện khoảng hơn 8 ngàn mẫu đơn/ngày, tương đương với khoảng 80 ngàn mẫu gộp/ngày (mẫu gộp 10).

Ngoài ra, có 3 cơ sở xét nghiệm sàng lọc là: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Phòng khám Đa khoa quốc tế Sỹ Mỹ và Phòng khám Đa khoa An Phúc Sài Gòn.

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết, vì không được xét nghiệm PCR kịp thời cho những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên nên số liệu báo cáo của thành phố luôn cao hơn số liệu báo cáo của tỉnh. Ông Chánh lấy ví dụ: “Ngày 18-8, TP.Biên Hòa xét nghiệm nhanh phát hiện 232 trường hợp dương tính, nhưng báo cáo của Sở Y tế lại  chỉ có 150 trường hợp, chênh nhau khá lớn. Nguyên nhân là Sở Y tế chỉ công nhận số ca thực tế khi đã khẳng định bằng phương pháp xét nghiệm PCR. Những mẫu chưa kịp xét nghiệm thì được chờ công bố vào ngày tiếp theo, trong khi đó để có kết quả khẳng định PCR cần phải chờ nhiều ngày. Đây cũng là nguyên nhân số ca phát hiện mới được công bố chính thức có lúc lên mấy trăm, có lúc chỉ còn trăm mấy, thậm chí xuống dưới 100 ca”.

Ông Võ Văn Chánh cho rằng: “Con số ca nhiễm được xét nghiệm PCR của Sở Y tế khẳng định đúng F0, tuy nhiên chưa khẳng định đúng diễn tiến theo ngày thực, vì ngày nào xét nghiệm PCR được nhiều thì người dân cảm nhận dịch đang tăng, ngày nào mẫu dồn không xét nghiệm kịp thì cảm nhận dịch đang giảm, tuy nhiên thực tế không phải như vậy”. Do đó, ngành Y tế cần nỗ lực sử dụng hết năng lực xét nghiệm, cho kết quả khẳng định đúng theo ngày, qua đó giúp thành phố cũng như các địa phương kịp thời điều trị cho các F0, đồng thời có cái nhìn tổng thể diễn biến tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc chia sẻ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện, nhất là các xã Thạnh Phú, Thiện Tân đang rất phức tạp. Số ca dương tính được phát hiện hằng ngày thông qua test nhanh khá lớn. Tuy nhiên để khẳng định là F0, có mã số thì phải chờ rất lâu. Có trường hợp phải chờ 3-4 ngày. Vì quá lâu nên thường có tình trạng số liệu “gối đầu”. Chẳng hạn, số liệu báo cáo ca dương tính của huyện được công bố vào ngày 17-8 là 5 ca, tuy nhiên 5 ca này đã được gửi xét nghiệm PCR từ 5 ngày trước và đến ngày 17-8 mới có kết quả.

Có thể thấy, việc chậm cho kết quả xét nghiệm khẳng định PCR không chỉ gây khó khăn trong đánh giá tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh mà còn gây khó khăn cho địa phương trong quá trình xử lý các ca bệnh.

* Vì sao chậm?

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, các cơ sở xét nghiệm của tỉnh đã và đang chạy hết công suất nhưng do số lượng mẫu bệnh phẩm quá lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân là khâu vận chuyển mẫu từ địa phương đến các cơ sở xét nghiệm còn chậm. Có những trường hợp gửi mẫu nhưng lại không kèm theo thông tin mẫu bệnh phẩm nên các cơ sở xét nghiệm không thể triển khai xét nghiệm ngay.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Lãnh đạo ngành Y tế cho rằng, muốn trả kết quả xét nghiệm nhanh, các địa phương phải khẩn trương hơn trong khâu vận chuyển mẫu bệnh phẩm, tránh tình trạng tập trung mẫu quá lớn vào một thời điểm.

Một kỹ thuật viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, so với trước đây, công tác xét nghiệm và trả kết quả gặp nhiều khó khăn hơn. Trước đây, nhân viên y tế có thể xét nghiệm gộp 5, gộp 10, thậm chí hơn vì nguy cơ mẫu bệnh phẩm không cao. Tuy nhiên thời gian gần đây, có nhiều mẫu xét nghiệm test nhanh dương tính nên buộc phải tách mẫu để xét nghiệm đơn, dẫn đến chậm trả kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, nếu trong quá trình thực hiện xét nghiệm có một hay nhiều mẫu thuộc diện ưu tiên cao (như phải có xét nghiệm PCR để mổ cấp cứu, mổ đẻ…), nhân viên phải dừng mẻ xét nghiệm đang thực hiện để ưu tiên thực hiện xét nghiệm những mẫu nguy cơ cao trước. Điều này cũng khiến tốc độ xét nghiệm bị chậm lại.

Liên quan đến những khó khăn trong công tác xét nghiệm PCR, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở Y tế phải sớm có sự điều phối xét nghiệm hợp lý. Nếu có khó khăn gì phải báo cáo ngay với tỉnh để kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy móc, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.

Công Nghĩa - Hạnh Dung

Tin xem nhiều