Trong thời điểm dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi, các tổ chức, cá nhân đã và đang tiếp tục nấu những bữa ăn từ thiện, ủng hộ vật tư y tế, dụng cụ hỗ trợ, nhu yếu phẩm cho bệnh viện, đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu hay người dân khu vực phong tỏa.
Trong thời điểm dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi, các tổ chức, cá nhân đã và đang tiếp tục nấu những bữa ăn từ thiện, ủng hộ vật tư y tế, dụng cụ hỗ trợ, nhu yếu phẩm cho bệnh viện, đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu hay người dân khu vực phong tỏa.
Nhóm hỗ trợ khó khăn mùa dịch của chị Cao Thị Hương Trang (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đang tổ chức nấu cơm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: T.Hải |
Những hành động thiết thực này đã làm ấm lòng nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh.
* Hết mình vì tuyến đầu chống dịch
Hơn 1 tháng qua, chị Cao Thị Hương Trang (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) và các bạn của mình lập nhóm hỗ trợ cho những hoàn cảnh gặp khó khăn do dịch bệnh. Họ nấu hàng trăm suất ăn mỗi ngày cho lực lượng canh giữ ở các chốt phong tỏa, bộ phận tuyến đầu chống dịch cũng như ủng hộ vật tư y tế, dụng cụ hỗ trợ, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Là người hoạt động thiện nguyện nhiều năm nên khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Trang nảy ra ý tưởng nấu những suất cơm gửi trực tiếp đến những người đang ngày đêm “căng mình” chống dịch. Nguồn kinh phí hoạt động của nhóm do chị Trang đứng ra kêu gọi ủng hộ từ các mạnh thường quân. Nhóm cũng tiếp nhận quyên góp nhu yếu phẩm thường xuyên từ mọi cá nhân, tổ chức. Đó có thể là rau xanh, nước uống, gạo hay những nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.
“Vui nhất là những suất cơm nóng hổi được trao tận tay cho người cần nên ai cũng bày tỏ sự cảm kích. Trong những ngày căng mình chống dịch, vẫn có rất nhiều sự sẻ chia, nhất là với những lực lượng nơi tuyến đầu” - chị Huỳnh Phương Khanh, thành viên nhóm thiện nguyện ở TP.Biên Hòa tâm sự. |
Theo chị Trang, do tác động của dịch bệnh Covid-19, cuộc sống của người dân nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai bị ảnh hưởng lớn. Nhu cầu cần hỗ trợ nhiều nhưng kinh phí cũng như sức người có hạn nên nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân ở khắp nơi, nhóm của chị với hơn 20 thành viên mới duy trì được hoạt động.
“Nguồn quỹ hoạt động được minh bạch, công khai. Nhóm có riêng thủ quỹ, người phụ trách nhập thông tin để mọi người theo dõi. Quỹ được tách ra làm 2 nhánh. Nhánh 1 ủng hộ vật tư y tế, dụng cụ hỗ trợ, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, đội ngũ nhân viên y tế. Nhánh 2 sẽ nấu cơm trưa hỗ trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt, các phường” - chị Trang nói.
Chị Huỳnh Phương Khanh - người trực tiếp đứng bếp cho hay, nhận thấy các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch với vô vàn khó khăn, vất vả, chị muốn đóng góp công sức của mình để chung tay chống dịch. Hơn ai hết, chị hiểu rằng dù suất cơm mọi người trong nhóm nấu không chuyên nghiệp như hàng quán nhưng chính những bữa cơm đó lại mang ý nghĩa lớn về tinh thần, những bữa cơm mang không khí ấm cúng của gia đình.
Ngày đầu tiên, nhóm của chị Khanh nấu 80-90 suất cơm, những ngày gần đây số lượng tăng lên gần 150 suất được trao tận tay các nhân viên y tế, lực lượng trực chốt kiểm soát khu vực phong tỏa, bảo vệ “vùng xanh” trong TP.Biên Hòa. Việc nấu nướng, rồi mang cơm đi phát đều tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch để mọi người tự bảo vệ mình. Phần vận chuyển cơm thời gian đầu được nhóm thuê shipper. Sau này vì số lượng lớn, chi phí bỏ ra cao nên một thành viên trong nhóm đứng ra đảm nhận. Phương tiện vận chuyển cũng được tạo điều kiện đi lại giữa các phường, lái xe 3 ngày xét nghiệm 1 lần.
“Khi mới biết mình làm công việc này nhiều người đã lo lắng vì sợ lây bệnh. Nhưng mình đã giải thích cho mọi người, nhất là người thân trong gia đình về việc kỹ lưỡng trong đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho các thành viên trong nhóm nên họ cũng an tâm và ủng hộ. Nhóm xác định hoạt động lâu dài nên việc phòng dịch bệnh phải đưa lên hàng đầu” - chị Khanh bộc bạch.
* Lan tỏa yêu thương
Cùng chung tay san sẻ khó khăn với bà con trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bà Lý Thị Ngọc Hiệp (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) và người thân trong gia đình, bạn bè đã gom góp, tổ chức phát 2 ngàn phần quà cho người thất nghiệp, lao động nghèo với mong muốn mọi người vượt qua được đại dịch. Chỉ trong vòng 2 ngày, bà và các thành viên đã đóng gói 10 tấn gạo, 2 tấn mì và 20 ngàn quả trứng thành từng phần khác nhau.
Theo bà Hiệp, đây là số phần quà lớn nhất từ trước đến nay mà bà thực hiện trong những năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện. Nhờ sự giúp sức của chính quyền địa phương, các suất nhu yếu phẩm được chuyển đến tận tay cho bà con nghèo, cho lao động tự do đang kẹt lại giữa thành phố.
Chưa lần nào bản thân bà thấy cuộc sống bà con lao động nghèo lại khốn khó như lúc này. Suốt 2 năm trời chiến đấu với dịch bệnh, cuộc sống của họ càng kiệt quệ hơn, nhất là trong những ngày TP.Biên Hòa giãn cách xã hội kéo dài. Những lúc này, bà con càng mong chờ tình người, sự san sẻ của cộng đồng hơn bao giờ hết. Niềm vui nhất là được nhìn thấy nụ cười của bà con khi nhận bao gạo, gói mì.
Nhu yếu phẩm, dụng cụ y tế được nhóm của chị Cao Thị Hương Trang chuẩn bị trao cho các cá nhân, tổ chức cần hỗ trợ |
“Hôm đó lên mạng đọc tin tức, thấy rất nhiều hoàn cảnh khổ cực, thất nghiệp, có người ăn mì tôm hơn 10 ngày… Trước tình cảnh này, tôi không thể ngồi yên nên quyết định giúp gạo, mì cho người ta có cái ăn thời điểm khó khăn nhất. Trăn trở nhất là có đủ sức lực và tài chính để hỗ trợ bà con phần nào vơi đi gánh nặng lo toan hằng ngày” - bà Hiệp tâm sự.
Gần 2 tháng nay, ông Dương Văn Quyền (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch), chủ dãy trọ 20 phòng đã chủ động giảm tiền trọ cho người thất nghiệp, công nhân. Đây không phải lần đầu tiên ông Quyền tự động giảm tiền trọ cho người lao động, mà đợt dịch nào thấy mọi người khó khăn là ông chủ động giảm.
“Mỗi đợt dịch tôi đều giảm tiền phòng cho người thuê, chứ không chờ chính quyền kêu gọi. Đợt dịch này tôi giảm mỗi phòng 200 ngàn đồng/tháng, riêng phòng nào có người thất nghiệp tôi giảm 500 ngàn đồng/tháng. Trên tinh thần lá lành đùm lá rách, mình cũng không giàu có gì nhưng đóng góp được bao nhiêu thì mình làm. Tuy không nhiều nhưng cũng góp phần giúp người ta vượt qua lúc khó khăn vì dịch bệnh này” - ông Quyền nói.
Là người thuê trọ được ông Quyền giảm 500 ngàn đồng/tháng tiền nhà, anh Lê Văn Đại (quê tỉnh Nghệ An) chia sẻ, anh làm nghề sửa xe nhưng dịch bệnh, tiệm của chủ đóng cửa. Giờ thu nhập chính hằng tháng để nuôi gia đình và vợ đang mang thai cũng không còn nữa, anh phải chi tiêu tiết kiệm để sống lay lắt vượt qua cơn đại dịch.
“Do dịch bệnh nên tôi và vợ thất nghiệp gần 2 tháng mấy nay rồi. Vợ chồng đều muốn về quê nhưng không được nên bị kẹt lại đây. Mỗi tháng tôi ở trọ là 1,5 triệu đồng, tiền ăn uống dù tằn tiện cũng tốn không ít. Thấy hoàn cảnh vậy nên chủ trọ giảm tiền, rất mừng và cảm động. Bây giờ chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để chúng tôi đi làm lại” - anh Đại trải lòng.
Thanh Hải