Nhiều nhóm tình nguyện đã góp phần lo cơm nước cho các nhân viên y tế, dân phòng… trong lúc lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch.
Nhiều nhóm tình nguyện đã góp phần lo cơm nước cho các nhân viên y tế, dân phòng… trong lúc lực lượng tuyến đầu đang căng mình chống dịch.
Nhiều cán bộ, nhân viên Văn phòng Sở Y tế chuẩn bị đồ nấu ăn cho tuyến đầu chống dịch |
Việc làm này như “chất xúc tác” giúp lực lượng tuyến đầu chống dịch có thêm tinh thần để vượt qua cuộc chiến khó khăn, khắc nghiệt này.
* Những tấm lòng sẻ chia
Sáng cuối tuần, thay vì nghỉ ở nhà cùng người thân, chị Vi Thị Nhâm, chuyên viên Sở Y tế cùng nhiều cán bộ, nhân viên của Văn phòng Sở Y tế lại tất bật nấu nướng. Mỗi ngày mỗi món khác nhau, khi thì cháo thịt bằm, khi thì cà-ri gà, chè… Tất cả thành phẩm đều được chuyển đến lực lượng tuyến đầu chống dịch (nhân viên y tế, bộ đội, công an) và cả bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến.
TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, cuộc chiến với đại dịch còn trường kỳ, nguồn lực Nhà nước có hạn nên sự chung tay ủng hộ của người dân là rất cần thiết và đáng quý. Bên cạnh lực lượng tuyến đầu, trực tiếp chống dịch, nhiều bộ phận khác cũng đang căng mình làm việc, hỗ trợ tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. |
Nhóm tranh thủ những giờ nghỉ trưa hay sau giờ tan tầm buổi chiều để nấu ăn, tiếp nhận hàng hóa từ các mạnh thường quân để chuyển đến các bệnh viện dã chiến. Bánh, mì, sữa, trứng, rau… là những loại thực phẩm nhóm nhận được nhiều nhất. “Trước khi chuyển hàng đến các bệnh viện dã chiến, chúng tôi liên hệ với các nơi để biết nhu cầu của họ mà giao cho phù hợp. Món ăn cũng lên thực đơn theo ý muốn của mọi người trong bệnh viện” - chị Nhâm cho hay.
Mỗi tuần, nhóm sẽ nấu khoảng 2-3 lần. Lần nhiều nhất là khoảng hơn 200 suất cà-ri gà ăn kèm bánh mì cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Chị Phạm Thị Kim Như, thành viên nhóm cho hay: “Ngoài nguồn thực phẩm được ủng hộ, nhóm còn mua thêm. Có những món rất khó kiếm đủ nguồn nguyên liệu như trước. Khi đó, chúng tôi xem nhà ai có gì thì gom lại để nấu. Nhóm nhờ một người thân của thành viên trong nhóm làm “đầu bếp chính” để làm ra các món ăn hợp khẩu vị của đa số người”.
Ngoài công việc chính ở cơ quan, hằng ngày, chị Như cũng tranh thủ buổi trưa, chiều tối và cuối tuần để chung tay với mọi người nấu ăn. Suốt vài tháng nay, chị Như chưa gặp lại con gái nhỏ mới 18 tháng tuổi đã gửi về quê ngoại. Còn con trai lớn 8 tuổi cũng được gửi ở nhà người thân.
Chị Như nghĩ rằng, cơm của y, bác sĩ hay cả bệnh nhân đều được đặt nấu từ các bếp ăn công nghiệp, do đó, có khi chưa thực sự đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cũng như độ tươi ngon. “Mọi người trong nhóm động viên nhau cùng cố gắng giúp nấu được bữa nào tốt bữa đó. Khi thấy người nhận ăn ngon, tôi cảm thấy vui lắm” - chị Như tâm sự.
Các món ăn do nhóm chị Cao Thị Hương Trang, chủ quán cà phê Tự Do (TP.Biên Hòa) chuẩn bị cho tuyến đầu chống dịch |
Còn nhóm của chị Cao Thị Hương Trang, chủ quán cà phê Tự Do (TP.Biên Hòa) cũng tất bật nấu ăn, nhận hàng tiếp tế của mạnh thường quân cho lực lượng chống dịch. Mỗi đợt dịch Covid-19 tái bùng phát, khoảng 20 người bạn trong nhóm của chị Trang lại cùng nhau tiếp sức cho các y, bác sĩ hay lực lượng canh giữ các chốt ở khu cách ly. Lần này, nhóm cử 5 người phụ trách việc nấu ăn cho nhân viên lấy mẫu của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, những người trực chốt ở các điểm cách ly tại các phường Quyết Thắng, Thanh Bình, Trung Dũng, Tân Mai.
“Cả nhân viên y tế đi lấy mẫu, lực lượng canh các chốt đều rất vất vả. Giờ lại đang giãn cách xã hội nên chuyện ăn uống của mọi người khó đảm bảo dinh dưỡng được. Do vậy, cả nhóm đã quyết định cố gắng nấu 120 phần ăn trưa/ngày để hỗ trợ mọi người” - chị Trang chia sẻ. Nhóm dự định sẽ nấu đến khi nào hết giãn cách xã hội, tình hình dịch được kiểm soát.
* Ấm áp nơi tuyến đầu chống dịch
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, nhân lực của khoa phải “chia năm xẻ bảy” vì vừa tiếp nhận các ca F0 từ bệnh vừa đến bệnh nặng, nhiều ca phải đặt nội khí quản và thở máy; vừa tiếp nhận nhiều bệnh khác với các tình trạng cấp cứu. Mùa này, các loại bệnh đa phần đều từ nặng đến rất nặng. Do phải phân ra nhiều “mặt trận” nên nhân lực của khoa có phần mỏng đi, công việc nhiều hơn dẫn đến áp lực tăng cao. Giãn cách xã hội, căng tin bệnh viện phải đóng cửa, các quán ăn cũng đóng cửa nên bữa ăn dinh dưỡng đối với nhân viên y tế trở thành vấn đề khá nan giải.
“May mắn là chúng tôi nhận được những hộp cơm tiếp tế của thầy cô giáo Trường tiểu học Lý Thường Kiệt nên nhân viên Khoa Cấp cứu có được bữa ăn ngon như “cơm mẹ nấu”. Chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng đẹp của các thầy cô” - bác sĩ Hoàng tâm sự mạng xã hội Zalo.
Tính đến ngày 1-8, Bệnh viện Dã chiến số 6 (ký túc xá Trường đại học Đồng Nai, TP.Biên Hòa) đã tiếp nhận chữa trị cho 1 ngàn bệnh nhân mắc Covid-19. Nơi này chỉ còn 6 giường trống. Để phục vụ bệnh nhân, 80 bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark và Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ tham gia điều trị. Mục tiêu ban đầu chỉ là chữa trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, nhưng thực tế, có nhiều bệnh nhân trở nặng, suy hô hấp. Do đó, BS Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh - người được giao “chỉ huy trưởng” tại đây đã thành lập 1 đội gồm các bác sĩ nội khoa có kinh nghiệm để xử lý cấp cứu những ca bệnh trở nặng.
Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa vui vẻ khi nhận những suất cơm nghĩa tình từ các nhóm thiện nguyện |
Tất cả những người phục vụ tại bệnh viện dã chiến trên toàn tỉnh được hỗ trợ 80 ngàn đồng tiền ăn mỗi ngày. Dù vậy, người dân và nhiều nhóm thiện nguyện đã tự nguyện những suất cơm, chén cháo hay ly chè để “tăng cường” cho đội ngũ phục vụ và cả bệnh nhân ở đây.
“Tôi cũng đã có lần xin thêm sữa, mì gói cho anh em ăn thêm ngoài bữa chính. Số thực phẩm này không chỉ dành cho y, bác sĩ mà cho cả lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ. Mục đích chính là không để mọi người mất sức, mình mất đi nguồn lực phục vụ người bệnh” - BS Thành tâm sự.
Mỗi lần nhận những phần ăn, nước uống hay trang thiết bị y tế từ sự hỗ trợ của người dân, các y, bác sĩ lại cảm thấy ấm lòng. BS Thành chia sẻ: “Đó dường như là “chất xúc tác” để chúng tôi có thêm tinh thần làm việc. Khi nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người làm tôi cũng được an ủi hơn. Tôi cảm thấy chúng tôi luôn có sự đồng hành của người dân trong cuộc chiến khó khăn, khắc nghiệt này”.
Bích Nhàn