Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều tiệm tạp hóa bán hàng thiết yếu vẫn đóng cửa

05:08, 14/08/2021

Theo quy định của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân được phép hoạt động bình thường trong điều kiện đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Theo quy định của UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân được phép hoạt động bình thường trong điều kiện đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.

Nhiều cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) đóng cửa trong thời gian thực hiện cách ly xã hội
Nhiều cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) đóng cửa trong thời gian thực hiện cách ly xã hội

Tuy nhiên, một phần do chưa nắm rõ quy định, phần khác do trên phiếu đi chợ của người dân không ghi nơi mua hàng là tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ nên việc mua bán hàng hóa thiết yếu của chủ cơ sở kinh doanh lẫn người tiêu dùng đều bị hạn chế.

Đóng cửa do chưa nắm rõ quy định

Gần 1 tháng nay, cửa hàng bách hóa tổng hợp Thành Phát trên đường Phùng Hưng, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) đóng cửa. Bà Lan Hương - chủ cơ sở kinh doanh này cho biết, những ngày đầu Đồng Nai thực hiện cách ly xã hội cửa hàng vẫn mở cửa phục vụ bà con. Sau đó, lực lượng chức năng phường nhắc nhở đóng cửa để phòng dịch nên bà thực hiện. “Lúc trước cửa hàng tôi có 4 nhân viên, doanh thu mỗi ngày khoảng hơn 10 triệu đồng. Từ ngày đóng cửa, chỉ còn lại 1 người, tôi hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng và một ít nhu yếu phẩm” - bà Lan Hương chia sẻ.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn Đồng Nai có gần 66 ngàn cửa hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, Sở Công thương tham mưu UBND ban hành văn bản để các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm áp lực cho các siêu thị khi chợ truyền thống đóng cửa.

Theo bà Lan Hương, khoảng 80% mặt hàng trong cửa hàng nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu do UBND tỉnh ban hành. Ngoài nguồn hàng trên kệ, dự trữ trong kho, cửa hàng còn có nguồn hàng từ các nhà nhà sản xuất, đại lý cung ứng trực tiếp. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn không dám mở cửa khi thành phố còn cách ly xã hội.

Tại nhiều phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa và các huyện, phần lớn các tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng đóng cửa. Chỉ một số cơ sở kinh doanh mở cửa phục vụ người dân.

Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, trong các văn bản của thành phố về phòng, chống dịch chỉ yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh tạm dừng các dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống chế biến sẵn (kể cả mang về). Không yêu cầu đóng cửa tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ các mặt hàng thiết yếu vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung cầu cho người dân, gây áp lực cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn 8827/UBND-KGVX ban hành ngày 27-7 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thành phố đã yêu cầu UBND các phường, xã rà soát, thông báo và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ cơ sở kinh doanh nắm được quy định. Theo đó, tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ các hàng hóa thiết yếu theo danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã được UBND tỉnh ban hành vẫn được phép hoạt động bình thường trong điều kiện đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom Đoàn Xuân Trường chia sẻ, để đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly xã hội, Phòng Kinh tế đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện hoạt động. Qua rà soát, địa phương cho phép khoảng 200 cửa hàng bán gạo và hơn 400 cửa hàng bách hóa tổng hợp được mở cửa. Ngoài ra, Phòng Kinh tế thiết lập khoảng 60 điểm bán hàng lưu động tại các xã. Các điểm này được giao cho hộ gia đình kinh doanh hoặc chủ lò mổ phụ trách quản lý. Thời gian tới, nếu cách ly xã hội kéo dài, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp mở thêm điểm bán phục vụ người dân.

Người dân gặp khó khăn khi mua hàng

Tại các khu dân cư, vùng nông thôn, việc mua hàng công nghiệp thiết yếu qua kênh tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ vẫn phổ biến. Do đó, khi các cơ sở kinh doanh này đồng loạt đóng cửa khiến người mua gặp khó khăn.

Một người dân đứng chờ mua hàng thiết yếu tại cửa hàng Thanh Loan, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa)
Một người dân đứng chờ mua hàng thiết yếu tại cửa hàng Thanh Loan, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa)

P.Tam Phước là một trong số ít phường, xã của TP.Biên Hòa chưa có chợ. Vì vậy, số lượng tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ rất nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly xã hội hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều đóng cửa.

Bà Hoàng Thị Lắm, người dân KP.Long Đức 1 (P.Tam Phước) chia sẻ, ngoại trừ rau xanh và thịt cá phải mua ở chợ, các mặt hàng công nghiệp khác bà đều mua ở cửa hàng tạp hóa vì gần nhà, giá rẻ. Tuy nhiên, thời gian này, mỗi lần muốn mua thực phẩm và đồ gia dụng bà đều phải đến cửa hàng tiện lợi vì cửa hàng tạp hóa đóng cửa. Thêm nữa phiếu đi chợ của bà chỉ định địa điểm mua hàng là cửa hàng Bách hóa xanh hoặc Vinmart+.

“Tôi đồng ý phát phiếu đi chợ để hạn chế tình trạng người dân ra đường. Tuy nhiên, khu vực này dân cư đông, việc hạn chế điểm mua hàng như trên phiếu hiện nay khiến người dân gặp khó khăn. Có ngày tôi phải xếp hàng 30 phút, vào được bên trong cửa hàng tiện lợi thì các kệ đã trống rỗng, không còn gì để mua. Đến khi kệ có hàng thì đã hết thời gian 2 giờ được đi chợ” - bà Lắm chia sẻ.

Một số cơ sở kinh doanh là tiệm tạp hóa cho rằng, họ không mở cửa buôn bán vì có mở cửa người dân không dám đến mua. “Nhiều khách hàng của chúng tôi không dám đến mua hàng vì sợ đi chợ không đúng địa điểm ghi trên phiếu. Chúng tôi phải chuyển sang hình thức bán hàng qua gọi điện thoại, nhắn tin. Người mua đặt hàng qua điện thoại, thanh toán tiền qua thẻ tín dụng và nhận hàng ngay tại nhà” - chị Hiền, chủ cửa hàng tạp hóa online Hiền Huân, P.Tam Phước chia sẻ.

Cửa hàng Thanh Loan trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) mở cửa phục vụ người dân từ đầu mùa dịch đến nay. Đại diện cửa hàng cho biết, các mặt hàng kinh doanh đa phần nằm trong danh mục hàng thiết yếu do tỉnh ban hành. Để đảm bảo an toàn trong mua bán, cửa hàng đã giăng dây ở phía trước, để sẵn giấy bút cho người mua viết đơn hàng. Đơn hàng được bỏ vào hộp giấy, nhân viên soạn hàng đồng thời ghi giá tiền từng loại trên đơn. Việc giao nhận hàng hóa thông qua xe đẩy, người bán và người mua không tiếp xúc gần.

Tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ hiện là kênh mua bán phổ biến và được số đông người dân vùng nông thôn, khu vực đông công nhân lao động lựa chọn vì hàng hóa đa dạng, mua bán nhanh gọn, giá mềm hơn so với siêu thị. Việc nhiều cửa hàng tạp hóa đồng loạt đóng cửa đã ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu mua hàng của người dân.

Lê An

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích