Đến ngày 16-8, toàn tỉnh có 4 bệnh viện có khoa khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và 10 bệnh viện dã chiến đang hoạt động hết công suất. Ở đây, hàng trăm y, bác sĩ đang căng mình cứu sống bệnh nhân.
Đến ngày 16-8, toàn tỉnh có 4 bệnh viện có khoa khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và 10 bệnh viện dã chiến đang hoạt động hết công suất. Ở đây, hàng trăm y, bác sĩ đang căng mình cứu sống bệnh nhân.
Các y, bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: BVCC |
* “Một bệnh nhân, hai sinh mạng”
Mang thai tuần thứ 30 thì chị N.T.V, ngụ tại H.Nhơn Trạch phải nhập viện vì dương tính với SARS-CoV-2. Lúc mới nhập viện, chị V. đã có triệu chứng về hô hấp nên được đưa vào điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất. Tình trạng suy hô hấp chuyển biến nhanh, chỉ 2 ngày sau, chị được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực Covid-19 (khu chuyên chữa trị bệnh nhân Covid-19 nặng).
“Một bệnh nhân mà hai sinh mạng nên cả ê-kíp đều cố gắng để cứu được cả mẹ lẫn con. Chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương đang phối hợp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại bệnh viện để đưa ra hướng xử trí tối ưu” - BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, hiện chuyển sang phụ trách Khoa Hồi sức tích cực Covid-19, BVĐK Thống Nhất chia sẻ.
Ở các nơi chữa trị bệnh nhân Covid-19, sự sống và cái chết rất mong manh, các y, bác sĩ luôn thầm lặng làm việc hết sức để cứu bệnh nhân. Mỗi ngày thức dậy, họ lại theo dõi tin tức và mong chờ số ca mắc Covid-19 giảm, đồng nghĩa với những ca bệnh nặng và tử vong cũng giảm để họ có thể sớm về với gia đình. |
Ngay khi được chuyển lên, các bác sĩ đã cho chị V. thở máy oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi (HFNC) và sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi để tránh bệnh màng trong cho bé sau sinh. Dù vậy, tình trạng của bệnh nhân ngày càng diễn tiến xấu, suy hô hấp nặng hơn nên đến ngày 12-8, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản để thở máy xâm nhập.
Sau 1 ngày theo dõi sát tình trạng mẹ và thai nhi, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai và can thiệp đặt ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cho chị V. Thai phụ này là ca đầu tiên nguy kịch đang phải can thiệp ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực Covid-19 của BVĐK Thống Nhất. Đến ngày 15-8, phổi của bệnh nhân vẫn đông đặc nhiều và phụ thuộc vào ECMO. Chị V. vẫn nằm bất động giữa đống máy móc và dây truyền dịch, còn con chị đã được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục hồi sức, dù tình trạng đã cải thiện hơn nhưng vẫn còn rất nặng.
Ngoài trường hợp chị V., hiện tại khoa cũng đang chữa trị cho một thai phụ 31 tuần bị nhiễm Covid-19 phải thở máy HFNC và sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi. Trước những ca bệnh đặc biệt này, BS Hạnh tâm sự: “Dù có máy móc hỗ trợ nhưng tất cả bác sĩ và điều dưỡng đều phải thường xuyên theo dõi sát ca bệnh. Chúng tôi rất lo lắng, căng thẳng, “toát mồ hôi” khi cấp cứu cho họ”.
Chăm sóc một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng |
Khoa Hồi sức tích cực Covid-19 của BVĐK Thống Nhất được đặt tại tầng 4 của tòa nhà 10 tầng mới xây dựng và đi vào hoạt động hơn 1 tháng nay. Thiết kế ban đầu chỉ 50 giường nhưng khoa luôn trong tình trạng quá tải và con số bệnh nhân hiện tại đã là 59. Khoa được chia thành 2 khu vực, khu A điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch phải thở máy xâm nhập và thực hiện các kỹ thuật cao như: siêu lọc máu liên tục, theo dõi huyết động xâm lấn, ECMO… Còn khu B dành cho các bệnh nhân nặng phải hỗ trợ thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy không xâm nhập. Một kíp trực có 9 bác sĩ và 19 điều dưỡng gồm các y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện K và BVĐK Thống Nhất.
* Áp lực đè nặng
Ngay khi đi vào hoạt động, hầu như bệnh viện dã chiến hay khoa hồi sức tích cực ở các bệnh viện đều tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn, rất nhanh đã kín giường bệnh. Do đó, các y, bác sĩ cũng chịu rất nhiều áp lực.
Dù có kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực của BVĐK Thống Nhất nhưng trong cuộc chiến với đại dịch này, BS Hạnh vẫn chịu nhiều áp lực. “Mỗi lần nghe điện thoại của các bệnh viện dã chiến liên hệ chuyển bệnh nhân nặng đến, tôi đều lo lắng, bồn chồn. Phần vì lo số lượng bệnh nhân nặng ngày một tăng nhanh, phần vì thương nhiều bệnh nhân phải chịu cảnh bệnh nặng mà không có người thân đi cùng. Công việc tăng gấp 3 lần so với trước, nhiều đêm stress khiến tôi mất ngủ. Có những ngày, chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng cùng tử vong khiến các y, bác sĩ bị sốc, thẫn thờ nhìn nhau mà chẳng nói được câu nào” - BS Hạnh buồn nói.
Đợt dịch này, điều dưỡng Lê Văn Tới, Khoa Tim mạch can thiệp của BVĐK Thống Nhất được đào tạo để chuyển sang làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực Covid-19. Từ ngày 15-7, anh bắt đầu vào “cuộc chiến” và chưa về nhà. Khác với trước, giờ lúc nào anh cũng phải mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang N95 khi chăm sóc hay theo dõi bệnh nhân. Công việc liên tục, ngoài điều trị chuyên môn, điều dưỡng còn phải lo bữa ăn, vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân.
Rút máy thở là thời khắc đặc biệt đối với các y, bác sĩ hồi sức cấp cứu Covid-19. Đó là lúc bệnh nhân tiến triển tốt hoặc là không qua khỏi. Cũng vì vậy, tâm trạng của người thầy thuốc cũng thay đổi. “Đã có thời gian dài, tôi làm việc tại khoa bệnh nặng của bệnh viện (trước khi làm việc tại Khoa Tim mạch can thiệp - PV) nhưng khi ấy, mỗi lần có bệnh nhân nặng, phải rút máy thở thì người thân họ đều biết. Còn bây giờ, nhiều bệnh nhân phải ra đi trong cô đơn vì người nhà cũng đang phải cách ly hoặc điều trị ở bệnh viện dã chiến” - anh Tới chia sẻ.
Cách đây vài ngày, có một bệnh nhân nam mới hơn 40 tuổi được chuyển lên từ bệnh viện dã chiến vì tình trạng nặng. Con trai bệnh nhân xin lên BVĐK Thống Nhất chăm sóc cha nhưng không được vì bản thân cũng đang là F0. Chưa đầy 1 ngày sau, người cha mất và y, bác sĩ đã gọi điện thông báo cho con trai bệnh nhân. “Nghe bệnh nhân khóc nghẹn trong điện thoại, chúng tôi không kìm được xót xa. Covid-19 khiến cho bao gia đình ly tán, cha con cũng không thể gặp mặt nhau những giây phút cuối đời. Có một buổi chiều, tôi phải chứng kiến tới 4 bệnh nhân tử vong” - anh Tới buồn nói.
Không chỉ ở khu bệnh nặng, ngay cả các y, bác sĩ ở bệnh viện dã chiến cũng gặp nhiều áp lực. BS Nguyễn Hòa Hiệp đang làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, ngày cao điểm, nơi này phải tiếp nhận đến hơn 200 bệnh nhân. Trong đó, có khoảng 3-4 ca trở nặng.
“Không kể ngày đêm, nhiều ca đang bệnh nhẹ rồi chuyển nặng rất nhanh nên chúng tôi phải cấp cứu gấp. Có những ca ổn định trở lại nhưng cũng có những ca nặng hơn phải chuyển tuyến. Áp lực của mình là làm sao chuyển tuyến đúng lúc vì nếu trễ thì bệnh nhân sẽ tử vong, còn chuyển sớm thì các trung tâm hồi sức Covid-19 sẽ quá tải” - BS Hiệp cho hay.
Bích Nhàn