Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng tại xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ là một trong số ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu đặc sản trái sầu riêng.
Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng. Ảnh: B.Nguyên |
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng tại xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ là một trong số ít doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu đặc sản trái sầu riêng. Với gần 7 ngàn ha, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng và đây cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh.
Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng đã chia sẻ về câu chuyện đầu tư chế biến với khát vọng xuất khẩu đặc sản trái sầu riêng của đất Đồng Nai ra thế giới.
Chế biến đặc sản ngon
* Tại sao ông lại chọn đầu tư vào ngành chế biến nông sản, nhất là mặt hàng đặc sản sầu riêng?
- Quê tôi ở H.Cẩm Mỹ, vùng đất có nhiều loại trái cây ngon, trong đó có đặc sản trái sầu riêng. Bản thân tôi lại thích kinh doanh nông sản nên sau 5 năm làm nông, tôi chọn khởi nghiệp bằng nghề thu mua, xuất khẩu trái sầu riêng.
Tôi có mở 1 điểm bán sầu riêng tươi tại một khu chợ ở Trung Quốc sát biên giới Việt Nam. Khách hàng có nhu cầu mua sầu riêng bóc múi đông lạnh làm bánh nên tôi bán thêm mặt hàng này.
Theo ông Trương A Vùng, để chuỗi liên kết bền vững, DN phải xây dựng được điểm tựa là luôn đảm bảo được lợi ích của các thành viên trong chuỗi, điển hình ở đây là HTX và nông dân được đảm bảo về lợi nhuận khi bán sản phẩm cho DN. |
Sau một thời gian làm thử nghiệm, một số khách hàng đặt mua sầu riêng múi đông lạnh với số lượng lớn nên tôi quyết định thành lập DN, đầu tư xưởng chế biến ngay tại vùng nguyên liệu với mục tiêu chế biến ra sản phẩm đạt chất lượng ngon nhất.
Những lợi thế để tôi quyết tâm đầu tư chế biến loại đặc sản này là Đồng Nai có những vùng nguyên liệu sầu riêng với diện tích lớn; có những cộng đồng trồng sầu riêng lâu đời và đã hình thành nên các CLB, tổ hợp tác hay HTX liên kết sản xuất theo chuẩn kỹ thuật đảm bảo cho trái ngon, an toàn.
* Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện khởi nghiệp trong lĩnh vực đầu tư được cho là khá rủi ro này?
- Năm 2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng được thành lập, đầu tư xưởng sản xuất với quy mô khoảng 150 công nhân. Sản lượng sầu riêng chế biến xuất khẩu trong năm đầu này đạt khoảng 1 ngàn tấn rồi dần dần tăng lên 2 ngàn tấn/vụ thu hoạch như hiện nay.
Để có sản lượng này, DN tiêu thụ từ 4-6 ngàn tấn trái tươi/vụ thu hoạch. DN đang có kế hoạch mở rộng quy mô chế biến với mục tiêu có nguồn sầu riêng cấp đông xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ làm theo mùa vụ như hiện nay.
* Khó khăn của DN khi bắt tay đầu tư vào lĩnh vực chế biến mặt hàng đặc sản trái cây tươi này là gì, thưa ông?
- Vốn đầu tư vào hệ thống kho lạnh tương đối lớn. Đây cũng là bài toán nan giải với DN bước đầu khởi nghiệp khi tôi không có tài sản để huy động nguồn vốn lớn, hoàn toàn nhờ vào uy tín cá nhân nên được bạn hàng tin tưởng cho ứng vốn, còn lại huy động thêm từ họ hàng, người thân. Chính vì vậy, tôi chọn mô hình đi từ quy mô nhỏ rồi mở rộng dần.
Tuy DN cũng có vùng nguyên liệu khoảng 5ha trồng sầu riêng nhưng tôi vẫn rất chú trọng tổ chức chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và nhà DN. Bản thân tôi gặp phải rất nhiều khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết vì mặt hàng trái cây tươi, đặc biệt là đặc sản trái sầu riêng thường biến động rất lớn về giá cả.
Đưa sản phẩm ra “sân chơi” quốc tế
* Điều gì giúp ông giữ được sự liên kết với nông dân một cách bền vững?
- Hơn bao giờ hết, khi thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là mặt hàng trái cây tươi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành chế biến càng thể hiện rõ vai trò khi DN có thể đưa vào chế biến được từ 30-50 tấn trái sầu riêng tươi/ngày và mua, trữ đông hàng trăm tấn sầu riêng tươi.
Cụ thể, thời điểm rộ vụ thu hoạch, trong vòng 20 ngày, DN đã mua cả ngàn tấn sầu riêng cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng giới thiệu sản phẩm múi sầu riêng đông lạnh đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Nai năm 2021 |
Chính vì vậy, vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng sầu riêng vẫn phấn khởi vì bán hết được sản phẩm với giá cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là niềm vui của DN khi đã chủ động sắp xếp, điều chỉnh sản xuất trong bối cảnh khó khăn chung để đảm bảo bao tiêu hết sầu riêng tươi cho nông dân. Chính thách thức, khó khăn do dịch bệnh gây ra, nông dân càng nhận rõ giá trị của chuỗi liên kết, gắn bó hơn với chuỗi liên kết để cùng DN hướng đến sự phát triển bền vững hơn.
* Theo ông vì sao phải đầu tư và phát triển ngành chế biến nông sản, trong đó có mặt hàng sầu riêng?
- Thị trường nước ngoài thường chuộng mặt hàng sầu riêng đông lạnh, sản phẩm chế biến hơn trái tươi. Chế biến cũng giúp tăng thêm giá trị cho trái sầu riêng lên gấp 2-3 lần so với bán tươi.
Sầu riêng được mệnh danh là “Vua của các loại trái cây” không chỉ vì đây là trái cây ngon mà còn do những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mang lại cho sức khỏe con người. Trái sầu riêng của Đồng Nai là đặc sản có hương vị đậm đà, thơm ngon không chỉ nhờ thổ nhưỡng mà còn do những đôi tay vàng của người nông dân giàu kinh nghiệm.
Tất cả những lợi thế trên tạo nên sự thơm ngon của đặc sản trái sầu riêng mà chúng tôi gọi là “Hương vị của quê hương”.
* Từ thực tế sản xuất của DN, ông đánh giá như thế nào về cơ hội xuất khẩu sầu riêng chế biến ra thế giới?
- Thị trường tiêu thụ mặt hàng sầu riêng đông lạnh tương đối rộng. Tôi lấy ví dụ ngay tại thị trường châu Á, tuy có nhiều nước trồng được sầu riêng nhưng người tiêu dùng lại rất chuộng sầu riêng Việt Nam nên chúng ta vẫn rất giàu tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này. Ngay cả Thái Lan là nước có thế mạnh trong sản xuất, xuất khẩu sầu riêng vẫn là thị trường Việt Nam có thể làm tốt nếu có sản phẩm chất lượng ngon và biết cách tiếp cận.
Hiện DN chủ yếu xuất khẩu vào các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan… DN đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, mở rộng quy mô chế biến để mở rộng xuất khẩu vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Với tôi, thị trường nội địa cũng là kênh tiêu thụ còn giàu tiềm năng cho sản phẩm sầu riêng cấp đông. Sầu riêng múi cấp đông của DN vừa đạt chuẩn chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao đã góp phần khẳng định uy tín về chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng trong nước.
* Xin cảm ơn ông!
Ông TRƯƠNG A VÙNG chia sẻ: “Tôi sinh ra, trưởng thành trên đất Đồng Nai, gắn bó với cộng đồng nông dân nơi đây nên khát khao mang hương vị đặc sản quê nhà đến với người tiêu dùng toàn thế giới. Tôi muốn khẳng định rằng sầu riêng Đồng Nai nói riêng và sầu riêng của Việt Nam nói chung là những sản phẩm chất lượng, được làm nên bởi những con người chất phác, thật thà, cần cù lao động nhưng cũng rất sáng tạo và đầy sự khát vọng chinh phục”. |
Bình Nguyên (thực hiện)