Tại cuộc họp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam sẽ rất nhiều, đề nghị tất cả các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm vaccine, xem công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách.
Tại cuộc họp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam sẽ rất nhiều, đề nghị tất cả các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm vaccine, xem công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách.
Đội tiêm chủng lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động của Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Những địa phương nào tiêm vaccine chậm, Bộ Y tế sẽ xem xét, điều tiết vaccine cho những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao.
* Số người được tiêm vaccine còn hạn chế
Theo thống kê của Bộ Y tế, Đồng Nai hiện là một trong 8 địa phương trong cả nước có tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 chậm.
Trải qua 3 đợt tiêm chủng, toàn tỉnh có tổng số gần 59 ngàn người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó có 19.863 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, còn lại đã được tiêm mũi 1. Những người đã được tiêm vaccine thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch, được ưu tiên tiêm vaccine theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Sau tiêm, không ghi nhận trường hợp tử vong, có 16 người phản ứng phản vệ và hơn 7,4 ngàn người có phản ứng thông thường.
Mục tiêu của chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn Đồng Nai là 100% người từ 18 tuổi trở lên (đủ điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19) sẽ được tiêm vaccine. Đảm bảo hoàn thành việc tiêm vét cho các đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm trong năm 2021. Thứ tự ưu tiên tiêm vaccine sẽ ưu tiên các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ với tổng số gần 500 ngàn người. Tiếp đến là nhóm đối tượng phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên từ nơi có nguy cơ cao đến nơi có nguy cơ thấp hơn. Số liệu thống kê từ Công an tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có 2.384.309 người từ 18 tuổi trở lên kể cả thường trú và tạm trú. |
Đồng Nai đang triển khai đợt tiêm vaccine thứ 4, bắt đầu từ ngày 29-7. Ở đợt tiêm này, Bộ Y tế phân bổ cho Đồng Nai 311.260 liều vaccine, bao gồm 220 ngàn liều vaccine AstraZeneca, 27.740 liều vaccine Pfizer và 65.520 liều vaccine Moderna.
Sở Y tế phân bổ tiêm vaccine Pfizer cho cán bộ hưu trí cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên thứ tự theo tuổi từ cao xuống thấp, cán bộ chính sách, lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng khác theo đề xuất của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh và đề xuất của đơn vị có ủng hộ quỹ vaccine của Bộ Y tế. Phân bổ tiêm vaccine Moderna cho cán bộ hưu trí, người mắc các bệnh mạn tính trên 65 tuổi. Phân bổ vaccine AstraZeneca để tiêm cho 2 nhóm đối tượng. Trong đó, phân bổ 35% số lượng vaccine để tiêm cho nhóm 1 là những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8-7-2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022, bao gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành Y tế công lập và tư nhân; người tham gia phòng chống dịch (gồm thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng; tình nguyện viên, phóng viên); quân đội; công an; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp các dịch vụ thiết yếu (vận tải, du lịch, điện, nước, bưu điện, viễn thông); giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Ngoài ra, còn bao gồm các đối tượng: người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; các đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…
Phân bổ 65% vaccine AstraZeneca còn lại để tiêm cho nhóm tuyến đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả nhà nước và tư nhân. Đó là các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 100 lao động trở lên trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thành phố có tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy cơ cao hiện nay (TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành). Do số lượng vaccine chưa nhiều nên ở đợt 4, Sở Y tế phân bổ 168.740 liều vaccine để tiêm cho nhóm đối tượng này/tổng số 639.277 người lao động thuộc các cơ sở kinh doanh có từ 100 lao động trở lên của 7 địa phương nói trên.
Sở Y tế dự kiến đợt 4 tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 29-7 đến hết ngày 20-8. Tuy nhiên đến nay, số lượng vaccine đã tiêm trong đợt 4 chưa nhiều.
* Thiếu nhân lực, lập danh sách tiêm chậm
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho hay, trong đợt tiêm chủng thứ 3 còn 2,1 ngàn liều vaccine phân bổ cho các chuyên gia, lao động người Nhật Bản làm việc tại tỉnh; các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản, có vốn đầu tư của Nhật Bản hoặc liên doanh với Nhật Bản chưa thể triển khai tiêm được do Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và Sở LĐ-TBXH cung cấp danh sách đối tượng tiêm chậm.
Tiêm vaccine cho cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai |
Lý giải nguyên nhân vì sao tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh triển khai chậm, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực y tế. Lực lượng y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ dàn trải cho công tác phòng, chống dịch, tham gia các bệnh viện dã chiến và điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, phải đảm bảo duy trì công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nên luôn trong tình trạng quá tải, không đảm bảo được hiệu suất công việc.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các đợt tiêm vaccine hiện nay đều giao cho Sở Y tế tự thực hiện, chưa có sự vào cuộc, phối hợp toàn diện của hệ thống chính trị địa phương, các sở, ban, ngành liên quan. Hệ thống phần mềm nền tảng quản lý chiến dịch tiêm vaccine chưa linh hoạt, còn khó khăn trong việc nhập liệu, tổ chức tiêm chủng và trả kết quả.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình cho hay, thông tin đầu vào hệ thống phần mềm yêu cầu rất nhiều thông tin bắt buộc liên quan đến người được tiêm chủng. Do đó, chỉ cần một thông tin không đáp ứng được thì không thể tải danh sách dữ liệu lên phần mềm gây chậm tiến độ cho việc thực hiện trả kết quả tiêm chủng bằng phần mềm. Sau buổi tiêm chủng, nhân viên y tế phải trực tiếp liên hệ từng người được tiêm để nhập dữ liệu thông tin lên phần mềm tiêm chủng rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Vì thế, nhân viên y tế không có thời gian để phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho các buổi tiêm chủng tiếp theo.
“Nhân lực y tế, hệ thống máy vi tính để nhập liệu thông tin tiêm chủng đang rất thiếu nên chưa thể triển khai tiêm vaccine theo tốc độ như mong muốn. Nếu muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine như TP.HCM thì Đồng Nai phải chấp nhận dừng một số hoạt động khác trong công tác phòng, chống dịch để tập trung ưu tiên tiêm vaccine” - BS Bình đề xuất.
* Tiêm nhanh hơn và đảm bảo an toàn tiêm chủng
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, với những vaccine phân bổ cho các doanh nghiệp từ đợt thứ 3 nhưng chưa triển khai tiêm được thì yêu cầu Sở Y tế thu hồi để tiêm cho các lực lượng khác như giáo viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp “3 tại chỗ” và phân bổ cho các địa phương để tiêm cho nhân dân. Không thể vì một số đơn vị lập danh sách tiêm chậm mà làm chậm tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của toàn tỉnh.
Về nhân lực tham gia công tác tiêm chủng, lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan huy động lực lượng y tế tư nhân, các y, bác sĩ đã về hưu, các cơ sở y tế chuyên khoa, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… trong và ngoài tỉnh cùng vào cuộc để thực hiện công tác tiêm chủng. Đảm bảo tiêm nhanh, tiêm đến đâu an toàn đến đó. Riêng các loại máy móc phục vụ nhập liệu như máy tính xách tay, đề nghị huy động từ các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng nhân lực của các sở, ban, ngành, giảm tải cho đội ngũ nhân viên y tế.
Ngoài ra, Sở TT-TT có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân cài đặt app Sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh. Trước khi tiêm chủng, hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc bản giấy hoặc trên app Sức khỏe điện tử, khai báo y tế đầy đủ. Thông báo thời gian và địa điểm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ, không tập trung đông người tại một thời điểm.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài thông tin thêm, Bộ Y tế vừa phân bổ cho Đồng Nai thêm 73 ngàn liều vaccine AstraZeneca, 84 ngàn liều vaccine Moderna để tiêm đợt 5. Dự kiến thời gian tiêm đợt 5 diễn ra từ ngày 9-8 đến hết 30-8.
Sở Y tế đã dự kiến phân bổ vaccine đợt 5 để tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch theo thứ tự ưu tiên 16 nhóm đối tượng trong Nghị quyết 21. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tiêm cho lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế, cán bộ hưu trí và dự phòng hao hụt vaccine.
Địa điểm tiêm tại 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở tiêm chủng thuộc 11 trung tâm y tế huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đa khoa khu vực, các bệnh viện và cơ sở tiêm chủng ngoài công lập, Bệnh viện 7B, Bệnh xá Công an tỉnh và các điểm tiêm cố định khác theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Thông tin từ Bộ Y tế, mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn nhưng hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine phòng Covid-19 trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm vaccine phòng Covid-19 nếu lợi ích của việc tiêm vaccine lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vaccine. Phụ nữ mang thai nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc quyết định có tiêm vaccine hay hoãn tiêm. Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú có thể tiêm vaccine nếu có sẵn vaccine. Tiêm vaccine an toàn cho cả mẹ và bé nên bà mẹ không cần phải tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vaccine. Tiêm vaccine Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới. Phụ nữ đang có kinh nguyệt vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 như người bình thường. |
Hạnh Dung
BS NGÔ ĐỨC TUẤN, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:
Bệnh viện có thể chích tối đa 2 ngàn liều vaccine/ngày
Trong 3 đợt tiêm vaccine vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện rất tốt công tác tiêm chủng. Hiện bệnh viện đang triển khai tiêm đợt 4 cho các đối tượng đã được phân bổ. Về công suất, mỗi ngày bệnh viện có thể chích từ 700-1.500 liều vaccine. Trường hợp cần thiết sẽ huy động cả nhân lực của Bệnh viện Đồng Nai - 2 để tiêm tối đa 2 ngàn liều vaccine/ngày.
Để đạt được điều này, bệnh viện cần thêm các bàn chích, bác sĩ để tư vấn cho người được tiêm vaccine, điều dưỡng để thực hiện chích ngừa. Đội ngũ này cần phải được tập huấn kỹ lưỡng để đảm bảo tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả.
Bà PHẠM THỊ THOA (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Mong có thêm nhiều vaccine
Gia đình tôi có 4 người, trong đó có 3 người đã trên 18 tuổi. Thời gian gần đây, khi nghe tin Bộ Y tế cấp về cho Đồng Nai số lượng vaccine phòng Covid-19 lớn, gia đình tôi rất mừng.
Do vợ chồng tôi đều là lao động tự do, không thuộc diện ưu tiên nên chúng tôi rất mong sẽ có thêm thật nhiều vaccine để sớm được tiêm bởi tôi được biết, nếu tiêm đủ 2 liều vaccine thì nếu chẳng may có mắc bệnh, bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và giảm nguy cơ tử vong so với người không tiêm vaccine. Rất mong các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 để người dân sớm được tiêm vaccine.
Chị LƯU THỊ MỪNG (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa):
Nóng lòng chờ được tiêm vaccine
Tôi là người lao động đang làm việc ở một công ty có gần 500 công nhân lao động, lại đang sinh sống ở khu vực có dịch bệnh phức tạp. P.Hóa An nơi tôi ở đã thực hiện cách ly phong tỏa gần 1 tháng nay nhưng số lượng các ca F0 hằng ngày vẫn cao khiến người dân rất lo lắng. Trước đây, khi dịch bệnh chưa bùng phát, công ty tôi có lập danh sách để tiêm vaccine cho công nhân nhưng hiện giờ dịch bệnh phức tạp chưa thấy công ty thông báo.
Chúng tôi mong muốn sớm được tiêm vaccine và sớm được quay trở lại doanh nghiệp để làm việc vì từ khi doanh nghiệp ngưng hoạt động, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Ông TRẦN BÌNH TRỌNG, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam (TP.Biên Hòa):
Doanh nghiệp đã 4 lần đăng ký mua và tiêm vaccine
Ngày 21-6, sau khi nhận được công văn của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai về việc đăng ký mua vaccine phòng Covid-19, công ty đã đăng ký mua vaccine AstraZeneca cho 2,3 ngàn công nhân lao động ở 2 nhà máy tại Biên Hòa và Nhơn Trạch.
Đến tháng 7, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tiếp tục gửi các công văn về việc đăng ký nhu cầu tiêm vaccine cho người lao động nước ngoài; chuyên gia, người lao động Nhật Bản đang làm việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; toàn bộ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp để các doanh nghiệp đăng ký.
Công ty TNHH Plus Việt Nam đã 4 lần gửi danh sách đăng ký nhu cầu mua và tiêm vaccine cho chuyên gia, người lao động nhưng đến nay vẫn chưa có ai được tiêm vaccine. Các lãnh đạo, chuyên gia Nhật Bản cũng như toàn thể người lao động của công ty rất mong được tiêm vaccine sớm để có thể sớm sản xuất trở lại, hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh.
An Yên (ghi)