TP.Biên Hòa với nhiều tên gọi cấp phường, đặc biệt là khu trung tâm với Quyết Thắng, Quang Vinh, Thống Nhất, Thanh Bình, Hòa Bình, Trung Dũng… đã thay thế cho một tên gọi khá quen thuộc trước đó - Bình Trước.
TP.Biên Hòa với nhiều tên gọi cấp phường, đặc biệt là khu trung tâm với Quyết Thắng, Quang Vinh, Thống Nhất, Thanh Bình, Hòa Bình, Trung Dũng… đã thay thế cho một tên gọi khá quen thuộc trước đó - Bình Trước.
Mặt tiền nhà hội Bình Trước với những mảng phù điêu gốm. Ảnh tư liệu: Đình Dũng |
Giới trẻ hiện nay ít người biết đến tên gọi Bình Trước bởi những thay đổi về hành chính. Những người sống gắn bó với vùng đất Biên Hòa, vắt qua những thời đoạn thay đổi mới biết, mới nhớ tên gọi này bởi Bình Trước là địa danh thân thuộc, đơn vị hành chánh trong những giấy tờ liên quan cá nhân.
* Bình Trước - địa danh thân thuộc
Tra cứu những tư liệu về Biên Hòa - Đồng Nai, ta thấy trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, từ thế kỷ XIX đã xuất hiện Bình Trước là một trong 46 thôn của tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Đến năm 1836, tổng Phước Vinh chia thành 3 tổng: Phước Vinh Thượng, Phước Vinh Trung, Phước Vinh Hạ. Bình Trước là phường duy nhất trong 22 thôn của tổng Phước Vinh Thượng. Từ thôn lên phường có thể nói là tính chất đô thị hóa ban đầu khá rõ nét của địa bàn Bình Trước.
Theo nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu trong bộ sách Biên Hòa sử lược, xuất bản năm 1960, từ nửa cuối thế kỷ XIX, tỉnh Biên Hòa có 17 tổng thì Bình Trước có 8 ấp gồm: Tân Lân, Lân Thành, Lân Thị, Phước Lư, Vinh Thạnh, Bàu Hang, Đồng Lách, Sông Mây. Thuộc tổng Phước Vinh Thượng.
Với thời gian, tên gọi Bình Trước đã không còn nữa trong định danh hành chính nhưng vùng đất Bình Trước, con người Bình Trước với những sự kiện trong các thời kỳ lịch sử luôn được nhắc đến trong tư liệu. Một nhà hội đã trở thành di tích, một đình làng vẫn giữ những tập tục truyền thống trong dòng chảy tín ngưỡng giữa phố thị… như nhắc nhớ mãi về vùng đất, con người Bình Trước trước những biến chuyển của cuộc sống. |
Thời Pháp thuộc, từ năm 1881 cho đến 1939, tổng Phước Vinh đổi thành Phước Vĩnh và Bình Trước thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng. Từ năm 1939, Bình Trước là đơn vị xã thuộc quận Châu Thành, sau này thuộc quận Đức Tu vào năm 1963.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, chính quyền cách mạng chia địa bàn quận Châu Thành thành hai đơn vị: thị xã Biên Hòa là khu vực Bình Trước (với 5 khu, 8 ấp) và phần còn lại thuộc huyện Vĩnh Cửu. Sự sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chánh cấp tỉnh và tên gọi sau này để phù hợp với tình hình đấu tranh của chính quyền đã diễn ra nhiều lần, nhưng xã Bình Trước vẫn được giữ với tính chất nội ô của đô thị Biên Hòa. Từ năm 1954 cho đến 1975, xã Bình Trước vẫn là đơn vị hành chính cấp xã đến năm 1976.
Dẫu có những thay đổi, chúng ta dễ nhận ra rằng, tên gọi đã hình thành khá sớm và tồn tại lâu dài trong lịch sử từ thời lập làng đến phố thị qua bao thăng trầm của Biên Hòa. Sự mất đi hay được thay thế như một quy luật của xã hội gắn với những biến chuyển của thời cuộc hay nhiều yếu tố tác động nhưng chắc hẳn vẫn lưu dấu trong dòng chảy văn hóa. Ngày nay, trong lòng đô thị Biên Hòa hiện đại, vẫn còn dấu ấn của tên gọi Bình Trước một thời.
* Nhà hội Bình Trước - từ công sở đến di tích
Trên trục đường chính 30-4 của Biên Hòa, một kiến trúc khiêm tốn giữa bộn bề nhà cửa theo lối hiện đại nhưng khá độc đáo. Đó là di tích lịch sử nhà hội Bình Trước (đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ) với lối kiến trúc kiểu nhà vuông.
Nhà võ/ nhà vuông/ nhà hội là thiết chế công của chính quyền từ thời nhà Nguyễn trên vùng đất Nam bộ và thực thi chức năng cho đến trước năm 1945. Tại Biên Hòa, nhà hội Bình Trước có tính chất công sở của đô thị nên được đầu tư xây dựng lớn so với các nơi khác trong tỉnh Biên Hòa. Hồ sơ về di tích cho thấy, chủ trương xây dựng của nhà hội từ tỉnh trưởng Bolen người Pháp từ năm 1936.
Đình Bình Trước trong khu dân cư trước năm 1975. Nguồn: Lê Ngọc Quốc |
Nhà hội Bình Trước qua bao lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét cổ kính đặc sắc với kiểu thức nhà vuông, mái bốn bên. Trong nhà hội trước đây có bàn thờ Tiên sư, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt và cũng là sự nhắc nhở cho những người làm công chức thời xưa giữ mình, chú trọng đạo đức. Những mảng kiến trúc gỗ thể hiện sự tinh tế, không chỉ hiệu quả công năng sử dụng mà còn làm tăng vẻ đẹp kiến trúc bởi nghệ thuật điêu khắc. Các phù điêu, tranh, hoa văn bằng gốm sứ ở các cấu kiện kiến trúc được tạo tác tinh vi, sắc sảo với các đề tài truyền thống. Kiến trúc của nhà hội là sự sáng tạo tài hoa của những nghệ nhân xứ Biên Hòa xưa.
Di tích nhà hội ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Biên Hòa. Ngày 23-9-1945, hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng Tám. Với giá trị nghệ thuật, lịch sử, nhà hội Bình Trước đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991. Một không gian đô thị hiện đại của Biên Hòa vẫn còn lưu giữ dấn ấn kiến trúc công sở của làng xưa Bình Trước thật quý biết bao. Nơi đây, đã từng được sử dụng vào một số chức năng khác sau này nhưng có lẽ, để hiệu quả hơn cần xây dựng di tích này trở thành một điểm đến văn hóa, gắn với văn hóa đọc bên cạnh không gian của đô thị hiện đại, trước trường quốc tế sắp đi vào hoạt động.
* Đình Bình Trước trong tâm thức làng giữa phố
Nội ô Biên Hòa có nhiều đình gắn với sự hình thành các đời sống cư dân thời đầu khai khẩn lập làng, dựng ấp như: Phước Lư, Lân Thị, Tân Mai, Bình Thiền, Tân Lân…
Trục đường chính với bùng binh Sông Phố ở Tòa bố Biên Hòa trước đây lên hướng Vườn Mít, có ngôi đình mang tên Bình Trước hiện tọa lạc tại KP.5, P.Trung Dũng, đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ. Tên gọi của đình là dấu ấn đặc biệt của làng xưa, của địa danh tưởng chừng như vắng bóng sau biến động của thời cuộc. Xưa, tên của đình gắn với tên làng như quy luật bất thành văn có làng có đình để thờ thần Thành hoàng. Người dân tôn kính vị thần Thành hoàng với ước mong về “quốc thái dân an”, “phong điều vũ thuận”… cho nước, cho làng, cho nhà, cho bản thân… Hằng năm, tại đình làng diễn ra nhiều lễ với tập thành nghi thức trong đó lễ kỳ yên trở thành ngày hội của dân làng.
Những hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lễ kỳ yên đã thu hút đông đảo người dân tham dự. Đình làng Bình Trước không chỉ là thiết chế tín ngưỡng mà còn là nơi gắn kết cư dân địa phương, truyền lưu những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Cùng với hệ thống đình làng ở Biên Hòa, đình Bình Trước góp phần trong bảo tồn những vốn di sản của thế hệ cư dân, được định danh cho một hệ thống tên làng, tên xã xưa đã hòa trong môi trường của đô thị.
Phan Đình Dũng