Đi chợ một lần cho 3-4 ngày, đến các điểm bán hàng bình ổn giá mua thực phẩm, tự nấu ăn thường xuyên, không bỏ phí đồ ăn thừa, tận dụng khoảng đất trống trồng rau… là cách nhiều bà nội trợ ở TP.Biên Hòa đang áp dụng để thắt chặt chi tiêu và đảm bảo an toàn mua sắm trong đại dịch Covid-19.
Đi chợ một lần cho 3-4 ngày, đến các điểm bán hàng bình ổn giá mua thực phẩm, tự nấu ăn thường xuyên, không bỏ phí đồ ăn thừa, tận dụng khoảng đất trống trồng rau… là cách nhiều bà nội trợ ở TP.Biên Hòa đang áp dụng để thắt chặt chi tiêu và đảm bảo an toàn mua sắm trong đại dịch Covid-19.
Người dân P.Tam Phước, TP.Biên Hòa mua thực phẩm thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi bình ổn giá trên địa bàn. Ảnh: B.Mai |
* Cắt giảm các khoản chi không cần thiết
Thời điểm trước giãn cách xã hội, mỗi ngày làm việc trong tuần, chị Lê Phương Dung (P.Hiệp Hòa) đều ra ngoài ăn sáng, uống cà phê. Bữa trưa, có khi cả buổi tối, chị mua đồ ăn sẵn. Quần áo, mỹ phẩm, giày dép chị đặt hàng theo ý thích, không quá “lăn tăn” về giá. Nhưng hiện tại, chị đã “cắt” hết các khoản mua sắm không cần thiết, thực hiện giảm bớt 1 bữa ăn chính so với trước.
Chị Dung chia sẻ, do làm việc tại nhà, chủ động sắp xếp được thời gian nên mỗi ngày chị nấu 2 bữa ăn vào khoảng 8 giờ và 15 giờ. Buổi tối nếu đói chị ăn nhẹ bánh hoặc trái cây. Khẩu phần ăn mỗi bữa không thay đổi nhưng giảm được 1 bữa ăn chính là giảm được đáng kể chi phí nguyên liệu, gia vị, điện nước. Theo quan điểm của chị Dung, vấn đề không chỉ ở tiết kiệm tiền ăn mà ăn như thế nào cho chất lượng, đảm bảo sức khỏe với chi phí thấp hơn.
Thúc đẩy tiêu dùng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, không ai có thể biết dịch bệnh sẽ kéo dài thêm bao lâu, nhiều loại hình công việc tiếp tục bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, do vậy, cân đối chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, mua sắm an toàn và thông minh là điều cần thiết cho mỗi gia đình và cả xã hội. |
Tính toán lại khẩu phần ăn của từng người, không bỏ phí đồ ăn, không nấu món ăn theo sở thích của con là cách làm của bà nội trợ Trần Thị Vân (P.Bửu Long).
Theo chị Vân, trước đây chị nấu đồ ăn theo kiểu: có bao nhiêu nấu bấy nhiêu; đồ ăn hôm nay ăn không hết đem đổ bỏ. Từ khi dịch bệnh bùng phát, 3-4 ngày/lần chị ra ngoài mua thực phẩm. Thực phẩm mua về làm sạch, sơ chế rồi phân chia thành phần nhỏ theo ngày. Mỗi ngày lấy một phần rã đông rồi nấu. Đồ ăn không hết đem cất vào tủ lạnh ngày mai ăn tiếp.
Chị Vân cho rằng, nấu ăn theo khẩu phần của từng người vừa ngon vừa không bị lãng phí đồ ăn. Việc nấu ăn thường xuyên cũng là cách chị tự tạo việc làm trong thời gian giãn cách xã hội.
Chị Phạm Thị Thủy (ngụ P.Tam Phước) kể, trước đây, vào mỗi dịp cuối tuần, chị thường lang thang các trang mạng bán hàng trực tuyến mua từ quần áo, son phấn, cho đến thực phẩm tươi sống, đồ ăn vặt vì thường có bán hàng khuyến mãi. Có những món đồ, chị mua về chỉ sử dụng 1-2 lần, hoặc có những món chưa kịp ăn đã hết hạn sử dụng. Hơn 1 năm nay, chị Thủy chỉ mua sắm vừa đủ nhu cầu của bản thân và gia đình.
“Trải qua khó khăn của đợt dịch, tôi bắt đầu học cách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm những khoản tiêu dùng không cần thiết. Tôi không “mua đại” như trước nữa. Đứng trước món hàng, tôi phải cân nhắc dùng vào việc gì, hạn sử dụng còn bao nhiêu, mua ở đâu được giá tốt hơn. Riêng quần áo, son phấn tôi quyết định không mua thêm bất cứ sản phẩm nào trong năm nay” - chị Thủy nói.
Rất nhiều người chia sẻ, cắt giảm tối đa những thứ vụn vặt đời thường, những vật dụng chưa thật sự cần thiết là xu hướng tiêu dùng, là sự thích ứng của các gia đình trong đại dịch. Việc cắt giảm này không đồng nghĩa với nhịn ăn, giảm mặc mà tránh lãng phí và tốn kém.
* Hình thành lối sống tiết kiệm, căn cơ
Đa phần các bà nội trợ cho rằng, từ những ngày tháng khó khăn này, mọi người đã hình thành được thói quen tốt là tiêu dùng tiết kiệm và sử dụng khoa học, không lãng phí đồ ăn thức uống.
Anh Nguyễn Văn Long (ngụ P.Tam Phước) chia sẻ, lúc trước anh làm ra 10 đồng thì xài hết 10 đồng. Có tháng phải “khất” tiền phòng trọ. Đợt dịch lần này, công ty cho nghỉ việc, thu nhập giảm một nửa, anh phải ngưng uống nước ngọt, giảm hút thuốc.
“Những lúc như thế này mới thấy quý mớ rau, con cá, viên thuốc. Quả bí tôi chia thành 2 phần để nấu, cơm thừa một chút thôi cũng đem làm giấm ăn. Tôi không tiêu xài phóng khoáng như trước nữa mà sẽ duy trì thói quen tiết kiệm như hiện tại để dành tiền lo cho tương lai” - anh Long cho hay.
Người dân xã An Phước, H.Long Thành mua rau tại cửa hàng Bách hóa xanh |
Tận dụng thời gian giãn cách xã hội, nhiều bậc phụ huynh tranh thủ dạy con làm việc nhà và học cách sống tiết kiệm bằng việc tự nấu đồ ăn, không đòi hỏi món ăn theo ý thích, hạn chế mua sắm đồ chơi và đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe.
“Tôi tận dụng thời gian này để dạy con cách nấu cơm, rửa chén, lau nhà. Cách phân biệt một số loại rau, cũng như cách nấu ăn cơ bản. Sau vài tuần, con gái đã tự nấu được bữa cơm gia đình. Nhờ vậy, thời gian giãn cách của gia đình tôi trở nên ý nghĩa” - một phụ huynh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thương (ngụ P.Tân Phong) thực hành lối sống tiết kiệm bằng cách tự thiết kế vườn rau trên tầng thượng. Chị tận dụng chậu cây cảnh chưa sử dụng, thùng xốp trồng rau ăn lá ngắn ngày. Rau muống, rau thơm mua ở siêu thị về chị nhặt phần non, gốc đem trồng lại. Giờ đây, sân thượng không chỉ mang lại không gian xanh cho ngôi nhà mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và tiện lợi cho gia đình chị Thương. Nhiều gia đình cũng tăng gia bằng cách tận dụng khoảng đất trống để trồng rau cải thiện bữa ăn.
Trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ chia sẻ thói quen hình thành thói quen tiêu dùng tiết kiệm trong đại dịch bằng cách đọc sách thay vì xem điện thoại “săn” hàng giảm giá, luyện tập môn thể theo phù hợp ngay tại nhà dành thời gian trò chuyện với người thân. Tự pha cà phê, tự nấu trà sữa, làm quen với nấu ăn sáng, trưa, tối tại nhà mỗi ngày. Hạn chế sử dụng máy điều hòa, tivi.
“Gia đình tôi không sử dụng máy điều hòa cả tháng nay. Thi thoảng mở điều hòa một lúc cho mát phòng rồi tắt. Nó không quá bức bí như tôi nghĩ” - chị Nhi, chung cư P.Hóa An chia sẻ.
Ban Mai