Sinh sống tại TP.Biên Hòa nhưng đang dạy học ở TP.HCM, thầy giáo ĐỖ ĐỨC ANH, Tổ phó Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nổi tiếng trên truyền thông và mạng xã hội với các lá thư nhắn nhủ, bài giảng sáng tạo để mang đến cho học trò những tiết học thú vị, hấp dẫn và hiệu quả.
Thầy giáo Đỗ Đức Anh |
Sinh sống tại TP.Biên Hòa nhưng đang dạy học ở TP.HCM, thầy giáo ĐỖ ĐỨC ANH, Tổ phó Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nổi tiếng trên truyền thông và mạng xã hội với các lá thư nhắn nhủ, bài giảng sáng tạo để mang đến cho học trò những tiết học thú vị, hấp dẫn và hiệu quả.
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, thầy giáo Đức Anh còn được biết đến là một cây bút viết về giáo dục quen thuộc trên một số tờ báo. Với thầy giáo Đỗ Đức Anh, dạy học ngoài cung cấp kiến thức thì còn có trách nhiệm rèn luyện cho học sinh tư duy, kỹ năng, giúp các em có tinh thần chủ động, sáng tạo, chuẩn bị tâm thế của một “công dân toàn cầu” trong tương lai.
Để học sinh thể hiện tính chủ động
* Tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập hiện nay đang là vấn đề được quan tâm. Để có thể rèn tính chủ động, độc lập của các em, anh có giải pháp gì?
- Thật ra sự chủ động và sáng tạo là cần thiết cho tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực của đời sống. Bản thân người thầy cũng không thể cứ 10 năm lên lớp với một giáo án đã cũ mòn. Vậy nên muốn rèn luyện sự tự giác, chủ động, tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh, phải bắt đầu từ người thầy, để học sinh được bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm khác biệt của mình. Người thầy nên dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thuyết trình, trình diễn hay thảo luận. Tổ chức các hoạt động thực tế tiếp cận đời sống để học sinh được quan sát, lắng nghe những câu chuyện, những sự việc, hiện tượng sinh động. Cuộc đời là một cuốn bách khoa toàn thư, kiến thức không chỉ có trong sách giáo khoa.
Tôi luôn muốn là một người dẫn đường, một người đồng hành, một người anh lớn biết lắng nghe, một người bạn hiểu chuyện và bí mật, chứ không chỉ một người thầy trên bục giảng của các em học sinh, bởi với tôi thì “giáo dục không phải là để rót đầy mà là thắp lên một ngọn lửa” (Socrates).
* Là một giáo viên nam trẻ, anh có gặp khó khăn gì trong dạy học môn Văn?
- Thật ra ở độ tuổi 34 thì tôi cũng không còn được gọi là giáo viên trẻ nữa. Còn về việc giáo viên dạy Văn mà là nam thì quả thực là ít nhưng không phải hiếm.
Với tôi, đó không phải khó khăn mà là lợi thế. Tuy vậy, khi giảng dạy về tâm trạng người phụ nữ (như người vợ, người mẹ) trong văn học, mình phải nhập thân vào nhân vật để hiểu và phân tích. Điều này hẳn là có khó khăn hơn so với các cô giáo dạy Văn. Tuy nhiên, giới tính chưa bao giờ là rào cản nếu bạn thực sự đam mê và sáng tạo.
* Nổi tiếng trên cộng đồng mạng, “đốn tim” học sinh và cả phụ huynh bởi những bài tập về nhà hết sức lý thú, đây phải chăng là một trong những cách để anh tạo sự gần gũi, thu hút học sinh hơn?
- Những bức thư “đốn tim”, những đề thi “gây bão”, những bài tập truyền cảm hứng nổi tiếng khắp các trang mạng mang đến cho mình những biệt danh rất “kêu” như: “thầy giáo hot boy”, “thầy giáo quốc dân”, “thầy nhà người ta”… Điều này cũng giúp cho những điều mình làm, chuyện mình kể, điều mình chia sẻ, kiến thức mình truyền thụ đến được với nhiều người hơn. Hơn nữa còn có lượng người hâm một nhất định. Nhưng điều đó thật sự không phải là điều mình tự hào. Ước vọng thật sự của một người thầy là các học trò của mình đều trở thành những người thành công, hạnh phúc và tử tế, chứ không phải là những lời ca tụng trên mạng xã hội hay báo chí.
Thầy giáo Đỗ Đức Anh giao lưu giữa giáo viên và học sinh tại một hoạt động trong dự án Học Văn từ cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Hướng học sinh đến tâm thế “công dân toàn cầu”
* Trong quá trình dạy học, anh đã xây dựng các “dự án” để các em học sinh đam mê học Văn hơn, có thêm kiến thức thực tiễn trong cuộc sống, điều đó được thể hiện như thế nào?
- Để việc học Văn trở nên thú vị, hấp dẫn, mới mẻ và ấn tượng hơn, tôi đã có khá nhiều dự án như: Đánh thức giấc mơ cổ tích, Kiếp đá, Biển động… Trong đó dự án Học Văn từ cuộc sống với chủ đề Sài Gòn - những góc nhìn trẻ để học sinh trải nghiệm cuộc sống, tìm đề tài, nhân vật, viết lời bình và làm phim. Ngoài có thêm kỹ năng mềm thì thành công lớn nhất chính là chạm được vào trái tim học trò, làm sống dậy những tình cảm tốt đẹp về cuộc sống, về con người. Khi có rung động thật sự thì các em sẽ biết yêu thương, quan tâm đến mọi người và sống có trách nhiệm hơn. Có 12 phim được chọn công chiếu trong báo cáo dự án cấp thành phố, toàn những đề tài gai góc và khốc liệt dưới góc nhìn của học sinh trung học.
Một dự án nữa là Có thư trên bậu cửa. Sau thời gian đi thực tế, gặp gỡ, học sinh viết thư và bí mật gửi tặng trên bậu cửa nhà của “những người phi thường nhưng chỉ nghĩ mình bình thường”. Đó là những người hùng thầm lặng như chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, chú dân quân, là người công nhân vệ sinh môi trường, thợ sửa giày miễn phí cho người khó khăn, là những hiệp sĩ sửa xe cho người qua đường những ngày mưa ngập... Tất cả những bức thư này được tuyển in trong tập sách Có thư trên bậu cửa do NXB Thông tấn ấn hành. Mục tiêu dự án hướng tới là giúp các em học sinh yêu thích môn Văn, tích cực hơn trong phương pháp học Văn. Từ đó, các em sẽ chủ động tìm đến những giá trị nhân văn trong cuộc sống, tích cóp kiến thức đời sống để làm giàu kiến thức, làm đẹp tâm hồn.
* Anh cũng thường hướng dẫn học sinh ôn tập môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp, vào đại học. Mới đây 2 học trò được anh ôn luyện đã đạt thủ khoa môn Văn của TP.HCM và Đồng Nai. Điều đó có là động lực để anh tiếp tục hoạt động bồi dưỡng học sinh?
- Trước đây tôi có nhiều buổi livestream miễn phí trên Facebook cá nhân trong dự án ôn thi 0 đồng “Học Văn khôn ngoan và không gian nan”, sau đó thì hợp tác với Báo Thanh Niên trong chương trình tiếp sức mùa thi để ôn tập cho học sinh trên cả nước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, may mắn tôi đã hướng dẫn, ôn tập trực tuyến cho nhiều em học sinh và trong đó có 2 em Võ Trần Thảo My (Trường THPT Marie Curie, Q.3) và Võ Lê Thùy Duyên (Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa) đồng điểm 9,25, là điểm Văn cao nhất của TP.HCM cũng như Đồng Nai. Niềm vui nhất là ở nơi nào đó rất xa xôi, có những học sinh cần mẫn lắng nghe sự chia sẻ kiến thức, kỹ năng làm bài, ôn tập và đạt kết quả cao.
Điều đó thật sự là quả ngọt của người làm công việc “trồng hoa vào đất”…
* Với nghề dạy học, ngoài việc hướng đến những kết quả cao, cung cấp kiến thức phổ thông thì theo anh, giáo dục còn có trách nhiệm gì?
- Trong thời đại ngày nay, ta cần hiểu rằng học sinh cần có thêm những tư duy, kỹ năng, thái độ của một công dân toàn cầu, sẵn sàng trải nghiệm thử thách, phản biện để có được góc nhìn nhạy bén và đa chiều. Trách nhiệm của người giáo viên là giúp các em được phát huy thế mạnh năng khiếu riêng, hiểu mình và được là phiên bản tốt nhất của chính mình.
Trên nền tảng ba giá trị cốt lõi yêu thương - tôn trọng - trách nhiệm, học sinh được nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng tôn trọng, trách nhiệm với bản thân và xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện… Nó sẽ giúp các em hình thành nhân cách một cách tự nhiên, hướng đến các giá trị chuẩn mực của một công dân thời đại mới.
* Xin cảm ơn anh!
“Thầy có rất nhiều bí kíp và các chiêu ghi điểm thú vị, mỗi bài giảng thầy đều lồng ghép những câu chuyện của đời sống, giản dị nhưng sâu sắc, nghe rất thích và rất thấm. “Nếu dạy học không phải là rót đầy mà là thắp lên một ngọn lửa” thì thầy Đức Anh chính là người đã thắp lên cho em một ngọn lửa đam mê với môn Văn” - em VÕ LÊ THÙY DUYÊN, học sinh Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa nhận xét về người thầy dạy online của mình. |
Đào Lê (thực hiện)