Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem tranh 'rưng rưng cảm xúc'

06:08, 05/08/2021

Nhiều tác phẩm hội họa được các họa sĩ sáng tác trong thời Covid-19 với đa dạng đề tài, thể loại về tình người sẻ chia, cũng như tri ân những người xông pha nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, khiến người xem "rưng rưng cảm xúc".

Nhiều tác phẩm hội họa được các họa sĩ sáng tác trong thời Covid-19 với đa dạng đề tài, thể loại về tình người sẻ chia, cũng như tri ân những người xông pha nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, khiến người xem “rưng rưng cảm xúc”.

Sài Gòn mau khỏe - tranh của họa sĩ trẻ Minh Hả
Sài Gòn mau khỏe - tranh của họa sĩ trẻ Minh Hả

* Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: “Tình thương yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua”

Là người nổi tiếng với các tác phẩm pop-art rồi chuyển sang làm họa sĩ thiết kế bối cảnh cho những bộ phim điện ảnh, họa sĩ Trần Trung Lĩnh đang được cộng đồng mạng chú ý với loạt tranh vẽ trong thời giãn cách xã hội.

Họa sĩ chọn ba chủ đề chính để vẽ tranh trong đại dịch. Một là “Xin cúi đầu cảm tạ những người hùng” tái hiện những người có nghĩa cử từ thiện, giúp đỡ những người khác khó khăn trong cộng đồng, như chị “mạnh thường quân” tặng bao thư tiền trợ giúp những người về quê. Hai là “Sài Gòn những điều dễ cưng” với những hình ảnh đẹp đẽ tại Sài Gòn - TP.HCM chan chứa tình người, tình nhân ái trong đại dịch, tặng “bánh mì 0 đồng một ổ, đặc ruột yêu thương”; tặng trà đá miễn phí, sửa xe miễn phí… Ba là “Trong khốn khó có điều ngọt ngào” kèm dòng ghi chú nhỏ ở từng tranh “Tình thương là món quà lớn nhất của nhân loại”, thể hiện đầy cảm động về tình cha mẹ yêu thương con cái, tình thương những động vật nuôi thân thuộc với con người…

“Cùng giúp nhau mình vượt qua đại dịch” - thông điệp của loạt tranh từ họa sĩ Trần Trung Lĩnh đã gây cảm xúc mạnh nơi người xem. Anh cho biết đó là những tác phẩm “dành tặng những mảnh đời nhàu nát cơ cực” vốn gặp nhiều khốn khó hơn bao giờ hết trong thời Covid-19.

Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, họa sĩ Trần Trung Lĩnh tiết lộ động cơ sáng tác tranh của anh: “Tôi vẽ vì thấy bạn bè anh em bất chấp rủi ro dịch bệnh đã đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người cơ cực trong mùa dịch. Do bị kẹt trong nhà, tôi không làm được gì khác ngoài việc muốn tôn vinh những “người hùng” xung quanh chúng ta để lan tỏa chút xíu tình cảm con người, đặc biệt là trong hoàn cảnh có quá nhiều thông tin tiêu cực gây hoang mang không ít. Tôi nhận ra chỉ có tình thương yêu mới giúp mọi người cùng dìu nhau qua cơn dịch bệnh khủng khiếp này”.

Họa sĩ cũng cho biết thêm: “Giãn cách ở nhà nên tôi cũng không làm gì được khác ngoài vẽ. Vì thế tôi sẽ tiếp tục vẽ nữa và chia sẻ tác phẩm với mọi người qua mạng”.

* Họa sĩ Lê Sa Long: Phản ánh những “kỳ nhân” thời Covid-19

Vốn là họa sĩ thiên về vẽ chân dung nhân vật, trong đợt dịch bệnh họa sĩ Lê Sa Long “đau đáu trước dòng thời sự, những nhân vật đặc biệt đáng ngưỡng mộ và những thân phận người, hoàn cảnh nhiều xúc cảm”. Từ đó, anh liên tục sáng tác những bức tranh khổ to, có bức lên tới 1m2x80cm, với chất liệu tổng hợp tái hiện những câu chuyện, “người thật việc thật” khiến anh quan tâm và có cảm hứng sáng tác.

“Anh Minh Râu bán rau ở Biên Hòa (Đồng Nai)”
“Anh Minh Râu bán rau ở Biên Hòa (Đồng Nai)”

Họa sĩ Lê Sa Long khi hay chuyện về người đàn ông bán rau tên Minh Râu ở TP.Biên Hòa thường xuyên tặng rau miễn phí cho công nhân, sinh viên; bán trứng gà, trứng vịt cho người dân với “giá hữu nghị” chứ không lợi dụng tăng giá vì hàng khan hiếm… đã quyết định vẽ lại chân dung anh Minh Râu xăm trổ bởi “tấm lòng thơm thảo của anh dần vượt ra khỏi tỉnh Đồng Nai, lan truyền khắp cả nước”.

Họa sĩ cũng cảm kích với lời anh Minh Râu: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải ngay lúc này”. Và không chỉ vẽ tranh, anh Lê Sa Long còn bật ra hai câu thơ giản dị:

“Anh Minh Râu ở xứ ta

Người tuy hầm hố, nhưng mà zễ thương!” (tức dễ thương).

Những ngày giãn cách phòng, chống Covid-19, họa sĩ Lê Sa Long vẽ “như một lời chia sẻ nỗi khó khổ của đồng bào mình khi đời sống bị ảnh hưởng vì cơn dịch bệnh Covid-19 quái ác”. Anh vẽ những gia đình công nhân, lao động tự do rời thành phố trở về quê bằng xe máy; vẽ những đứa trẻ sơ sinh trên tay mẹ và đặt tên tranh là Ngủ ngon A kay, gợi nhớ bài hát Lời ru trên nương trước đây của nhạc sĩ Trần Hoàn (phổ nhạc từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm).

“Tôi vẽ với sự dâng trào cảm xúc, suy tư về nhân sinh quan và sự mong manh của thân phận con người trong thế kỷ mới với những lo toan, bất trắc. Tôi chọn màu tím chủ đạo để thể hiện thời dịch bệnh, nhiều tang thương song cũng là màu thủy chung và thể hiện dòng đời của con người phiêu bạt như mây trôi!” - Lê Sa Long bộc bạch.

* Họa sĩ Nguyễn Minh Hải: “Mong mọi việc sẽ tốt lên”

Nữ họa sĩ trẻ Minh Hải (người vẽ và thiết kế tranh bìa cho những bộ sách của Bà Tùng Long, Sơn Nam, Mạc Can, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy... được bạn đọc yêu thích) bắt đầu vẽ về chủ đề Covid-19 khi chị có một người bạn là bác sĩ đang tham gia phòng, chống dịch. Bức tranh có hình ảnh rất quen thuộc và tiêu biểu trong thời dịch: nhân viên y tế trong màu áo xanh bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân được Minh Hải vẽ với lời nhắn gửi chân thành: “Cảm ơn các đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên rất nhiều. Mong mọi việc sẽ tốt lên”.

Lấy mẫu xét nghiệm
Lấy mẫu xét nghiệm

Họa sĩ Minh Hải cũng vẽ những poster khổ lớn với nhiều thành phần nơi tuyến đầu đã “quên mình chống dịch” trong thời gian dài: đông đảo lực lượng y bác sĩ ngày đêm cứu chữa bệnh nhân Covid-19; các mạnh thường quân giúp đỡ thực phẩm cho người khốn khó nơi Sạp rau 0 đồng, Quán cơm từ thiện; lực lượng tình nguyện viên, chiến sĩ; hình ảnh nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc phục vụ người dân ở khu cách ly…

Thông điệp trên tranh giản dị mà rõ nghĩa: “Cùng chung tay phòng, chống Covid-19” được thể hiện với lời cầu chúc mà ai cũng mong muốn “Sài Gòn mau khỏe” được đưa vào tranh rất tự nhiên, tạo thiện cảm và tác động tích cực nơi người xem trong thời gian nhiều thử thách này.

Long Khánh

Tin xem nhiều