Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện dã chiến

08:09, 03/09/2021

Lời nói thoảng qua trên đầu Tư, nhưng vẫn còn vương vấn mãi trong phòng cấp cứu dã chiến. Đến khi anh mở được mắt ra thì bóng người bé nhỏ ấy đã đi mất.

- Anh ơi, cố mà dậy ăn sáng, uống thuốc nhé!

Lời nói thoảng qua trên đầu Tư, nhưng vẫn còn vương vấn mãi trong phòng cấp cứu dã chiến. Đến khi anh mở được mắt ra thì bóng người bé nhỏ ấy đã đi mất. Cô y tá, không rõ là quê ở Nam Định hay Hải Dương được điều động vào Nam chống dịch, là người đã đưa Tư vào đây. Cô ấy nhỏ người, nhỏ hơn cả Mai - vợ cũ của Tư, giọng vẫn rất trẻ con, nhưng một mình cô ấy đã đặt Tư lên chiếc giường có bánh xe rồi đẩy chạy như bay từ khu cách ly sang khu cấp cứu, thay vì đợi đội cấp cứu của bệnh viện sang nhận bệnh nhân. Tư nhớ như in khoảnh khắc ấy, khi bệnh đột ngột trở nặng khiến anh cho rằng mình sắp tắt thở rồi. Việc cô y tá cứu Tư là do con trai bệnh nhân cùng phòng kể lại, hai bố con bác ấy đều bị nhiễm Covid nhưng anh con trai khỏe hơn, nên vừa điều trị vừa chăm sóc bố. Nghe nói cô y tá bị quở trách vì không làm đúng y lệnh, nhưng ai cũng thương khi nghe cô giải thích việc cứu Tư: “Bệnh anh ấy chuyển biến nhanh quá nên em không chờ được. Còn khả năng phơi nhiễm thì một người hay cả đội cũng đều có nguy cơ cao…”.

Minh họa: Công Hoàng
Minh họa: Công Hoàng

Tư cố ngồi dậy. Một cảm giác ớn lạnh tràn ngập cơ thể, khiến anh trào nước mắt, cổ họng và cả cái đầu đều đau cứng như muốn phản đối hộp cháo trên tay anh. 

Tư nhìn qua giường bên, anh con trai đang đút cháo cho bố. Ông bố lắc đầu nguầy nguậy nhưng anh con trai vừa dỗ dành, vừa kiên quyết bắt bố nuốt.Thấy Tư đã ngồi dậy, anh gọi to lên:

- Anh cố ăn đi, nuốt không được cũng phải nuốt. Không được phụ lòng cô ý tá xinh đẹp đã cứu mạng anh đó nghe.

Tư cười buồn, đôi môi thâm tím méo xệch, cố nén cơn quay cuồng ớn lạnh toàn thân. Toàn bộ cán bộ y tế ở đây đều mặc đồ bảo hộ, đeo kính kín mít, làm sao biết được cô gái kia dung mạo thế nào. Đôi lần gặp cô trong lúc tỉnh táo, cô làm Tư nhớ đến Mai, người con gái đã từng mang đến cho anh biết bao niềm tin và hạnh phúc trong cuộc đời này; để rồi khi Mai ôm đứa con ra đi, thế giới của anh hoàn toàn sụp xuống. Cô ấy cứu mạng anh, đúng là như thế, nhưng làm sao dám chắc anh thoát khỏi tử thần khi chỉ trong vòng 24 giờ, anh đã mấy lần “chết đi sống lại” theo nghĩa đen. Ống thở oxy và dây nhợ lằng nhằng khiến Tư thêm chán nản. Anh đã phó mặc cho số phận khi biết bệnh phổi của mình là một thứ “bệnh nền” nguy hiểm. Thật là buồn, nhưng đây là lúc Tư cảm thấy bình yên nhất, mặc cho cơn đau của cơ thể giày vò làm tê liệt cả trí não của anh.

Tư lại nằm dài xuống giường bệnh. Hai bố con bên kia vẫn còn vật lộn với việc ăn và uống thuốc. Tia nắng vắt lên cửa kính rồi cũng đã lùi đi, để lại khoảng không trắng xóa. Tư đang ở bệnh viện dã chiến vốn là một trường đại học. Mai mà biết điều này, chắc sẽ bĩu môi cho xem: “Cái người không biết chữ mà bày đặt vào trường đại học”... Nghĩ đến đây, Tư vội xua đuổi cái ý nghĩ vớ vẩn ra khỏi đầu mình. Dù gì thì thằng con đã mười tuổi, gần chừng đó năm chia tay rồi, sao anh cứ phải cay cú với vợ cũ?!

Điện thoại reo lên trên đầu Tư, cũng chỉ là những âm thanh mơ hồ, thoảng qua. Anh nằm thiêm thiếp, không sao với tay cầm lấy điện thoại được. Rồi cơn mệt mỏi khiến anh buông xuôi, mắt nhắm lại nhưng miệng há hốc ra để thở. Người con trai của bệnh nhân cấp cứu bên cạnh có lẽ quá sốt ruột nên chạy lại, cầm điện thoại đặt vào tay anh:

- Này! Anh nghe đi.

- Ai gọi tôi thế, nhìn giúp tôi…

- Số không lưu tên anh ạ!

Thời gian trôi qua, phải bao nhiêu lượt gọi Tư mới tiếp được cú điện thoại. Giọng nói lo lắng bên đầu dây làm anh sửng sốt: “Mẹ! Sao mẹ biết mà gọi con?...”. Người gọi chính là mẹ vợ của anh.

- Mẹ đọc báo thấy danh sách bệnh nhân có người rất giống tên con, dù người ta viết tắt nhưng mẹ đoán là con đấy con à. Vậy là con đã tỉnh lại rồi hả con? Bạn con không gọi được cho con, cái cô Hoa gì đó, cô ấy cũng lo cho con lắm. Mấy hôm nay thằng con của con nó sợ lắm, nó khóc mãi con biết không? (...). Sao con không nói gì thế hả con? Con phải cố gắng mà sống, con còn một đứa con trai đấy con à. Mẹ hàng ngày đều tụng kinh, cầu nguyện xin cho con tai qua nạn khỏi, để con con không phải sống cảnh mồ côi…”.

Tư nhắm mắt, thở dốc, điện thoại trượt khỏi tay, nước mắt trôi trên má anh nóng bỏng. Lâu lắm rồi anh mới nghe thấy giọng nói của mẹ vợ, dù có run rẩy, thều thào hơn trước nhiều nhưng anh vẫn nhận ra. Bố và mẹ vợ anh thương anh mồ côi, gả con gái cho, giúp tiền cho anh thuê xe làm ăn, nuôi cả đứa con trai bé bỏng của anh… Họ làm tất cả cho đến lúc bố vợ anh nhắm mắt xuôi tay, vợ anh bỏ đi, liên lạc dần dần bị cắt đứt… Không biết bằng cách nào mà mẹ vợ cũ tìm được anh trong lúc anh đau đớn đến thế này. Có lẽ bà cũng hiểu lầm anh...

- Tư ơi, con không được buông xuôi, con của con bé bỏng, đáng thương lắm. Con phải sống cho con của con nữa, rồi một ngày nào đó, con Mai sẽ phải xin lỗi con…

Tư cố gắng thều thào: “Con cảm ơn mẹ, con sẽ cố gắng!”. Nhưng giọng nói và cả tâm can anh lúc này đều không thành tâm như lời nói. Tư nhớ những lần hiếm hoi được gặp con trai, nó đu lên càng xe, bắt chước “lơ xe” dọn hàng rau củ quả cho cha. Tư hỏi gặp ba có thích không thì nó gật đầu lia lịa, nhưng hỏi mẹ có cho đi xe với ba không thì nó im lặng ngó lơ.

***

Điện thoại lại đổ dồn, và tái diễn việc cậu trai ấn điện thoại vào tay Tư: “Nghe đi, người gọi tên Hoa!”. Anh miễn cưỡng đưa nó lên tai. Chị Hoa cũng hệt như mẹ vợ cũ của Tư, giọng chị đầy xót xa, lo lắng: “Tư, sao em bị bệnh mà khóa điện thoại, làm chị không biết em sống chết thế nào… Tại chị mà em bị bệnh, chị sợ lắm em biết không. Anh em ngoài này may không ai sao cả, chị cũng khỏe rồi, chỉ lo cho em thôi. Tình hình này chắc em thoát được cửa tử rồi, cố gắng ăn ngủ để lấy lại sức nghe em. Đừng lo gì cả, em là người tốt, ông trời sẽ phù hộ cho em…”

Cú điện thoại làm Tư mỉm cười, nhưng không khỏi chán nản, bởi cả đội thiện nguyện của anh đều đi vào vùng dịch, nhưng đều khỏe mạnh. Chỉ có mỗi chị Hoa ngồi trên cabin cùng với Tư, chị lây bệnh từ bạn hàng và lây bệnh cho Tư, nhưng chị cũng khỏi nhanh như thể bị cúm vặt thôi. Tự trong thâm tâm, Tư nghĩ nếu mình gánh đỡ dịch bệnh cho mọi người thì cũng tốt, vì chị Hoa là mạnh thường quân, không có chị thì không có hàng đi hỗ trợ bà con; những tên trai trẻ kia, chúng nó thanh xuân phơi phới, chỉ có Tư là bệnh ngập đầu, chẳng còn tương lai gì cả. Nhưng chị cũng nhắc đến thằng con trai làm cho lòng anh đau xót. Có phải mình nông nổi, mình không biết thương mình?...

Buổi sáng tiếp diễn khi không khí xung quanh đặc quánh, Tư sốt nóng hầm hập mà hộp cháo vẫn còn nguyên. Điện thoại một lần nữa reo lên và cũng lê thê chờ đợi. Anh con trai của bệnh nhân cùng phòng nhặt cái điện thoại lên, giục Tư: “Nghe đi anh, chị Mai vợ anh gọi đó!”.

Đúng là Mai bên kia đầu dây, Tư không biết Mai nói gì, chỉ nghe giọng nói thổn thức và tiếng khóc. Tư thều thào: “Anh mệt lắm, để lúc nào khỏe anh gọi”.

***

Ba tuần sau, Tư vui vẻ khoác lên người bộ đồ bảo hộ y tế và ra bãi xe nhận nhiệm vụ. Mấy anh em cùng đội xe lén ghi sau lưng anh: “Tư cô đơn”. Anh giơ tay chào những người bác sĩ, y tá trẻ măng trên tầng hai của trường học, mà không rõ trong đó có cô y tá đã chăm sóc mình gần cả tháng trời không. Điện thoại reo lên, anh mở ra nói vội:

- Con khỏe rồi mẹ ơi, con sẽ gọi về cho mẹ và thằng nhóc sau nhé!

- Ba! Là con đây, con mượn điện thoại của bà ngoại gọi cho ba đó. Ba đang làm gì, đã ăn sáng chưa?

- Ba ăn rồi! - mắt Tư vụt sáng lấp lánh - Giờ ba khỏe rồi, ba đi chở hàng phụ cho bệnh viện và chăm sóc những người bị bệnh giống như ba trước đây đó con!

- Dạ… - thằng con kéo dài giọng vẻ sung sướng tự hào, nhưng rồi lại tỏ ra hốt hoảng: Ba ơi, ba khỏe rồi thì phải ở trong khu cách ly chứ, sao ba ra ngoài lỡ lây bệnh cho người khác thì sao?!

- Con yên tâm - Tư suýt phì cười, vội giải thích cho con trai hiểu: Ba vẫn tuân thủ cách ly phòng dịch, nhưng vì ba biết lái xe cẩu nên bệnh viện đặc cách cho ba làm việc, phụ chở hàng trong khuôn viên bệnh viện. Xe của ba có thể đưa thiết bị y tế lên tầng lầu vì trường học không có thang máy đó, con biết không!

 Truyện ngắn của Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều