Báo Đồng Nai điện tử
En

Bữa cơm công nhân thời dịch

09:09, 17/09/2021

Do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến đời sống khó khăn, nhiều người phải cân nhắc kỹ càng hơn trong chi tiêu. Đặc biệt, những công nhân lao động bị tạm ngừng việc, lao động tự do bị mất việc làm, không còn thu nhập, bình thường đã phải tính toán tiết kiệm, nay còn dè sẻn hơn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến đời sống khó khăn, nhiều người phải cân nhắc kỹ càng hơn trong chi tiêu. Đặc biệt, những công nhân lao động bị tạm ngừng việc, lao động tự do bị mất việc làm, không còn thu nhập, bình thường đã phải tính toán tiết kiệm, nay còn dè sẻn hơn.

Niềm ước mong của chị Lê Thị Khuyên, công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) cũng như chị em công nhân lao động là dịch bệnh sớm bớt căng thẳng để được đi làm lại, ổn định cuộc sống. Ảnh: NVCC
Niềm ước mong của chị Lê Thị Khuyên, công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) cũng như chị em công nhân lao động là dịch bệnh sớm bớt căng thẳng để được đi làm lại, ổn định cuộc sống. Ảnh: NVCC

Nhiều người bộc bạch, họ vẫn còn có thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, chủ nhà trọ, hàng xóm... Nhưng để chủ động được cuộc sống của chính mình, họ phải tự thắt chặt chi tiêu, dè sẻn từng lon gạo, mớ rau để chờ ngày được đi làm bình thường trở lại và có thu nhập.

* Tiết kiệm để vượt qua khó khăn

Hơn 2 tháng nay, chị Lê Thị Khuyên (quê ở tỉnh Thanh Hóa) làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) phải tạm nghỉ việc ở nhà tại TP.Biên Hòa vì nơi tạm trú bị phong tỏa. Còn chồng chị làm nghề thợ hồ đã thất nghiệp trước đó gần 1 tháng.

Chị Khuyên chia sẻ: “Không phải đến lúc dịch bệnh khó khăn như lúc này, tôi mới tính toán chuyện dè sẻn chi tiêu, mà đó đã là thói quen từ trước. Nhưng đến thời điểm này, phải thắt chặt hơn nữa, cắt giảm hết mức, thậm chí phải chia từng lon gạo, mớ rau từng ngày. Bởi tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng hơn 2 tháng qua, chỉ còn khoảng 8 triệu đồng, bằng gần 1/4 so với bình thường”.

Cũng bởi vậy nên “khi thì hai vợ chồng ăn đại chén cơm với bát canh, có bữa chiên quả trứng hay miếng đậu hũ. Lâu lâu được chủ nhà trọ, mạnh thường quân, người dân xung quanh hỗ trợ, được “ăn sang” thêm chút thịt, cá, gà…” - chị Khuyên bộc bạch.

Với chị Khuyên, như thế không có gì là kham khổ, điều khiến chị khổ tâm và buồn nhất là còn 4 người con chị gửi ông bà nội ngoại ở quê nhà, 2 tháng nay không có tiền để gửi về. Tiền học hành, sách vở của các con đầu năm học mới, chị đành nhờ người thân vay mượn giúp để chăm lo cho các con.

Chị Khuyên cho biết thêm, xóm trọ của chị có 20 phòng, thì có 6 phòng có công nhân lao động đang vào làm việc “3 tại chỗ” tại công ty, 14 phòng còn lại, phần lớn là các gia đình đều đang có hoàn cảnh tương tự như chị. Để chia sẻ khó khăn với công nhân, chủ nhà trọ đã giảm 50% tiền phòng/tháng. Cùng với đó, còn chủ động liên hệ với chương trình Nghĩa tình Công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh, các mạnh thường quân để có thêm nhiều sự hỗ trợ cho chị và các anh chị em trong xóm trọ.

“Được nhiều người giúp đỡ, cộng thêm bản thân mình tự cố gắng sắp xếp, gói ghém, tôi tin vợ chồng mình cũng sẽ cầm cự vượt khó qua đợt dịch. Chỉ cầu mong dịch bệnh được kiểm soát, công nhân chúng tôi được đi làm trở lại, có thu nhập để trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con. Còn giờ ăn uống kham khổ thế nào cũng không thành vấn đề” - chị Khuyên trải lòng.

* Chỉ mong sớm được đi làm trở lại

Công nhân Nguyễn Ngọc Song, quê ở Nghệ An, tạm trú tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của anh là làm công việc hàn xì tại các công trình. Nếu như bình thường, mỗi ngày anh có 400 ngàn đồng tiền công thì suốt hơn 60 ngày qua, vì dịch bệnh, phải quanh quẩn trong phòng trọ, thu nhập của anh về con số 0. Anh đành cắt xén dần số tiền dành dụm được từ mấy tháng trước để sinh hoạt.

Để chia sẻ bớt khó khăn với công nhân lao động, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân thường xuyên tổ chức các hoạt động trao tặng quà. Trong ảnh: Thiền tự Phước Quang (H.Long Thành) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương tặng quà cho công nhân lao động nhà trọ thất nghiệp trên địa bàn huyện
Để chia sẻ bớt khó khăn với công nhân lao động, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân thường xuyên tổ chức các hoạt động trao tặng quà. Trong ảnh: Thiền tự Phước Quang (H.Long Thành) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương tặng quà cho công nhân lao động nhà trọ thất nghiệp trên địa bàn huyện

“Ngồi ở nhà, không đi làm lòng nóng như lửa đốt. 8 tháng năm nay coi như chẳng được đồng tích cóp nào. Bởi vậy, tôi cũng không dám ăn uống hay chi tiêu “thoáng hơn” như trước. Anh bạn cùng phòng đã vào công ty làm “3 tại chỗ”. Chỉ còn lại một mình, tôi chọn cách cắt bữa sáng, bữa trưa đôi khi chỉ có gói mì, bữa tối cũng ăn đơn giản để tiết kiệm. Chỉ còn ít tháng nữa là hết năm, ước mong sao cho dịch bệnh dịu đi, không còn phong tỏa, giãn cách được nới lỏng để cuộc sống được trở lại bình thường, được đi làm” - anh Song bày tỏ.

Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Điệp, quê ở Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty TNHH Jiangsu Jing Meng Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cũng có hoàn cảnh tương tự.

Vào công ty làm việc chưa lâu, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến 2 vợ chồng phải nghỉ việc ở nhà hơn 2 tháng nay. Bữa cơm với đôi vợ chồng trẻ chỉ đơn giản là có gì ăn nấy, càng tiết kiệm càng tốt để chờ đến ngày được đi làm trở lại.

Theo anh Điệp, những khó khăn do dịch bệnh gây nên với tất cả mọi người là điều thấy rõ. Nhưng đối với những người công nhân, lao động tự do, nhất là những người xa quê, phải ở trọ như anh thì vất vả ấy lại tăng hơn nhiều lần. Lý do là bởi thu nhập còn thấp, trong khi đó còn phải trang trải chi phí nhà trọ, sinh hoạt, lo cho con… nên gần như không có dư. Nhiều người có con nhỏ thậm chí còn phải xoay xở vay mượn thêm. Số người có thể dành dụm được một khoản nào đó hằng tháng cũng không phải nhiều.

Anh Điệp bộc bạch: “Nếu dịch bệnh không đến mức như thế này, có lẽ chúng tôi đã dành dụm thêm một khoản để chuẩn bị cho việc sinh con, thay vì lại phải lấy số tiền tiết kiệm ít ỏi mấy tháng qua để chi tiêu cho việc ăn uống hằng ngày. Mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, điều hành, có các giải pháp để sớm đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ cho đời sống việc làm của người lao động. Qua nắm bắt thông tin trên báo và mạng xã hội chia sẻ, tôi được biết là tỉnh nhà đang dự diến từ 0 giờ ngày 20-9 tới đây, sẽ triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới, “vùng xanh” sẽ “bình thường mới”… Đó thật sự là một tín hiệu rất vui, tiếp thêm niềm tin cho người dân, công nhân về việc sớm được đi làm bình thường trở lại, cuộc sống mới đang dần tới”…

Chị NEANG MAO, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, trọ tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu bộc bạch: “Công nhân lao động chúng tôi khó khăn hơn trong dịch bệnh, nên phải dè sẻn, thậm chí đôi khi là tằn tiện hơn là điều tất nhiên. Nhưng trong khó khăn ấy, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự quan tâm, san sẻ phần nào từ các cấp địa phương, từ mạnh thường quân, chủ nhà trọ, của người dân xunh quanh bằng tiền, gạo, quà, rau thịt… Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần và cả vật chất giúp công nhân xa quê như chúng tôi ấm lòng hơn. Mong sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để chúng tôi bớt khó khăn hơn trước đại dịch, sớm ổn định cuộc sống trở lại”.

Thảo Lâm

 

Tin xem nhiều