Trên khắp thế giới, cung điện và lâu đài đóng một vai trò quan trọng, hấp dẫn trong việc kể về lịch sử phong phú của từng quốc gia, khu vực.
Trên khắp thế giới, cung điện và lâu đài đóng một vai trò quan trọng, hấp dẫn trong việc kể về lịch sử phong phú của từng quốc gia, khu vực.
Từ một lâu đài của Đan Mạch được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn tàn khốc đến một pháo đài của Nhật Bản mang vẻ đẹp thiên nhiên đều chứa đựng những câu chuyện phong phú tiết lộ chiến thắng cũng như bi kịch của người cai trị; thể hiện lối kiến trúc công phu và vượt thời gian.
* Lâu đài Matsumoto, Nhật Bản
Lâu đài Matsumoto được gia tộc Ogasawara xây dựng vào năm 1504 như một pháo đài để chống lại những kẻ xâm lược. Chỉ vài năm sau khi hoàn thiện, pháo đài đã bị vị lãnh chúa quyền lực Takeda Shingen đánh chiếm. Trong suốt chiều dài lịch sử và nhiều lần thay đổi chủ nhân, lâu đài Matsumoto ngày nay có cấu trúc cao ba tầng với những bức tường và mái nhà màu đen khiến nó có biệt danh là Lâu đài Quạ.
Khoảng năm 1872, lâu đài này đứng trước nguy cơ bị dỡ bỏ để xây dựng các tòa nhà và khu phức hợp hiện đại. Tuy nhiên, người dân Matsumoto phản đối và cuối cùng lâu đài được giữ lại để bảo tồn. Hiện lâu đài Matsumoto chính thức được công nhận là quốc bảo của Nhật Bản. Đây cũng là một trong những lâu đài cuối cùng của các daimyōs (lãnh chúa phong kiến Nhật Bản) còn tồn tại đến ngày nay.
* Lâu đài Bojnice, Slovakia
Dựa trên các văn bản ghi chép được tìm thấy tại tu viện Zobor (TP.Nitra, Slovakia), lâu đài với phong cách Romanesque có thể đã được xây dựng vào năm 1113, ban đầu được làm bằng gỗ và dần dần được thay thế bằng các phiến đá. Đến thế kỷ XII, lâu đài được tân trang mang nhiều nét kiến trúc thời kỳ Gothic và Phục hưng.
Các chủ nhân lâu đài Bojnice thay phiên nhau sở hữu và liên tục cải tạo cả trong lẫn ngoài và chủ nhân cuối cùng là bá tước János Ferenc Pálffy. Bị thu hút mãnh liệt bởi những tòa lâu đài lãng mạn tại thung lũng Loire (Pháp), bá tước János đã tìm cách cải tạo nơi này theo ý thích của ông với nhiều bộ sưu tập đồ cổ, thảm trang trí và tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ.
Với diện mạo đầy mê hoặc, lâu đài Bojnice đã trở thành một trong những lâu đài thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới.
* Lâu đài Château de Chenonceau, Pháp
Bao quanh bởi một khu vườn diễm lệ được chăm chút cẩn thận, lâu đài Château de Chenonceau đẹp nên thơ bên dòng sông Cher. Lâu đài được xây dựng vào thể kỷ XI, chính nàng Diane de Poitiers, tình nhân của Vua Henry II, đã ra lệnh cho kiến trúc sư Philibert de l’Orme xây thêm cây cầu hình vòm trong tòa lâu đài.
Từ người phụ nữ quyền lực này đến người phụ nữ quyền lực khác, Thái hậu Catherine de ‘Medici đã biến nơi đây trở thành địa điểm yêu thích nhất của bà sau khi Vua Henry II chết vào năm 1559. Biết bao đêm Thái hậu Catherine làm say lòng những vị khách ghé thăm lâu đài bằng phòng trưng bày đồ sộ cùng cách bài trí tiệc tùng khéo léo của bà.
Lâu đài Château de Chenonceau đã bị thiệt hại nặng nề trong Thế chiến thứ 2. Năm 1951, gia tộc Menier đã nhờ kiến trúc sư Bernard Voisin đến tu sửa và trả lại hiện trạng tuyệt diễm vốn có của khu vườn và tòa lâu đài.
* Cung điện Pena, Bồ Đào Nha
Chịu ảnh hưởng của phong cách Baroque Trung Đông và châu Âu, cung điện quốc gia Pena thể hiện sự tinh tế đầy màu sắc và dị biệt của Bồ Đào Nha ở thế kỷ XIX. Vua Ferdinand II đã cho xây dựng lâu đài này trên một ngọn đồi ở dãy núi Sintra để làm nơi nghỉ dưỡng vào mùa hè cho Hoàng gia Bồ Đào Nha. Màu sắc được trang hoàng rực rỡ nhờ tháp đồng hồ màu đỏ, cung điện màu vàng. Gia đình hoàng gia sử dụng cung điện Pena cho đến năm 1910.
Sau nhiều năm bị hư hỏng, lâu đài cuối cùng đã được phục hồi vào thế kỷ XX và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Ngày nay, du khách có thể đi bộ dọc lên ngọn đồi xanh tốt để khám phá những lối kiến trúc độc đáo khác nhau, góp phần tạo nên tổng thể cung điện Pena.
* Lâu đài Frederiksborg, Đan Mạch
Nằm trên 3 cù lao nhỏ thuộc hồ Castle, lâu đài Frederiksborg được xây dựng như một biểu tượng cho quyền lực của Vua Christian IV với tư cách là người cai trị cả Đan Mạch và Na Uy. Trước khi cấu trúc nguyên bản của tòa lâu đài bị phá hủy do một trận hỏa hoạn vào năm 1859, lâu đài được xây dựng từ thời kỳ Phục hưng này từng là nơi ở chính thức của hoàng gia trong hơn 100 năm.
Sau trận hỏa hoạn, chỉ còn nhà nguyện và khán phòng, một cuộc quyên góp tiền trên toàn quốc đã được tổ chức để gây quỹ xây dựng lại cung điện. Sau khi gia đình hoàng gia quyết định chuyển đến nơi ở mới, lâu đài Frederiksborg đã được mở cửa trở lại vào năm 1878 với tên gọi Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Lâu đài hiện là một viện bảo tàng nổi tiếng minh họa lịch sử Đan Mạch thông qua bộ sưu tập ấn tượng hoặc những bức chân dung, bức tranh lịch sử và cả kiến trúc.
* Lâu đài Windsor, Anh
Lâu đài Windsor được công nhận là tòa lâu đài có người ở lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Nơi đây thuộc sở hữu của Hoàng gia Anh trong suốt 900 năm qua. Công tước xứ Normandy - William the Conqueror bắt đầu xây dựng lâu đài Windsor vào khoảng năm 1070 với mục đích vừa là nơi ở vừa là pháo đài để bảo vệ con đường dẫn đến phía Tây London.
Nhiều vị vua đã tu sửa lâu đài Windsor theo ý riêng, kể cả Nữ hoàng Victoria I, bà đã xây thêm nhà nguyện của riêng mình. Năm 1992, một trận hỏa hoạn đã tàn phá nhà nguyện và 100 phòng bị hư hại hoặc phá hủy. Phải đến 5 năm sau, lâu đài mới được khôi phục hoàn toàn như ban đầu.
Lâu đài Windsor hiện vẫn là nơi yêu thích của Hoàng gia Anh. Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip thường đến lâu đài yên tĩnh này để nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần.
* Lâu đài Schwerin, Đức
Những dấu vết đầu tiên được phát hiện cho thấy lâu đài Schwerin được xây dựng vào năm 942. Mãi đến năm 1847, khi đại công tước Friedrich Franz II ủy quyền cho kiến trúc sư Georg Adolf Demmler cải tạo toàn bộ, lâu đài mới có diện mạo hoàn chỉnh như ngày nay, mang phong cách hiện đại dựa trên kiến trúc và nét di sản tuyệt đẹp của quá khứ.
Lâu đài mang đậm giá trị lịch sử này hiện là một trong những lâu đài nổi tiếng nhất ở Đức với 653 phòng, trong đó có phòng bảo tồn chiếc ngai vàng, được trang trí bằng đá cẩm thạch Carrara với cửa sắt mạ vàng và phòng trưng bày di sản của gia tộc.
Minh Huyền (biên dịch theo veranda.com)