Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chiến sĩ công an tình nguyện vào tâm dịch

07:09, 25/09/2021

Trong những ngày qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) công an, học viên của các đơn vị, trường, học viện chuyên ngành công an ở các tỉnh, thành khác được Bộ Công an tăng cường tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Ðồng Nai.

Trong những ngày qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) công an, học viên của các đơn vị, trường, học viện chuyên ngành công an ở các tỉnh, thành khác được Bộ Công an tăng cường tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Ðồng Nai.

Học viên Học viện An ninh nhân dân (TP.Hà Nội) chuẩn bị hành lý trước giờ xuống địa bàn cơ sở nhận nhiệm vụ. Ảnh: Trần Danh
Học viên Học viện An ninh nhân dân (TP.Hà Nội) chuẩn bị hành lý trước giờ xuống địa bàn cơ sở nhận nhiệm vụ. Ảnh: Trần Danh

Tất cả đều thực hiện nghiêm sự phân công nhiệm vụ của Công an tỉnh Ðồng Nai, sẵn sàng đi vào tâm dịch để chung tay với các địa phương sớm ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

* Khắc phục khó khăn, một lòng hướng về tâm dịch

Ðược bổ sung vào lực lượng tuyến đầu chống dịch của Công an Ðồng Nai, các CB-CS, học viên công an đến từ các tỉnh, thành khác đã được giao nhiệm vụ trực tại các chốt kiểm soát giao thông, khu phong tỏa, khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Các điểm này có thể được xem là những “lá chắn” quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Ðồng Nai.

Theo Công an tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, lực lượng công an sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn về lực lượng khi vừa làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Ðược tăng cường về xã Thạnh Phú, vùng tâm dịch của H.Vĩnh Cửu, để tham gia công tác phòng, chống dịch, trung úy Ðỗ Văn Ðiệp, học viên lớp B1LC2, Học viện An ninh nhân dân (TP.Hà Nội) cho biết, những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại địa phương, anh không khỏi bỡ ngỡ, lạ lẫm. Tuy nhiên, ngay sau đó anh và 31 học viên trong lớp đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, làm quen với mọi hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

“Phần lớn các học viên trong lớp tình nguyện tham gia chống dịch lần này đều quê ở các tỉnh, thành phía Bắc. Lần đầu tiên vào Nam, lại trực tiếp xuống ngay địa bàn, gặp gỡ người dân địa phương nên thời gian đầu, một số tình nguyện viên gặp trở ngại trong giao tiếp. Bù lại, các học viên trong lớp được các cán bộ, công an địa phương và người dân nhiệt tình giúp đỡ nên nhanh chóng thích nghi” - trung úy Ðiệp kể.

Trung úy Ðiệp cho biết thêm, hằng ngày, anh cùng với công an và lực lượng dân quân địa phương tham gia trực chốt tại các khu phong tỏa. Là “điểm nóng” về dịch nên mọi hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc giải thích, thuyết phục người dân chấp hành các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; cũng như đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Anh cùng đồng đội xác định phải quyết tâm vượt khó để chung tay với chính quyền và người dân sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Cũng đang làm nhiệm vụ tuần tra phòng dịch tại xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), trung úy Trần Hai Toàn, Bí thư Chi đoàn lớp B2LT12, Học viện An ninh nhân dân cho biết, mỗi ngày ngoài thời gian trực chốt kiểm dịch với lực lượng Công an xã, anh còn tham gia các tổ tuần tra cơ động trên địa bàn.

Trung úy Toàn cho biết, có trực tiếp “chiến đấu” tại cơ sở mới thấy hết khó khăn của lực lượng công an địa phương trong những ngày cao điểm chống dịch. Họ hầu như không có nhiều thời gian nghỉ ngơi; làm việc, sinh hoạt trong điều kiện còn nhiều khó khăn; thời tiết nắng mưa thất thường nhưng mọi người vẫn động viên nhau cố gắng kiểm soát chặt địa bàn, để từng bước ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

* Gác việc riêng vì nhiệm vụ chung

Trong thời gian tham gia chống dịch tại Ðồng Nai, có 2 học viên của Trường cao đẳng An ninh nhân dân 1 (cơ sở phía Nam) thuộc Bộ Công an đã phải nén nỗi đau mất người thân nơi quê nhà để tiếp tục ở lại Ðồng Nai thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Ðó là 2 học viên Lê Hoài Bảo, lớp C8-K52S và Trần Thảo Vạn An, lớp C6-K52S.

Trung úy Đỗ Văn Điệp, học viên Học viện An ninh nhân dân (TP.Hà Nội) tham gia trực chốt, kiểm soát việc đi lại của người dân tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Trần Danh
Trung úy Đỗ Văn Điệp, học viên Học viện An ninh nhân dân (TP.Hà Nội) tham gia trực chốt, kiểm soát việc đi lại của người dân tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Trần Danh

Vào cuối tháng 8-2021, khi đang tham gia trực chốt phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát số 6, đường Võ Nguyên Giáp (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa), anh Lê Hoài Bảo bất ngờ nhận được tin cha ruột qua đời ở quê nhà (TP.Cần Thơ). Vì nhiệm vụ chưa xong, dịch bệnh lại đang diễn biến phức tạp nên anh quyết định ở lại để tiếp tục công việc.

Anh Bảo tin rằng, cha của anh nơi chín suối và gia đình luôn hiểu, thông cảm với quyết định của anh. Vì đối với cha anh, nguyên cán bộ công an Công an TP.Cần Thơ, việc anh trở thành chiến sĩ công an luôn là niềm tự hào. Do đó, anh luôn sẵn sàng tâm thế hoàn thành tốt nhiệm vụ khi Tổ quốc, nhân dân cần. Khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhiệm vụ hoàn thành, anh sẽ sớm trở lại quê nhà dâng hương cho cha yên lòng nơi chín suối.

Tương tự, anh Trần Thảo Vạn An, đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát số 4 (trên quốc lộ 51 thuộc địa bàn P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cũng tạm gác nỗi đau mất cha để cùng đồng đội tiếp tục bám chốt thực hiện tròn nhiệm vụ của một tình nguyện viên trong tuyến đầu chống dịch.

Anh Trần Thảo Vạn An chia sẻ, tại đây, anh được lãnh đạo Công an tỉnh Ðồng Nai, Ban giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương lập bàn thờ vọng cho anh bái vọng cha; đồng thời chia sẻ nỗi mất mát này nên anh rất xúc động và nguyện sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, để cùng chính quyền địa phương chiến thắng đại dịch.

Trong thời gian qua, 70 học viên của Trường cao đẳng An ninh nhân dân 1 tình nguyện tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các học viên được chi viện về cho công an các địa phương để tham gia trực chốt, kiểm soát phòng dịch và một bộ phận được phân công tham gia công tác hậu cần tại Công an tỉnh để chăm lo bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thiếu úy Nguyễn Thu Hà, học viên lớp B1LC2, Học viện An ninh nhân dân (đang được tăng cường về Phòng Hậu cần Công an tỉnh) cho biết, ngày khoác ba lô lên đường vào các tỉnh phía Nam, chị và các bạn cùng lớp đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi. Từ chiếc chăn, cái chiếu đến từng món đồ cá nhân đều được chuẩn bị sẵn.

 “Chúng tôi xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì theo phân công của tổ chức để góp sức chống dịch. Chính vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho cuộc sống dã chiến trong vùng tâm dịch” - thiếu úy Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Thiếu úy Nguyễn Thu Hà cho biết, hằng ngày chị và các học viên phải dậy sớm để chuẩn bị từ bữa ăn sáng đến suất ăn khuya cho các CB-CS tham gia tuyến đầu chống dịch. Công việc khá nhiều và hầu như không có thời gian rảnh rỗi nhưng đôi lúc chị cũng rất nhớ nhà. Vì trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đến nay, chị chưa về thăm nhà. Chị mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, Ðồng Nai cùng cả nước sớm trở lại trạng thái “bình thường mới” và chị cùng các bạn về thăm nhà và được trở lại trường học tập...

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường nguồn nhân lực đáng kể cho Công an Đồng Nai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Lực lượng được tăng cường này đã và đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại hàng ngàn chốt kiểm soát, tổ tuần tra lưu động, tổ truy vết, các khu phong tỏa, cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Sự đóng góp của các CB-CS, tình nguyện viên sẽ góp phần quan trọng giúp Đồng Nai từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trần Danh

Tin xem nhiều