Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM, là chuyên gia về pháp chế, tư vấn hội nhập thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM |
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM, là chuyên gia về pháp chế, tư vấn hội nhập thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.
Ông từng chủ trì, tham gia nhiều chương trình, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN), hiệp hội tại các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy tới hội nhập quốc tế
Thưa ông, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thế giới, tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế. Hệ lụy mà dịch Covid-19 tác động đến cộng đồng DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, trong thời gian qua ra sao?
- Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai - các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Một trong những hệ lụy lớn nhất mà đại dịch Covid-19 tác động đến cộng đồng DN là số lượng DN rút khỏi thị trường tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 85,5 ngàn DN.
Trong đó, các DN nhỏ và vừa là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước đại dịch. Tỷ lệ này cho chúng ta thấy sơ lược bức tranh chung về tình hình dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến cộng đồng DN ngày càng ở mức báo động và nguy hiểm nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài.
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu và việc tham gia các hiệp định FTA sẽ gặp những khó khăn gì trước tình hình dịch bệnh như hiện nay?
- Dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến các DN như: làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, lưu thông hàng hóa bị đình trệ; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, đặc biệt là vận chuyển quốc tế. Ngoài ra, còn có các chi phí “không thường xuyên” tăng do nhiều DN đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm”... Điều này sẽ “đội” nhiều chi phí lên cao, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, doanh thu giảm.
“Mỗi lĩnh vực, mỗi DN có những khó khăn và chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ đại dịch. Hơn ai hết, các DN bị tác động bởi dịch Covid-19 cần xác định hoặc là đóng cửa, hoặc là thay đổi” - ông NGUYỄN HỮU NAM cho hay. |
Bên cạnh đó, còn có nhiều DN tạm đóng cửa vì không đáp ứng được các quy định về phòng, chống dịch. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát mạnh và kéo dài đã đẩy nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có nhiều trường hợp DN không thể cầm cự đã buộc phải rút khỏi thị trường.
Một điều lo ngại nữa là làn sóng người lao động đã hồi hương vì không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này có nguy cơ tác động lớn đến nguồn lao động khi tình hình dịch được kiểm soát, DN được trở lại làm việc. Lực lượng lao động thiếu hụt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng đã được ký trước đây, mà trong đó phần lớn là các hợp đồng được ký xuất khẩu sang các nước có FTA với Việt Nam.
Các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đóng vai trò ra sao trong giai đoạn này?
- Các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới là những đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hay “bình thường mới”. Vấn đề là các DN cần phải nắm vững và nắm rõ các điều kiện của mỗi FTA để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật, thuế quan trong mỗi hiệp định, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các FTA.
Khi nền kinh tế mở cửa, tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA, chúng ta từng bước nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của mỗi quốc gia. Tác động tích cực từ các FTA là mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua đạt trung bình 13,4% trong giai đoạn 2011-2019 và tăng trưởng 7%, đạt 282,65 tỷ USD năm 2020 dù phải chịu sự tác động không nhỏ từ dịch Covid-19.
Một trong những khó khăn hiện nay đối với các DN là nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu “sống chung với dịch Covid-19”, trong khi chúng ta vẫn đang phải nỗ lực ứng phó, chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch. Thời gian giãn cách kéo dài cũng tác động đến tiến độ sản xuất, kéo theo các hệ lụy như: đơn hàng bị chậm trễ, có trường hợp DN buộc phải hủy đơn hàng hoặc hoãn giao hàng…
Đây là nguy cơ khiến Việt Nam có thể mất nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn do các công ty, tập đoàn trên thế giới chuyển dịch sản xuất từ Việt Nam sang các quốc gia khác để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác, dẫn đến giảm cơ hội tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng chủ lực của nước ta.
DN cần tăng tính chủ động
Trong “nguy” vẫn thường có “cơ”. Theo ông, bên cạnh những thách thức từ dịch bệnh thì các DN có thể có những cơ hội nào để hội nhập trong bối cảnh hiện nay?
- Việc thay đổi là cơ hội cho các DN chuyển hướng đầu tư, phát triển. Cơ hội luôn dành cho những DN dám thay đổi và biết thay đổi. Đó là ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi mô hình sản xuất; tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới và đặc biệt là đầu tư vào con người.
Đơn cử, việc nắm bắt được thách thức về đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu là tiền đề để nhiều DN thấy cơ hội đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp phụ trợ được sản xuất trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài như ngành: dệt nhuộm, may mặc, giày dép, sắt thép, điện và điện tử…
Với thực trạng “sức khỏe” của các DN như hiện tại và những hệ lụy của đại dịch Covid-19 gây ra cho DN và nền kinh tế, theo ông cần có những chính sách, hỗ trợ gì từ phía các cơ quan hữu quan và các địa phương để DN, nhất là các DN nhỏ và vừa có thể vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh, từng bước kết nối lại hoạt động giao thương và hội nhập kinh tế thế giới?
- Theo kết quả khảo sát DN do VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện, có 87% DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Báo cáo cho thấy các DN chịu tác động nặng nề thuộc các lĩnh vực như: dệt may, giày dép, vận chuyển, bất động sản, truyền thông, điện tử, bán lẻ, du lịch…
Chính phủ và chính quyền các cấp đã và đang tập trung, huy động nhiều nguồn lực để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm ổn định. Tuy nhiên, cần lưu ý bên cạnh những khó khăn hiện tại, những dư chấn của đại dịch vẫn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến DN ngay cả sau khi đại dịch được kiểm soát.
Do vậy, trước những khó khăn của DN hiện nay, Chính phủ và chính quyền các cấp cần có những chính sách hỗ trợ DN thực tế hơn, khả thi hơn. Bài toán căn cơ lúc này là các chính sách, giải pháp hỗ trợ về miễn hoặc giảm tiền thuế thu nhập DN, thuế thuê đất; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; đối với ngân hàng, cần có chính sách gia hạn thời gian trả nợ hoặc/và khoanh nợ để DN gỡ khó được bài toán về vốn, tự tin tiếp tục hoạt động tạo công ăn việc làm, tăng doanh thu để phát triển...
Các chương trình chính sách, gói hỗ trợ cần tiếp tục duy trì ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế vào những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 Theo ông Nguyễn Hữu Nam, ngày 17-9 vừa qua, Chủ tịch VCCI đã ký quyết định thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp (DN) ứng phó Covid-19. Hội đồng này là cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các DN, hiệp hội DN với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó Covid-19, hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của DN, bảo vệ DN, người lao động và các hoạt động kinh tế, đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của cả nước. Để công tác hỗ trợ kịp thời các DN gặp khó khăn, vướng mắc và các vấn đề liên quan đến Covid-19, Hội đồng sẽ cho ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (Workplace) hoạt động 24/7 để các DN có thể kịp thời phản ánh các vấn đề, khó khăn gặp phải và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương. Cũng qua nền tảng này, Hội đồng thực hiện tư vấn, hướng dẫn DN, đồng thời để các DN chủ động kết nối chia sẻ với nhau thông tin, kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với các tác động từ dịch bệnh Covid-19 và làm cầu nối để các DN giao thương, tương trợ lẫn nhau trong đại dịch. |
Hải Hà (thực hiện)