Việc ở nhà tránh dịch bệnh lây lan là dịp để nhiều người dân, giới trẻ và các "mọt sách" có thời gian tìm đọc những cuốn sách hay, giá trị và phù hợp trong thời điểm giãn cách nhiều bất an và cần giữ được tinh thần tích cực, thái độ lạc quan và hy vọng này.
Việc ở nhà tránh dịch bệnh lây lan là dịp để nhiều người dân, giới trẻ và các “mọt sách” có thời gian tìm đọc những cuốn sách hay, giá trị và phù hợp trong thời điểm giãn cách nhiều bất an và cần giữ được tinh thần tích cực, thái độ lạc quan và hy vọng này.
Người dân sống trong khu cách ly, phong tỏa vì Covid-19 được trao tặng sách |
* Trong khó, có vui
Không ngạc nhiên khi báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2021 của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) thừa nhận đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã “ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động trực tiếp” đến ngành kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm. Hầu hết các đơn vị NXB, công ty phát hành sách có doanh thu giảm mạnh do hệ thống bán lẻ (nhà sách) đóng cửa, việc phát hành sách trực tuyến không vận chuyển sách đến tay người đọc được do phong tỏa, cách ly…
Bất chấp thực tế trên, việc quan tâm đến sách và nhu cầu đọc sách của người đọc lại tăng. Nhiều bạn đọc đã đưa lên các diễn đàn, nhóm (group) sách trên mạng những hóa đơn đặt sách của mình và bày tỏ sự mong chờ sách “như nắng hạn chờ mưa”.
Có nhiều người “đặt sách, truyện tranh cả chục cuốn” phải đợi suốt… 2 tháng mà đơn hàng trong tình trạng “đóng băng” chưa thể giao nhận, thậm chí nhiều đơn bị hủy, trả về kho do địa chỉ bạn đọc nằm trong “vùng đỏ” cách ly, phong tỏa… Trên diễn đàn Hội yêu sách, nhiều bạn đọc trẻ đồng quan điểm rằng: “Covid-19 là thời gian tốt để học và bổ sung kiến thức!”.
Mới đây một thông điệp sách là “mặt hàng thiết yếu” đối với con người trong mùa dịch được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. “Những gì phục vụ tinh thần chúng ta trong đại dịch, như sách, một sản phẩm văn hóa và tri thức, là vô cùng thiết yếu” - nhà báo và cũng là một tác giả viết sách du ký Trương Anh Ngọc (TTXVN) bày tỏ khi anh tích cực chia sẻ những clip giới thiệu sách trong mùa dịch với hashtag #khionhatoidoc (Khi ở nhà tôi đọc).
* Vì sao thời Covid-19 sách được quan tâm hơn?
Vào trung tuần tháng 8-2021, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) đã ký văn bản kiến nghị đưa sách giáo khoa và sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời “căn cứ vào tình hình thực tế và diễn biến từng khu vực, tiếp tục xem xét, kiến nghị cho phép vận chuyển, phát hành các loại sách khác trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội”. Kiến nghị nếu được giải quyết sẽ là một chiếc phao cốt lõi giúp khai thông sự tắc nghẽn việc đưa sách đến các hộ gia đình và bạn đọc, đặc biệt là trong thời điểm mùa tựu trường sắp tới.
“Sách hay các sản phẩm tri thức khác đều phục vụ cho nhu cầu tinh thần của con người. Đọc sách cũng là một cách để “đi ra thế giới” lúc này, khi chúng ta không đi đâu được cả” - nhà báo TRƯƠNG ANH NGỌC nhìn nhận. |
Nhiều quốc gia như: Pháp, Bỉ, Italy, Nhật… xem sách là “mặt hàng thiết yếu” với con người, là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống thường ngày và càng quan trọng hơn trong mùa dịch bệnh bởi giúp độc giả “thoát ra khỏi dòng chảy thông tin tiêu cực”. Những ghi nhận thực tế từ nhiều quốc gia trên thế giới từ Đông sang Tây lẫn tại Việt Nam cho thấy người đọc quan tâm hơn đến sách trong thời giãn cách, phòng tránh dịch bệnh. Các lý do chính có thể nêu là:
1. Trong thời khó khăn và căng thẳng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đối với xã hội, cộng đồng nói chung lẫn từng hộ gia đình nói riêng, mọi người cần những “kim chỉ nam” giúp họ trang bị thêm những kiến thức quan trọng về dịch bệnh, y khoa, bảo vệ sức khỏe cá nhân và gia đình. Đặc biệt là tâm lý cần tham khảo những thông điệp sống lành mạnh, có ích, yêu đời, “an lạc thân tâm”…
Đối với nhiều người, sách là “nhu cầu thiết yếu”. Ảnh trích từ clip Khi ở nhà tôi đọc giới thiệu sách mùa dịch của nhà báo Trương Anh Ngọc |
Ở thời buổi có nhiều thông tin tiêu cực, tin tức giả (fake news) tràn lan trên mạng thì giá trị tri thức và tính chính thống, xác thực trong sách được tin cậy hơn hẳn.
2. Việc giãn cách và ở nhà kéo dài có một mặt tích cực là con người không quá bận bịu công ăn việc làm, di chuyển, quan hệ giao tiếp… và có quỹ thời gian dài và rộng hơn nhịp sống bình thường để thư giãn, giải trí, dung nạp “vaccine tinh thần” - trong đó có nhu cầu đọc sách tĩnh tại và an yên tại gia.
3. Sự phát triển của sách và công nghệ. Số lượng đầu sách, bản in ngày càng tăng trưởng tại Việt Nam cho thấy nhu cầu của văn hóa đọc vẫn rất lớn và phát triển. Khi các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các nhà sách ngừng hoạt động thì đã có các sàn thương mại điện tử, “hội sách trực tuyến” đáp ứng nhu cầu mua sách online của độc giả (giao tận nhà).
Khi hoạt động shipper sách phải tạm ngưng trong giai đoạn cao điểm thì các loại hình sách điện tử (ebook), ứng dụng sách nói (audiobook)… góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách đa dạng, nhiều hình thức cho cộng đồng. Hình thức sách điện tử, sách nói là hướng đi công nghệ có thể giải quyết được bài toán tiếp cận bạn đọc an toàn, không tiếp xúc và tiện lợi trong thời dịch lẫn thời bình thường mới.
Chị H Jien Ayun (ảnh - một người yêu sách quê ở Buôn Ma Thuột và làm trong lĩnh vực tranh nghệ thuật phía Nam) bày tỏ: “Với tôi, sách chính là “người bạn”, là nơi giãi bày, động viên và trú ngụ tinh thần. Nó còn giúp bản thân mình thoát khỏi những suy nghĩ mệt mỏi”. Trong thời giãn cách, chị Ayun đã dành thời gian tại gia để đọc từ sách văn chương kinh điển về đề tài y học (như tác phẩm Thể xác và tâm hồn của Maxence Van der Meersch, NXB Văn học và Phúc Minh Books) đến sách lịch sử văn hóa nghệ thuật (như cuốn The Story of Art - Câu chuyện nghệ thuật của nhà sử học lỗi lạc E.H Gombrich, NXB Dân trí và Omega Plus); rồi sách gia chánh (Khoa học về nấu ăn - TS Stuart Farrimond, NXB Thế giới) lẫn văn chương hư cấu (Điều kỳ diệu của tác giả R.J.Palacio, NXB Trẻ - một tác phẩm nhân văn, ca ngợi tinh thần dũng cảm, cảm hứng sống lạc quan và nghị lực sống mãnh liệt của con người)… |
Cẩm Điệp