Sự vận động không ngừng của cuộc sống đã giúp thơ ca, nghệ thuật tìm ra những hướng đi mới. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều nhà thơ đã dùng một thể thơ mới, thơ 1-2-3, để góp tiếng nói của mình.
Sự vận động không ngừng của cuộc sống đã giúp thơ ca, nghệ thuật tìm ra những hướng đi mới. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều nhà thơ đã dùng một thể thơ mới, thơ 1-2-3, để góp tiếng nói của mình.
Nhà văn Phan Hoàng (bìa phải) tại lễ trao tặng thưởng thơ 1-2-3 tháng 5-2020 tại TP.HCM. Ảnh: TL |
* THỂ THƠ 1-2-3
Thơ 1-2-3 được nhà thơ Phan Hoàng (Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam) khởi xướng từ năm 2018. Chùm thơ 1-2-3 đầu tiên được anh công bố lấy cảm hứng từ một chuyến du lịch đến nước Nga xinh đẹp. Trong đó có bài:
Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên
Đàn ngựa phi nước đại trong tuyết rơi rừng vắng
đột ngột dừng dựng bờm hí vang bến sông sâu
Trăng mờ ảo sau cơn mơ kỳ lạ
Moskva về khuya như thiếu phụ khát yêu thương
tôi rót ly vodka nhớ Yesenin và những thi sĩ tha phương.
Theo đó, về mỗi bài thơ 1-2-3 là chỉnh thể nghệ thuật gồm 6 câu thơ, chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tựa đề bài thơ. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn.
Kinh nghiệm về thể thơ 1-2-3 được đúc kết như sau: Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị. Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, chủ yếu chuyển từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả. Đồng thời, tính độc lập của từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài được khuyến khích, tạo thành những câu chứa ý vừa cô đọng khi đứng một mình, lại vừa kết nối chặt chẽ với không gian thẩm mỹ của tác phẩm.
Với niềm say mê cái mới, cộng với sự nhiệt tình hưởng ứng của những nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ, thể thơ 1-2-3 đã được lan tỏa rộng rãi. Ngày càng nhiều tác giả làm thơ 1-2-3 với sự hứng thú đặc biệt.
Tháng 6-2020, nhà thơ Võ Văn Trường (Quảng Nam) có bài viết trên Báo Đất Việt: “Tôi đã học làm thơ 1-2-3 và tham gia trang Văn học Sài Gòn. Ở đó, tôi đã bắt gặp nhiều tâm hồn đồng cảm, trân quý nhiều cảm xúc của các bạn thơ được chuyển tải qua một hình thức thơ rất mới mẻ này”.
* VÀ MỘT ĐỀ TÀI “MỚI”
Ở Đồng Nai, nhà thơ Trần Thị Bảo Thư hiện là một người tích cực thể nghiệm thể thơ này. Chùm thơ của chị có bài đề cập đến đại dịch Covid-19:
Cuộc chiến không tiếng súng
Chiếc khẩu trang thành áo giáp
Loài người chung một ngôn ngữ ánh mắt khích lệ.
Vũ khí vaccine đặc hiệu từ phòng thí nghiệm
Những chiến binh áo trắng anh hùng
Lá cờ trên cao là trái tim nhường cơm sẻ áo.
Thật tình cờ là cũng có rất nhiều người chọn thơ 1-2-3 để nói về dịch Covid-19 với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã nói: “Chiến tranh là thứ “của hồi môn” bất đắc dĩ, nhưng hết sức quý, để hiện tại và tương lai khai thác nó”. Đối với đại dịch Covid-19 hiện nay, bao nhiêu vấn đề bắt buộc phải đặt ra để giải quyết hậu quả dịch bệnh gây ra, cho nên thơ ca, nghệ thuật cũng phải nói về nó như một sự tất yếu. Và đây là một đề tài “mới”, bất đắc dĩ mà những mất mát, đau khổ, những hệ lụy của nó gây ra không chỉ đối với một nơi chốn, một dân tộc mà đối với cả nhân loại, nhà thơ không dễ khai thác được.
Thơ 1-2-3 từ khi xuất hiện đã viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng không hẹn mà gặp, những bài thơ về phòng, chống Covid -19 tập trung như một “mùa thơ” nở rộ trên trang Văn học Sài Gòn. Có thể nói, các tác giả theo sát thời sự, cập nhật nhanh chóng những thông tin về dịch bệnh và đưa ra những thông điệp lạc quan, đầy yêu thương và trách nhiệm.
Mỗi bài thơ là một câu chuyện xúc động được kể ngắn gọn trong 6 câu thơ cho thấy tác giả thấu hiểu đời sống xung quanh như thế nào, mà mong muốn được sẻ chia với mọi người tất cả những gì tốt đẹp nhất. Nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu (Trà Vinh) có những bài thơ: Tìm mùa giữa cơn dịch bệnh, Con hẻm tôi ở vừa có ca F0 tử vong, Mọi ngả đường đều dẫn đến Sài Gòn, Em học trực tuyến bằng gì?...
Đơn cử một bài thơ của Hiếu:
Mỗi đơn vị xã phường là một pháo đài chống dịch
Không để corona xuyên thủng
Không để cô vi đánh chiếm
Bản thân đấu tranh bản thân để ai ở yên đó
Bắt nắng trên đầu tinh mới ngập hoan ca
Đón em về đầu ngõ lúc chia xa.
Trong bài Khác thường tấm giấy khai sinh thời Covid, nhà báo - nhà thơ Đăng Ngọc (Hà Nội) viết về Những bà mẹ vượt cạn trong khu điều trị Covid-19: “Bỗng choàng tỉnh nước mắt lăn dài trước “thiên thần nhỏ bé”/ được nâng trên mười ngón tay - mố cầu của “thiên thần áo trắng”/ Xin hãy ghi vào giấy khai sinh của con hai chữ: tái sinh”.
Nguyễn Trọng Lĩnh (Nghệ An): Chiếc khẩu trang che khuất ánh hồn nhiên/ Virus corona là gì hả mẹ?/ Con lạc bạn, lạc cô ở trường ở lớp…
Trần Nhã My (Tây Ninh) lại có phát hiện thú vị: Quê tôi lạ lắm những ngày bất thường/ hiên nhà trồi lên trứng gà trứng vịt/ Cây mận góc đường nở những bị gạo, túi khoai…
Đỗ Thu Hằng (Hà Nội) gọi đó là Sự hy sinh giữa thời bình, Sau tất cả con người sẽ lắng nghe…
Nhà thơ Nguyễn Đức Bá viết về những nhà sư Hà Nội tình nguyện vào Nam chống dịch: Tạm gác câu kinh tiếng mõ/ Thay tràng hạt bởi kim tiêm, ống nghe y tế/ Cởi áo cà sa thay bộ blouse trắng…
Và không ít những bài thơ thể hiện nỗi đau, niềm thương cảm hôm nay. Với Nguyễn Đức Bá: Mỗi ngày qua trái tim tôi nghẹt thở, Những ký tự vỡ mật thời 4.0, Câu thơ bị sốt; thơ Trần Thị Hồng Anh: Tháng bảy về sao lắm âu lo; thơ Thanh Yến: Cánh cửa Corona virus đóng sầm bao mơ ước…
Cũng từ đó, nhà thơ đưa ra thông điệp tích cực, kêu gọi sự bình tĩnh, vững vàng và chia sẻ cách “sống chậm” để đi qua đại dịch: Đinh Minh Thành (Quảng Bình) thể hiện thái độ của mình: Tĩnh lặng nghe thông báo từ chiếc loa công cộng/ Những bản tin về dịch bệnh/ Đừng hoang mang, hãy suy xét kỹ càng.
Lê Văn Hùng (Bình Thuận) trong bài Không thể có một ai, không một ai sống khác…: Có hàng vạn tấm lòng, công của, ít nhiều, rộng hẹp cưu mang/ Vẫn tin tưởng cuộc đời này không hề tẻ nhạt/ Dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn khốn cùng.
Và những lời yêu thương, những cảm xúc lãng mạn dành cho ngày mai vẫn còn nguyên trên môi và trong trái tim thi sĩ như Đỗ Mạnh Hùng: Cứu trợ mưa… Gỡ bỏ tháng ngày ngăn cách hai phương, Tan dịch ta về mây nước đính hôn…
Nhà thơ Phan Hoàng cho biết cả nước đã có gần 500 người làm thơ 1-2-3, và nhiều người dùng thể thơ này để sáng tác chung tay phòng, chống dịch Covid-19 cũng là một “hiện tượng” bản thân anh khó lý giải được. Tuy nhiên, đây có lẽ là một thể thơ mới phù hợp với tư duy của nhiều nhà thơ (nhà thơ Trần Thị Bảo Thư chia sẻ chị viết thơ 1-2-3 khá thuận lợi vì chị thích lối thơ cô đọng, nên viết ra rất nhanh khi câu chữ nằm sẵn trong đầu!). Cấu tạo bài thơ cho phép tựa đề cũng là câu thứ nhất của bài thơ đã tránh được sự trùng lặp, nên khi viết về một đề tài nhưng có hàng trăm ý tưởng và hàng trăm cách diễn đạt khác nhau, không gây nhàm chán cho cả người viết lẫn người đọc.
Thơ ca cũng là một nghệ thuật “nghiền ngẫm hiện thực”, không nhanh như báo chí nhưng lại mang đến những nhận thức và rung cảm đặc biệt về cuộc sống, về con người. Tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần tích cực vào đời sống tinh thần của cộng đồng với niềm tin tưởng toàn dân Việt Nam sẽ chiến thắng, và thể thơ 1-2-3 trở thành một mũi nhọn xung kích, đồng thời hứa hẹn nhiều điều mới lạ, hấp dẫn đối với thơ ca. |
Mai Sơn