Báo Đồng Nai điện tử
En

Thưởng thức món ăn các dân tộc ở Đồng Nai

07:09, 25/09/2021

Cùng với dân tộc Kinh, Đồng Nai còn có đồng bào 36 dân tộc tiểu số đang sinh sống như đồng bào người Chơro, Mạ, S'Tiêng, Chăm, Khmer… Cùng với sự phát triển của xã hội và sự hòa nhập cộng đồng các dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai ngày nay vẫn gìn giữ những phong tục tập quán, nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của mình.

Lá bép là món ăn được nhiều người ưa thích tại vùng Tân Phú
Lá bép là món ăn được nhiều người ưa thích tại vùng Tân Phú

Cùng với dân tộc Kinh, Đồng Nai còn có đồng bào 36 dân tộc tiểu số đang sinh sống như đồng bào người Chơro, Mạ, S’Tiêng, Chăm, Khmer… Cùng với sự phát triển của xã hội và sự hòa nhập cộng đồng các dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai ngày nay vẫn gìn giữ những phong tục tập quán, nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của mình.

Không chỉ có trong các dịp lễ, tết mà văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc còn được gìn giữ trong các bữa ăn thường ngày. Thâm chí, một số món ăn đã trở thành đặc sản địa phương, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch như: các món ăn của người Mạ tại làng dân tộc Tà Lài (H.Tân Phú), các món truyền thống của người Hoa (H.Định Quán), người Chăm (H.Xuân Lộc) hay người Chơro (H.Vĩnh Cửu)…

* Lạ miệng với món ngon từ đọt mây, rau rừng

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu… luôn có cuộc sống gắn liền với núi rừng, đồng ruộng. Thời đó, kế sinh nhai chính của bà con là những chuyến săn bắt, hái rau trong rừng sâu để phục vụ cho các bữa ăn hằng ngày.

Ngày nay, tình trạng săn bắt hái lượm không còn được tự do như trước, cuộc sống của bà con đã xích lại gần với xã hội mới. Tuy nhiên, ngoài những thực phẩm phổ biến chung hiện nay, một số món ăn truyền thống với nguyên liệu dễ tìm vẫn được đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ trong các bữa ăn hằng ngày như: đọt mây, lá bép, rau dớn…

Ka Hương là con gái của người uy tín trong cộng đồng dân tộc Mạ tại xã Tà Lài (H.Tân Phú). Lớn lên giữa vùng núi rừng Cát Tiên, chị đã chọn con đường sự nghiệp làm hướng dẫn viên du lịch cho Nhà dài Tà Lài (một điểm du lịch nổi tiếng tại Tà Lài) với mong muốn vừa gìn giữ vừa quảng bá rộng rãi những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của người Mạ đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Ka Hương cho biết, niềm tự hào của Hương chính là mỗi lần được giới thiệu với du khách về nét đặc trưng của văn hóa dân tộc mình. Cùng với những phong tục tập quán, ẩm thực là một trong những nội dung được mọi người chờ đợi thưởng thức nhất mỗi khi đến Tà Lài với các món cơm lam, thịt nướng, các món từ rau rừng... Vào các dịp đặc biệt như lễ hội cổ truyền của đồng bào dân tộc, du khách sẽ được thưởng thức thêm các món truyền thống được chế biến công phu hơn như bánh bột gạo, uống rượu cần…

Chia sẻ về hành trình gìn giữ bản sắc cho dân tộc mình, Ka Hương cho biết, ngoài nếp sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của bà con vẫn giữ nhiều nét truyền thống văn hóa, nhiều trẻ em trong làng đã tự học cách nấu cơm lam, cách làm men ủ rượu cần chuẩn vị từ nguyên liệu hoàn toàn bằng các loại lá cây trong rừng, cách vào rừng tìm đọt mây và chế biến các món ăn từ loại nguyên liệu khó tìm này.

Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng duy trì được những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực riêng như: khu người Mạ thuộc xã Thanh Sơn (H.Tân Phú), làng dân tộc Chơro ở H.Vĩnh Cửu… qua những bữa ăn hằng ngày, trong các đám cưới, giỗ chạp, ma chay.

Nướng cơm lam chuẩn bị đãi khách của đồng bào dân tộc Mạ tại làng dân tộc Bon Gõ, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú
Nướng cơm lam chuẩn bị đãi khách của đồng bào dân tộc Mạ tại làng dân tộc Bon Gõ, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú

Ka Thy, cô gái Mạ sinh ra và lớn lên tại làng dân tộc Bon Gõ (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) chia sẻ, mỗi khi nhà có đám cưới hay đám giỗ, gia đình Thy phải vào rừng tìm đọt mây, lá bép và các loại rau rừng khác để chuẩn bị đãi khách.

Ka Thy chia sẻ: “Rượu cần, đọt mây nướng, lá bép nấu canh hoặc xào là những món ăn chính là gia đình mình luôn có trên mâm cỗ đãi khách. Các chị em trong nhà ai cũng có thể vào rừng hái măng cũng như làm các món ăn của đồng bào. Mọi người cùng ăn và mời nhau uống rượu cần tạo nên không khí vui vẻ, ấm áp trong các bữa tiệc của gia đình”.

* Món ăn bình dị nhưng tinh tế

Món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai phần lớn là những món ăn bình dị nhưng luôn chất chứa sự tinh tế qua từng hương vị.

Làng Chăm xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) có khá nhiều phong tục ẩm thực độc đáo. Người Chăm tại Xuân Lộc không sử dụng thịt heo, phong cách ẩm thực của đồng bào nơi đây mang khá nhiều dấu ấn của người Ấn Độ với khẩu vị cay, trong các món ăn thường có hương vị cà ri, quế, hồi. Do đó, món ăn truyền thống của người Chăm thường xuất hiện trong các bữa ăn gia đình cũng như dịp lễ, tết là món cà ri.

Bàn tiệc gia đình của người Mạ ngày nay với món lẩu cá nhúng lá bép, cơm lam thịt nướng và đọt mây nướng
Bàn tiệc gia đình của người Mạ ngày nay với món lẩu cá nhúng lá bép, cơm lam thịt nướng và đọt mây nướng

Món cà ri của người Chăm khá phong phú về khẩu vị với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như cà ri bò, dê, cừu, gà… Trong bữa ăn hằng ngày thì có các món canh bồi, bánh bò… Ngoài những món ăn truyền thống, người Chăm còn các món bánh rất được ưa chuộng, được làm chủ yếu trong các dịp lễ nghi tôn giáo, cưới hỏi như bánh tét, bánh ít, bánh củ gừng…

Ở Đồng Nai, ngoài những làng đồng bào dân tộc nằm lặng lẽ trong các khu dân cư nhỏ, còn có một nơi khá sầm uất, mang đậm nét văn hóa, ẩm thực riêng của đồng bào mình là khu người Hoa tại H.Định Quán.

Nằm dọc trên quốc lộ 20, khu vực đồng bào người Hoa sinh sống tại H.Định Quán rất dễ được nhận diện bởi cách làm nhà và bài trí mang đậm chất văn hóa người Hoa. Những cửa hàng bán các món ăn của người Hoa như cửa hàng bánh bao, quán ăn với món đặc sản khâu nhục, mì xào… được bày bán khá nhộn nhịp.

Bà Chề Minh Linh, người Hoa sinh sống tại xã Phú Lợi cho biết, một trong những món truyền thống mà bà thích ăn nhất là khâu nhục - món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, mừng thọ... của người Hoa. Khâu nhục được chế biến từ thịt heo, rất cầu kỳ và mất thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, thường ăn kèm với bánh mì hoặc xôi.

Ngoài khâu nhục, bà Linh cho biết, vào các dịp tết, bánh tổ là món ăn không thể thiếu trên mỗi mâm cúng tổ tiên ông bà, gia đình người Hoa. Bánh tổ làm bằng bột gạo với đường vàng cũng khá kỳ công. Muốn ăn bánh tổ phải cắt miếng mỏng mang chiên dầu, bánh có độ dẻo vừa giòn ăn rất ngon.

Một trong những món ăn mà bất kỳ ai đi ngang khu vực người Hoa trên địa bàn H.Định Quán muốn dừng chân thưởng thức là món bánh bao. Món bánh bao được người Hoa dùng làm món điểm tâm sáng, hoặc có thể ăn thay thế các bữa ăn trong ngày bởi bánh được làm từ bột mì, có nhân thịt, trứng được và hấp chín, hương vị thơm ngon và dễ dùng.

Theo tài liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, Đồng Nai hiện có 36 dân tộc sinh sống tập trung có dân số đông như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơ Ho, Hoa, Chăm, Khmer... Trong đó có các dân tộc sinh sống lâu đời như Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơ Ho còn được gọi là dân tộc bản địa. Các dân tộc bản địa định cư ở các địa bàn có địa hình đồi núi, rừng sâu trong tỉnh như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Từ năm 1954-1975, một số dân tộc từ miền Bắc và nơi khác ở Nam bộ đến như: Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, H’Mông… họ định cư ở các vùng nông thôn là chủ yếu.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích