Tác giả Lê Liên quê ở Ninh Bình, nguyên là Chính trị viên Đại đội Trinh sát đặc công Sư đoàn 5 miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1968 khi đã có giấy gọi nhập học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội và tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam bộ suốt những năm tháng ác liệt ấy.
1. Tác giả Lê Liên quê ở Ninh Bình, nguyên là Chính trị viên Đại đội Trinh sát đặc công Sư đoàn 5 miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1968 khi đã có giấy gọi nhập học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội và tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam bộ suốt những năm tháng ác liệt ấy.
Chàng thanh niên Lê Liên ra đi khi “không có một mảnh tình vắt vai”, bởi trước ngày vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, anh đã đơn phương khép lại một mối tình qua thư từ với một cô gái, viết thư khuyên cô ấy đừng đợi chờ anh. Không có sự vướng bận gì ở phía sau, nhưng lớn lên ở miền Bắc những năm tháng chiến tranh, Lê Liên chứng kiến rất nhiều cảnh chia ly, chờ đợi, tang tóc nát lòng ở làng quê, trong đó có những cặp vợ chồng là người thân trong gia đình, họ mạc anh.
Bài thơ Câu hát tiễn chồng ra đời sau ngày hòa bình 30-4-1975. Trong một lần nghỉ phép về quê, Lê Liên gặp một bà cụ lưng còng, tóc hoa râm cắp rổ bèo ướt lướt thướt từ dưới bờ ao đi lên. Bà cụ cười chào anh rồi vội vã chân thấp chân cao rẽ vào ngõ nhà mình. Anh tự hỏi rồi ngạc nhiên đến đau lòng khi biết đó chính là chị dâu họ của anh. Anh không thể tin vào mắt mình “bà cụ” kia lại là chị Vui, người con gái đẹp người đẹp nết, hát hay, sôi nổi trong mọi phong trào thanh niên thuở ấy. Chị Vui yêu anh Khoa - thầy giáo cấp 2, anh họ của Lê Liên. Họ nên duyên hạnh phúc và sống bên nhau được đúng một tuần thì anh Khoa lên đường vào Nam chiến đấu.
Hôm chi đoàn thanh niên thôn tổ chức liên hoan cho đoàn viên lên đường nhập ngũ, chị Vui bí thư chi đoàn đã lên hát bài Tiễn anh lên đường: “Yên tâm vững bước mà đi. Hỡi người em yêu. Việc nhà việc nước em gắng làm tròn…”. Câu hát chị tặng những thanh niên lên đường chiến đấu và cũng tặng chính người chồng thân yêu của mình.
Anh Khoa lên đường, một năm sau giấy báo tử về, hy sinh ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Khỏi nói nỗi đau buồn, dông bão ập lên căn nhà nhỏ và cuộc đời chị Vui. Họ không kịp có được một đứa con cho bớt phần trống vắng. Chị Vui vẫn ở vậy phụng dưỡng bố mẹ chồng và lặng lẽ gánh những tháng năm trống trải đằng đẵng đi qua cuộc đời mình. Cuộc đời chị Vui cũng là cuộc đời hàng vạn phụ nữ khác trên đất nước ta những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy.
Tứ thơ chợt đến và những dòng chữ hiện dần theo ngòi bút Lê Liên: “Ánh trăng nhạt nhòa sân kho/ Tiếng bom ì ầm phía trời thị xã/ Có khoảng không gian lặng chìm yên ả/ Chị tôi hát tiễn chồng… Câu hát nâng bước người ra trận…”. Bài thơ đăng báo, được nhiều bạn đọc đón nhận, chia sẻ. Năm 2006, NXB Thanh niên xây dựng tập sách Viết tiếp tuổi hai mươi đã chọn in bài thơ Câu hát tiễn chồng của tác giả Lê Liên.
Sau này, nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới, Lê Liên còn viết một bài thơ khác về chính cuộc đời mình, về người vợ chung thủy sắt son của anh: “Đêm tân hôn cơn rét rừng run rẩy chiếc giường đôi… Vầng trăng mùa thu xẻ làm đôi/ Qua ngàn ngày biên giới/ Em cũng vào bộ đội/ Để được gần anh/ Bao đau khổ gian nan lùi dần vào xa lạ/ Để anh còn trai trẻ tuổi năm mươi/ Cho em biết yêu khi hết mất xuân rồi…” (Kỷ niệm hai mươi năm).
2. Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn cũng sinh ra và lớn lên ở một làng quê đồng bằng Bắc bộ. Tuổi thiếu niên của anh là những năm tháng Mỹ leo thang chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc, tăng cường đổ quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh xâm lược. Nuốt nước mắt vào lòng, bao người cha, người mẹ, người vợ, người yêu tiễn người thân yêu nhất của mình ra trận.
Cao Hồng Sơn đã sáng tác và phổ nhạc thành công nhiều ca khúc, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc quốc gia, giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh kể: “Khi đọc tập thơ của anh Lê Liên, tôi xúc động mấy ý thơ từ 2 bài Câu hát tiễn chồng và Kỷ niệm hai mươi năm. Tôi đã tưởng tượng đến một tình huống khắc nghiệt hơn và viết thêm nhiều lời mới đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm để có thể chạm tới trái tim… Tôi khai thác chất âm nhạc dân ca miền Bắc nhưng có chất thính phòng, chất tráng ca…. có những nốt “nghịch” dấu hóa bất thường nhưng rất đúng quy luật hòa thanh để tạo những bất ngờ, những cảm xúc đặc biệt và giải quyết về hòa âm “thuận”.
Ca khúc viết ở thể 2 đoạn. Đoạn đầu hồi tưởng xa xăm: “Một thời đã qua/ Một thời đã xa/ Chị tôi tiễn chồng đi chiến đấu/ Đêm tân hôn đâu ngờ đêm cuối/ Thương anh chị giữ trọn tình/ Gửi chữ thảo hiền trong câu hát tiễn chồng đi...”. Đoạn 2 là cao trào, khắc họa, xót xa mà ngưỡng mộ, biết ơn, ngợi ca: “Ôi câu ca hát thời con gái/ Ôi câu ca suốt đời con gái/ Hôm nay sống giữa hòa bình/ Tưởng nhớ một thời/ Nghe câu hát tiễn chồng đi/ Tận đáy lòng mình bao câu hát thức dậy chị ơi!”.
Đau lắm! Những sự hy sinh không kém phần vĩ đại! Tôi tưởng tượng bài hát như một bộ phim về thân phận tình yêu, hạnh phúc mong manh của người phụ nữ thời chiến tranh. Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến những đau khổ, hy sinh cao cả ấy. Các thế hệ hôm nay và mai sau phải ghi nhớ, mãi tri ân, không được thờ ơ, không được lãng quên.
Công lao sáng tạo của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn trong phần lời ca khúc là rất đáng kể, đã liên kết, tăng sức khái quát, lan tỏa như anh đã từng sáng tạo trong các ca khúc phổ thơ thành công trước đây: Hoài niệm làng, Tâm reo... Giai điệu trầm lắng, da diết và những câu hát thảng thốt, xé lòng trong ca khúc Câu hát tiễn chồng: “Anh đi không về chị ơi! Anh đi không về chị ơi!...” không bi lụy, gục ngã mà nâng con người dậy.
Ca khúc Câu hát tiễn chồng là một trong những tác phẩm thành công của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, một trong những tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của Đồng Nai. Ca khúc đã được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, nhưng có lẽ cho đến hôm nay, người thể hiện ấn tượng nhất là ca sĩ Ngọc Mai, giảng viên Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM. Bài hát đã được trao giải nhì giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016.
Đàm Chu Văn