Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19

10:10, 01/10/2021

Người bình thường mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, trung bình có thể tự vệ sinh thân thể, hợp tác tốt với y, bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Còn với bệnh nhân tâm thần bị mắc Covid-19, hầu như mọi việc đều do nhân viên y tế hỗ trợ.

Người bình thường mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, trung bình có thể tự vệ sinh thân thể, hợp tác tốt với y, bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Còn với bệnh nhân tâm thần bị mắc Covid-19, hầu như mọi việc đều do nhân viên y tế hỗ trợ.

Khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần
Khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần

Không những thế, sự thiếu hợp tác của bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho nhân viên y tế.

* Hơn 300 bệnh nhân nhiễm Covid-19

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 Võ Thành Đông cho biết, ngày 26-8, bệnh viện phát hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên là bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Khoa B1 cũ (hiện là Khoa Cấp tính nam). Dịch bệnh sau đó lan ra rất nhanh ở cả 5 khoa trong bệnh viện với tổng số hơn 300 bệnh nhân tâm thần và  8 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Sau hơn 1 tháng thực hiện công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19, đến nay, cả 8 nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã khỏi bệnh, số bệnh nhân tâm thần có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 ngày càng nhiều.

Lãnh đạo bệnh viện cho hay, hiện chưa biết chính xác nguồn lây bệnh đến từ đâu. Có khả năng có sự buông lỏng của một số nhân viên y tế, vẫn cho người vào thăm bệnh hoặc cũng có thể nhân viên y tế bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài rồi lây vào bệnh viện. Một giả thiết khác là có một số nhân công đang làm công trình trong bệnh viện đã đục một lỗ ở bờ tường sát với đường bên hông bệnh viện để mua bán hàng hóa qua lỗ này. Do vậy, không loại trừ khả năng nguồn lây từ việc mua bán hàng hóa từ khu dân cư vào bệnh viện.

Xác định không thể đóng cửa bệnh viện vì là bệnh viện chuyên khoa, sau khi có sự chỉ đạo của Bộ Y tế và sự hướng dẫn của các đoàn hỗ trợ Bộ Y tế, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã thành lập khu thu dung, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 ngay tại bệnh viện với quy mô 400 giường bệnh. Song song đó, bệnh viện vẫn tiếp tục khám bệnh, cấp cứu, điều trị nội trú cho các bệnh nhân tâm thần không nhiễm Covid-19 khác.

Ngoài nhân lực của bệnh viện là những nhân viên y tế thuộc diện F1, các y, bác sĩ từng đi tiếp sức cho TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã cử ê-kíp gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, nhiễm đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 để hỗ trợ.

Đề phòng trường hợp bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 trở nặng, bệnh viện đã lấy Khoa Nhi để làm khu điều trị cho bệnh nhân ở mức trung bình. Những bệnh nhân nặng sẽ được phối hợp chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để điều trị.

* Nguy cơ lây nhiễm cao

Là một trong số 45 y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 từng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM hồi tháng 7 vừa qua, điều dưỡng Trương Quí Nhân, Khoa Cấp tính nam chia sẻ, sau một thời gian tham gia hỗ trợ nhận bệnh, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, lấy mẫu bệnh phẩm, trực cấp cứu, xử lý hồ sơ của bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, anh tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích để thực hiện tốt công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 tại bệnh viện.

Bệnh nhân Covid-19 là người bình thường và bệnh nhân Covid-19 là bệnh nhân tâm thần khác nhau rất rõ rệt về thể trạng. Bệnh nhân Covid-19 bình thường mức độ từ nhẹ đến trung bình còn tri giác tốt, khi được y, bác sĩ hướng dẫn họ có thể hiểu, hợp tác và thực hiện. Còn với bệnh nhân tâm thần nhiễm Covid-19, ngay cả đến việc tập thở cũng rất khó khăn. Nhiều bệnh nhân tâm thần được phát khẩu trang nhưng không đeo, khi tiếp xúc với nhân viên y tế thường có thói quen tháo khẩu trang. Đặc biệt, khi được lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, có bệnh nhân khó chịu, ho, hắt hơi, dịch văng lung tung gây nguy cơ lây nhiễm cao cho nhân viên y tế.

Nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 chuẩn bị các bữa ăn phụ cho bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19
Nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 chuẩn bị các bữa ăn phụ cho bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19

Mặt khác, do việc tiếp xúc, chia sẻ giữa bệnh nhân tâm thần và y, bác sĩ khó khăn nên bác sĩ khó khai thác bệnh của bệnh nhân tâm thần. Do đó, ngoài nắm bắt tình hình của bệnh nhân qua sắc mặt hay chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu), y, bác sĩ phải liên tục theo dõi sát sao để kịp thời xử lý trong trường hợp bệnh nhân trở nặng.

Có những bệnh nhân không thể tự tắm, vệ sinh cá nhân được nên các bác sĩ, điều dưỡng và một số bệnh nhân tâm thần nhẹ khác phải phụ giúp. Có những bệnh nhân đại tiện, tiểu tiện tùy lúc và hay ăn đồ bẩn nên việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện khó khăn hơn rất nhiều.

* Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần

Ngày 28-9, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 700 bệnh nhân tâm thần/hơn 1,1 ngàn bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Đây là đơn vị điều trị tâm thần đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm vaccine cho bệnh nhân.

BS Võ Thành Đông cho biết, cách đây hơn 1 tháng, bệnh viện đã đề xuất Bộ Y tế cấp vaccine để tiêm cho bệnh nhân tâm thần nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Bộ Y tế phân bổ cho bệnh viện 1,5 ngàn liều vaccine AstraZeneca. Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng lực lượng tại chỗ chia thành 9 đội tiêm để tiêm ngay tại khoa, phòng cho bệnh nhân.

Theo lãnh đạo bệnh viện, đối với bệnh nhân tâm thần, công tác chuẩn bị trước tiêm, trong khi tiêm và sau tiêm phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều để đảm bảo tiêm an toàn, hiệu quả. Bệnh nhân tâm thần nếu có người thân thì bệnh viện phải liên hệ với người thân của bệnh nhân để ký cam kết trước tiêm. Nếu bệnh nhân là người vô gia cư thì bệnh viện phải làm đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan.

Thực tế quá trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần rất khó khăn và mất thời gian. Nhân viên y tế phải xác định danh tính bệnh nhân, có những bệnh nhân gọi tên nhiều lần nhưng không lên tiếng, dẫn đến chậm trễ. Trong quá trình tiêm phải có người giữ tay bệnh nhân để tránh bệnh nhân vùng vằng. Sau khi tiêm cũng phải có bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát sao, lên tất cả các phương án đi kèm để kịp thời xử lý nếu có trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm.

BS VÕ THÀNH ĐÔNG, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cho biết, các bệnh nhân tâm thần hạn chế về nhận thức, hành vi nên việc sàng lọc, cách ly rất khó khăn, nguy cơ lây lan nhanh nếu không kiểm soát tốt. Để tránh lây nhiễm chéo, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 quy định tất cả bệnh nhân khi vào khám bệnh, đủ điều kiện nhập viện phải làm test nhanh 3 lần trong 10 ngày ở khu vực vùng đệm, sau đó mới chuyển vào khoa để điều trị nội trú.

Hạnh Dung


TS NGUYỄN THANH HÀ, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), thành viên Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 và Viện Pháp Y tâm thần trung ương Biên Hòa:

“Bệnh nhân tâm thần là đối tượng yếu thế cần được quan tâm và chăm sóc nhiều hơn. Phần lớn bệnh nhân có thể trạng không tốt với nhiều bệnh lý nền đi kèm nên nếu được tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm, bệnh nhân tâm thần sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc nếu mắc bệnh sẽ giảm tình trạng bệnh nặng, đỡ rất nhiều công sức cho nhân viên y tế trong việc chăm sóc, điều trị”.

Điều dưỡng Trương Quí Nhân, Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2:

“Có một điều đặc biệt ở bệnh nhân tâm thần là họ ít bị tâm lý như những người bình thường mắc Covid-19 khác. Nhiều bệnh nhân không chịu nằm trên giường, chỉ thích nằm dưới sàn nhà nên chúng tôi mong sao trời đừng mưa để tránh ẩm ướt, mong trời nắng nhiều để bệnh nhân có thể ra sân phơi nắng, cải thiện sức khỏe tốt hơn…”.


 

Tin xem nhiều