Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19, giờ đây, nhiều quán ăn uống ở TP.Biên Hòa và các huyện đã hoạt động trở lại. Việc mở cửa phục vụ bán mang về hoặc thông qua người giao hàng trong điều kiện cho phép là mong muốn của cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19, giờ đây, nhiều quán ăn uống ở TP.Biên Hòa và các huyện đã hoạt động trở lại. Việc mở cửa phục vụ bán mang về hoặc thông qua người giao hàng trong điều kiện cho phép là mong muốn của cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Cơ sở kinh doanh ăn sáng của chị Dương Thị Kim Oanh (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) |
Đây cũng là giải pháp từng bước phục hồi loại hình kinh doanh dịch vụ, trong đó có dịch vụ ăn uống.
* Phấn khởi mở cửa
Sau hơn 2 tháng đóng cửa phòng dịch, cuối tuần qua, quán phở Bắc trên tỉnh lộ 769, xã Bình An (H.Long Thành) của anh Phan Văn Hiền đã mở cửa trở lại. Ngay trong sáng ngày đầu mở bán, anh Hiền bán được gần 50 tô phở.
“Được tin dịch vụ ăn uống được phép mở bán mang về, tôi rất phấn khởi. Tôi đã dành 2 ngày để chuẩn bị nồi niêu và thực phẩm tươi sống. Khi mọi thứ đâu vào đó, tôi đăng tin lên mạng xã hội đồng thời làm tấm biển nhỏ thông báo mở bán mang về từ ngày 26-9” - anh Hiền chia sẻ.
Mặc dù giá thực phẩm đầu vào tăng, việc đặt mua các loại gia vị khó hơn trước và phải cử người trong nhà phụ giao đồ ăn nhưng quán vẫn giữ giá bán như cũ, 30 ngàn đồng/tô lớn và 20 ngàn đồng/tô nhỏ, chỉ phụ thu 5 ngàn đồng/đơn giao hàng. Trường hợp mua 4 tô trở lên được miễn tiền phụ thu.
Ngay sau khi H.Cẩm Mỹ chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 xuống chỉ thị 15+, chị Dương Thị Kim Oanh, chủ hộ kinh doanh ăn uống TT.Long Giao mở cửa bán đồ ăn sáng. Ưu tiên của chị là mua vài chai nước rửa tay sát khuẩn khô để phía trước, giăng dây ngang để hạn chế người mua đứng gần.
Chị Kim Oanh chia sẻ: “Huyện cho dịch vụ ăn uống mở cửa phục vụ trở lại tôi rất mừng. Mặc dù huyện “vùng xanh”, nhiều người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng tôi không chủ quan mà tuân thủ nghiêm 5K. Tôi bán mang về để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Là tổ “vùng xanh” hiếm hoi trên địa bàn P.Tam Phước (TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Ý, chủ quán bún bò Huế O Ý quyết định mở bán từ ngày 20-9. Bà Ý chia sẻ, thời gian nghỉ dịch quá lâu khiến bà sắp không trụ nổi chi phí mặt bằng. Sau khi tìm hiểu các quy định phòng, chống dịch, bà quyết định mở theo hình thức giao hàng tận nơi trong phạm vi khu phố. Người mua gọi điện đặt hàng rồi con trai bà sẽ giao đến tận nhà.
“Nói là mở cửa nhưng thực tế quán đóng cửa suốt. Chỉ lúc giao nhận thực phẩm, đi giao hàng mới mở hé cửa. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho gia đình, khu phố và cộng đồng” - bà Ý chia sẻ.
Phấn khởi, vui mừng là tâm trạng chung của các hộ kinh doanh dịch vụ ăn, uống khi được phép mở cửa trở lại. Hầu hết cơ sở đều tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch như: trang bị nước rửa tay sát khuẩn, giăng dây giữ khoảng cách giữa người bán và người mua, không phục vụ tại chỗ, người bán hàng được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine… Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực ở “vùng xanh” còn dè dặt việc tái mở cửa, một số khác ở vùng chưa đủ điều kiện, chưa có sự cho phép của địa phương nhưng vẫn mở bán qua hình thức giao hàng.
* Nhu cầu người mua chưa cao
Theo chia sẻ của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, những ngày đầu mở bán lượng khách đặt mua hàng khá nhiều, nhiều hơn so với trước dịch, nhưng sau đó giảm dần. Nguyên nhân là do khách vãng lai chưa có, người dân còn ở nhà phòng, chống dịch nên tự phục vụ, phần lớn công nhân lao động vẫn lưu trú trong các nhà máy hoặc đã về quê.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nông sản, xăng dầu (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) cho biết, ngay sau khi huyện ban hành kế hoạch về từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán mang về, ông đã mở cửa bán trái cây, nước uống đóng chai, xăng dầu. Riêng dịch vụ cơm và nước ép trái cây chưa bán lại. Theo ông Hiền, việc mở bán thời gian này lỗ nhiều hơn lãi nhưng kinh doanh dịch vụ không thể đóng cửa mãi được.
Dịch vụ ăn uống phục vụ bán mang về quảng cáo trên các chợ online |
Chị Trần Trâm Anh, P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian này chị vẫn nấu trà sữa các loại phục vụ khách quen. Trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 30 lít. Để đảm bảo an toàn, chị thuê hẳn shipper chuyên giao đồ uống từ 10-14 giờ. Chị không đóng trà sữa vào ly như trước mà chuyển sang đóng chai loại 1 lít để khách mua bảo quản sử dụng trong 2-3 ngày.
“Tôi mong sớm được mở cửa bán hàng trở lại, nhân viên của tôi có thể tự đi giao hàng được. Chỉ bán hàng qua shipper vừa được ít vừa tốn thêm chi phí. Trong khi đó, tiền mặt bằng tôi vẫn phải trả hằng tháng” - chị Trâm Anh chia sẻ.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Thủy, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho hay, chị mong dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại để lâu lâu đổi món cho gia đình. Còn dịch bệnh như thế này thì tự nấu đồ ăn sáng tại nhà để tiết kiệm, và giữ an toàn.
Chị Phạm Thị Nhi, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, thực sự chị đã “ngán” việc nghĩ món ăn sáng cho cả gia đình. Muốn vài hôm được ra đi ăn, đi uống cùng mọi người. Nhưng vì an toàn cả gia đình vẫn phải “nhịn” bún riêu, phở bò, trà sữa, cà phê.
Bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, huyện đang từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại dịch vụ ẩm thực được mở bán mang về nhưng phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch. Các tiểu thương đã được ưu tiên tiêm vaccine mũi 1, được phổ biến tiêu chí 5K. Huyện sẽ thường xuyên ra quân kiểm tra, hỗ trợ các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch nhằm bảo vệ “vùng xanh”.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp chia sẻ, mới đây địa phương đã ban hành kế hoạch từng bước khôi phục kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trong đó, huyện cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, bán mang về. Điều kiện cơ sở kinh doanh phải nằm trong các xã “vùng xanh” gồm: Cẩm Đường, Bình An, Lộc An, Phước Bình và Tân Hiệp; đáp ứng đầy đủ quy định phòng, chống dịch; đánh giá nguy cơ lây nhiễm hằng tuần và có phương án xử lý khi có F0 tại cơ sở; thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 3 ngày/lần đối với người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Ban Mai - Đinh Tài