1. Tháng bảy mưa ngâu nghe rầu thúi ruột. Tháng tám lướt thướt mưa rớt não lòng... Hình như mấy tháng nay ông trời khóc thay cho nỗi đau lòng người. Những con người sống thắc thỏm trong đại dịch Cô Vy (Covid-19)...
1. Tháng bảy mưa ngâu nghe rầu thúi ruột. Tháng tám lướt thướt mưa rớt não lòng... Hình như mấy tháng nay ông trời khóc thay cho nỗi đau lòng người. Những con người sống thắc thỏm trong đại dịch Cô Vy (Covid-19)... Người kia khóc vì đã bao lâu rồi thất nghiệp. Người nọ khóc vì những hạt gạo, giọt sữa cuối cùng. Người này khóc vì mất người thân. Không thể, không đúng khi nói rằng nỗi đau này hơn nỗi đau kia... Tui cũng từng đau, từng mất và từng khóc. Nhưng đó là những nỗi đau đơn độc. Và, tui cũng từng đơn độc “lần mò leo mãi không qua được vách sầu”. Một năm, hai năm, ba năm... Nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên đó, không mất đi, nhưng đã được thời gian xoa dịu. Nên tui tin, mọi người cũng sẽ vậy, giống như tui.
Tranh minh họa, tác phẩm Việt Nam niềm tin chiến thắng của Đỗ Mai Phương |
2. Trong gian phòng trọ kia, có 2 đứa trẻ tầm hơn mười tuổi ôm quắp nhau hướng mắt về chiếc bàn nhỏ đang nghi ngút khói hương, chắc cũng lại là của hàng xóm mang qua, vì trên chiếc bàn ấy có 2 hũ tro cốt của cha và mẹ chúng, chết vì bệnh Cô Vy. Mai này các con sống làm sao? Tui lắc đầu không dám nghĩ tiếp.
Ở một dãy trọ khác, đứa trẻ bé xíu ẵm ngửa, hàng xóm cho bú bình. Góc kia thằng bé lem luốc ôm cửa khóc nỉ khóc nôi đã mấy ngày nay. Cha mẹ chúng là F0 được đưa đi cách ly rồi, không biết họ có an lòng chữa bệnh khi con thơ dại ở nhà với người dưng? Không biết bước chân lên chiếc xe đưa đi cách ly ấy, trong số họ có những ai còn may mắn trở về? Và, không biết có bao nhiêu đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã vĩnh viễn không được bú mớm, ấp yêu trong vòng tay của người mẹ? Còn rất nhiều, rất nhiều... đứa trẻ như thế.
3. Tiếng ê a đọc bảng chữ cái, ráp vần của bé gái lớp một với sự háo hức, mong chờ phía sau nhà nghe sao rộn rã khiến tui chợt nhớ về những ngày đầu đời đi học của mình. Cũng là do Cô Vy, con không được đến trường để có được sự dạy bảo của cô giáo, giúp con nắn nót từng nét chữ, uốn con cách phát âm sao cho đúng vần. Kế bên nhà là cậu bé năm nay học lớp đầu cấp THCS, chưa thành thạo sử dụng máy vi tính để học trực tuyến, còn phải nhờ vào sự giúp đỡ của người lớn. Vẫn còn nhiều trẻ không có điện thoại thông minh, máy vi tính… phục vụ việc học trực tuyến do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
4. Bố khỏe không? Mẹ khỏe không? Anh - Chị - Em giữ gìn sức khỏe nhé!... là những câu hỏi, dặn dò đầu tiên mà người thân dành cho những người tuyến đầu chống dịch qua cuộc nói chuyện điện thoại, ngắm nhìn họ qua màn hình vì bao ngày chưa được trở về nhà. Ngủ không đủ giấc, ăn không trọn bữa… là tình cảnh mà những “người lính” áo xanh, áo trắng trải qua để chống “kẻ thù” vô hình, giành giật sự sống, sự yên bình cho bao người dân. Chiến trường nào cũng có biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống Cô Vy đã và đang có những hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam.
…
Con số trẻ mồ côi, người neo đơn vẫn tăng lên từng ngày. Với hoàn cảnh hiện tại, chắc chắn chẳng ai là “lá lành”, chỉ mong sao “lá rách ít đùm bọc lá tả tơi”. Nỗi đau tinh thần không thể chắp vá, hoán đổi, thay thế bằng vật chất, nhưng chén cơm, bình sữa… giúp con trẻ tồn tại, bước tiếp trên con đường đằng đẵng, chông gai... Vẫn còn đó bao khó khăn, khổ sở nhiều người phải gánh chịu. Mong sao dịch Cô Vy qua mau, người người, nhà nhà đoàn tụ, sum vầy. Học sinh, sinh viên được đến trường. Anh, chị công nhân được đến công xưởng…
Minh Dũng