Một hội nghị về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) vừa được Đồng Nai tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Một hội nghị về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) vừa được Đồng Nai tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối đầu tư, xúc tiến thị trường là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham quan, tìm cơ hội hợp tác tại một sự kiện về khởi nghiệp do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Văn Gia |
So với các địa phương mạnh về khởi nghiệp như TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai cũng có rất nhiều tiềm năng nhưng vấn đề là việc kết nối các nguồn lực để cấu thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế.
* Kinh nghiệm từ TP.HCM, Đà Nẵng…
Để xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đông về số lượng, mạnh về chất lượng và thúc đẩy khởi nghiệp, Đồng Nai sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những kinh nghiệm hay của các tỉnh, thành vào thực hiện mục tiêu này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, Đồng Nai đã quan tâm, đề ra mục tiêu cho chương trình khởi nghiệp trên địa bàn từ 3 năm nay. Tuy nhiên, với những khó khăn do đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, kéo theo những mục tiêu mà tỉnh đặt ra ban đầu chưa thực hiện được. Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát và các xu hướng mới của sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thì việc đẩy mạnh hỗ trợ DN, thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST là vô cùng cần thiết. Thông qua các kinh nghiệm được chia sẻ, Đồng Nai sẽ nỗ lực để xây dựng chính sách phù hợp, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng. |
Tại TP.Đà Nẵng, tính đến nay đã ban hành 11 chính sách, chương trình và kế hoạch có liên quan đến khởi nghiệp ĐMST. Địa phương này phát triển được 1 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, 6 vườn ươm; 2 không gian sáng tạo; 9 không gian làm việc chung; 10 CLB khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, bên cạnh đó là 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp cùng cộng đồng các DN khởi nghiệp ĐMST. Với những nguồn lực lớn như vậy, Đà Nẵng đã ươm tạo được 137 dự án và thành lập 50 DN khởi nghiệp ĐMST, trong đó một số công ty đã thu hút được vốn đầu tư hàng trăm ngàn đến hàng triệu USD.
Đồng thời, đối với các DN có hoạt động ĐMST phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được TP.Đà Nẵng xem xét hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng, Sở đã hỗ trợ 42 lượt DN đổi mới công nghệ, chế tạo thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất. Các hoạt động ươm tạo, đào tạo tập huấn trên địa bàn thành phố được tổ chức thường niên, thông qua đó nâng cao năng lực các thành tố trong hệ sinh thái, hình thành văn hóa khởi nghiệp và phát triển các dự án, DN khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Việc này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh thu hút, tăng nhanh số lượng chuyên gia tư vấn khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh, tiềm năng. Kết nối mạng lưới các chuyên gia khởi nghiệp ít nhất đạt 200 thành viên. Bình quân hằng năm có trên 150 DN, dự án khởi nghiệp ĐMST được ươm tạo tại các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ. Trong đó ít nhất 20% DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư” - bà Vũ Thị Bích Hậu cho hay.
Đối với TP.HCM, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN, Sở KH-CN TP.HCM nhận định, vấn đề đặt ra là ĐMST tác động đến năng suất DN như thế nào, tác động đến GDP tăng trưởng kinh tế của địa phương ra sao và đạt được mục tiêu gì. Trong trường hợp của TP.HCM, đặt mục tiêu ĐMST về năng suất, tạo ra ưu thế cạnh tranh của DN Việt Nam trên trường quốc tế. Quan điểm và chỉ đạo của lãnh đạo thành phố quan tâm đến khởi nghiệp và ĐMST, nhấn mạnh rất rõ vai trò của KH-CN. KH-CN và ĐMST tác động đến DN để giải quyết phần năng suất, điều này mang tính định hướng cho việc cần thiết có khởi nghiệp hay không và nếu khởi nghiệp thì địa phương cần làm gì.
“Kinh nghiệm từ thực tiễn của TP.HCM chỉ ra rằng Nhà nước cần sử dụng các công cụ quản lý một cách phù hợp trong quá trình kiến tạo sân chơi cho khởi nghiệp và ĐMST. Chúng tôi đề ra nhiệm vụ trong ngắn hạn (5 năm) là phát triển thị trường từ tài chính đến công nghệ và dài hạn (10 năm) là thay đổi giáo dục, tăng cường đào tạo về ĐMST, từ đó tạo tiền đề hình thành nên các DN và hỗ trợ họ” - ông Huỳnh Kim Tước cho biết thêm.
Không chỉ nỗ lực từ địa phương mà TP.HCM và Đà Nẵng còn là 2 đơn vị có thế mạnh từ đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng lớn trên địa bàn. Đây cũng là 2 địa phương (cùng với Hà Nội) sẽ được Chính phủ, Bộ KH-CN lựa chọn làm trung tâm cho ĐMST của quốc gia trong tương lai.
* Bài toán kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Đồng Nai
Trên thực tế, Đồng Nai hiện là địa phương có nền kinh tế thuộc tốp đầu cả nước, tiềm năng để phát triển khởi nghiệp là rất mạnh mẽ. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, điều quan trọng hiện nay là việc kết nối các nguồn lực để xây dựng nên mạng lưới khởi nghiệp của tỉnh và điều này không thể thiếu vai trò định hướng của Nhà nước.
Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho rằng để xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái trọng tâm vẫn là tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Bởi tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sẽ dẫn dắt hệ sinh thái thông qua việc tạo ra và giữ cho hệ sinh thái ấy phát triển.
“Tổ chức, cá nhân khởi nghiệp có thể đóng nhiều vai trò khác nhau trong hệ sinh thái như các nhà đầu tư, các nhà tư vấn, giảng viên các khóa học khởi nghiệp… và họ sẽ là hình mẫu lý tưởng cho những ai muốn khởi nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp hãy tìm đến chúng tôi để cùng phát triển tốt hệ sinh thái này” - Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông kỳ vọng.
Cũng theo ông Lại Thế Thông, Sở đã làm việc với các trường đại học trên địa bàn tỉnh để khảo sát, tìm hiểu cũng như đánh giá nhu cầu về thành lập các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp. Sắp tới, Sở tiến hành khảo sát nhu cầu này đối với các đơn vị, DN để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy thành lập các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp trên địa bàn. Nhiệm vụ trước mắt là sẽ tiến hành xây dựng khu làm việc tập trung cho các dự án, DN khởi nghiệp có nhu cầu kết nối. Đây là nơi hỗ trợ cho các dự án, DN khởi nghiệp về cơ sở vật chất làm việc ban đầu, đào tạo, kết nối với các vườn ươm, mentor, nhà đầu tư… Khu làm việc tập trung này kỳ vọng sẽ là hình mẫu để triển khai nhân rộng ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
“Các nghiên cứu và tư vấn quốc tế chỉ ra rằng, nguồn lực nhà nước có hạn và không tập trung vào làm những việc mà xã hội có thể làm tốt. Nhà nước cần tập trung vào những hoạt động mà cộng đồng xã hội không thể tự làm được như giáo dục về sáng tạo trong trường phổ thông và đại học. Đồng thời, xây dựng chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cung cấp hạ tầng và các kênh tài chính, kết nối cộng đồng hệ sinh thái ấy” - ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN, Sở KH-CN TP.HCM cho hay. |
Văn Gia