Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 100 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tại các cơ sở y tế trong tỉnh và 43 y, bác sĩ, tình nguyện viên các tỉnh bạn đến giúp Đồng Nai chống dịch bị nhiễm Covid-19.
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 100 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tại các cơ sở y tế trong tỉnh và 43 y, bác sĩ, tình nguyện viên các tỉnh bạn đến giúp Đồng Nai chống dịch bị nhiễm Covid-19.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Thảo (hàng sau bìa trái) cùng các nhân viên y tế tổ chức Tết Trung thu trong Bệnh viện Dã chiến số 3 cho các bệnh nhân F0 là trẻ em đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: NVCC |
Nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc sau khi được điều trị khỏi bệnh đã viết đơn xin ở lại bệnh viện, tiếp tục chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Họ chỉ có một mong muốn duy nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát để không chỉ các bệnh nhân mà cả các y, bác sĩ được trở về với gia đình sau thời gian xa cách.
* Tình nguyện ở lại
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, bệnh viện đảm nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cả 3 tầng của tháp điều trị. Nhân lực phục vụ tại 2 bệnh viện dã chiến số 2 và số 8, ở khu điều trị tầng 12 và Khu hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng từ 200-250 người.
Thời gian qua, toàn bệnh viện ghi nhận 44 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, nhân viên tòa nhà… nhiễm Covid-19. Trong đó, có nhiều trường hợp bác sĩ, điều dưỡng F0 không triệu chứng hoặc đã được điều trị khỏi xin ở lại để tiếp tục điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Hành động này rất đáng trân trọng, là tấm gương sáng cho nhiều y, bác sĩ khác noi theo trong điều kiện bệnh viện phải dàn mỏng nhân lực để thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng, chống dịch khác nhau.
Đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 8 (ký túc xá Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2, đóng tại xã An Phước, H.Long Thành), BS Lê Huyền Ẩn Linh, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, ngày 30-8, chị có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nguồn lây từ phía bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết.
BS Linh sau đó được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 8 để cách ly, điều trị. Những ngày đầu, BS Linh có triệu chứng sốt, ho, đau họng, hụt hơi nên cảm thấy khá lo lắng. Tuy nhiên, với sự động viên, hỗ trợ của các đồng nghiệp và các bệnh nhân Covid-19 khác, BS Linh đã ổn định tâm lý, hằng ngày thực hiện vệ sinh mũi họng, sử dụng thuốc hạ sốt khi bị sốt, tập thể dục, tập thở. 3 tuần sau điều trị, BS Linh có kết quả xét nghiệm âm tính. Thay vì về nhà để cách ly, nghỉ dưỡng, BS Linh đã xin được ở lại cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 8, vừa để hồi phục sức khỏe vừa có thể phụ giúp các đồng nghiệp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Từ ngày 1-10 đến nay, BS Linh làm việc ở Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Dã chiến số 8 từ 7-12 giờ/ngày.
Chia sẻ về khoảng thời gian vừa là bác sĩ, vừa là bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 8, BS Linh cho biết, điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất là nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của các đồng nghiệp và các lực lượng làm nhiệm vụ tại bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh nhân Covid-19 rất đoàn kết, thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong thời gian cách ly, điều trị. Vì thế mà BS Linh cảm thấy được an ủi và phấn chấn hơn.
* Thấu hiểu và chia sẻ
Giữa tháng 7, điều dưỡng Trịnh Thành Công, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cùng đồng nghiệp bắt đầu làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM, đóng tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Gần 1 tháng sau, anh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
“Mặc dù đã được tập huấn kỹ lưỡng, đã chích đủ 2 mũi vaccine nhưng khi biết tin, tôi cảm thấy hơi hoang mang và buồn. Tôi buồn vì trong lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều, nhân lực đang rất thiếu mà mình lại bị nhiễm bệnh, phải cách ly, điều trị” - điều dưỡng Công nhớ lại.
Để hỗ trợ công việc cho các đồng nghiệp, trong thời gian 10 ngày cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3, điều dưỡng Công đã trực tiếp chăm sóc cho 1 bệnh nhân Covid-19 là tình nguyện viên ở chung phòng với Công trước kia. Sau khi khỏi bệnh, điều dưỡng Công về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cách ly 7 ngày tại Khoa Nội tổng hợp, sau đó làm đơn tình nguyện quay trở lại Bệnh viện Dã chiến số 3 để tiếp tục “chiến đấu” cùng đồng đội.
Điều dưỡng Trịnh Thành Công đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 tại Phòng Cấp cứu Bệnh viện Dã chiến số 3 |
Hằng ngày, điều dưỡng Công theo dõi sát tình hình sức khỏe của bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân, cho bệnh nhân thở oxy, chích thuốc trong trường hợp cần thiết, nhắc nhở bệnh nhân thực hiện nghiêm 5K, chế độ dinh dưỡng tốt. Thậm chí, có những bệnh nhân Covid-19 bị bại liệt, người nhà không thể vào chăm sóc, điều dưỡng Công đã trực tiếp tắm rửa, vệ sinh cho bệnh nhân.
Nam điều dưỡng tâm sự, sau khi mắc bệnh, anh đã hiểu rõ hơn về bệnh Covid-19 nên thấu hiểu cảm giác của bệnh nhân Covid-19. Do vậy, anh cố gắng động viên, giúp đỡ các bệnh nhân để họ cảm thấy an tâm hơn, không quá hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong khi đó, điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Thảo (Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) chia sẻ, chị bị nhiễm Covid-19 ngày 17-8, sau gần 1 tháng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Khu hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng của bệnh viện. Điều dưỡng Thảo khi đó bị mất mùi, đau họng, đau đầu, được cách ly, điều trị ngay tại bệnh viện.
Ngày 31-8, chị Thảo được xác định khỏi bệnh, tiếp tục cách ly theo quy định 14 ngày. Tuy nhiên, đêm ngày 11-9, nhận được điện thoại cần hỗ trợ nhân lực gấp của bệnh viện, điều dưỡng Phương Thảo thu dọn đồ đạc tại phòng cách ly và đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 3 vào sáng hôm sau.
Chị Thảo cho hay, so với công việc tại Khu hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 3 nhẹ nhàng hơn. Các bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt nên các điều dưỡng không quá vất vả như khi chăm sóc cho bệnh nhân nặng.
“Vấn đề tâm lý và hoạt động dinh dưỡng, thể chất đối với bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ cực kỳ quan trọng. Do đó, tôi thường xuyên động viên bệnh nhân phải luôn lạc quan, không nên ủ rũ, lo lắng, thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể trạng, sớm khỏi bệnh về với gia đình” - điều dưỡng Phương Thảo bộc bạch.
Hạnh Dung
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế ĐÀM ĐỨC CHÍNH:
Hỗ trợ các y, bác sĩ F0
Đối với những trường hợp bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế không may bị nhiễm Covid-19, các Công đoàn cơ sở sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Với các trường hợp F1 liên quan đến F0 là nhân viên y tế được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA hỗ trợ 10 triệu đồng/người, đến nay Công đoàn ngành Y tế Đồng Nai mới nhận được 13 suất, còn lại đang tiếp tục thẩm định hồ sơ. Ngoài ra, Công đoàn ngành Y tế mua bảo hiểm an toàn trị giá 378 ngàn đồng cho 300 bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị F0. Mức hỗ trợ tối đa là 50 triệu đồng/người.
Chị HÀ THỊ YẾN (TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch):
Cảm ơn các y, bác sĩ
Tôi là công nhân đang ở trọ tại khu nhà trọ ở ấp 2, TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch. Trong nửa tháng điều trị ở Bệnh viện Dã chiến số 3, ngày nào chúng tôi cũng được điều dưỡng Công, điều dưỡng Thảo và các bác sĩ, điều dưỡng khác thăm khám, theo dõi tận tình. Tôi được cho dùng các loại thuốc và được hướng dẫn tập thể dục thường xuyên. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định, con trai cũng khỏe mạnh, không có triệu chứng gì nên được làm thủ tục xuất viện. Tôi rất biết ơn sự chăm sóc, hỗ trợ của các y, bác sĩ trong bệnh viện.