Hơn 3 tháng qua, kể từ khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đã có không ít thai phụ trở thành bệnh nhân Covid-19 và phải cách ly con ngay từ khi bé mới chào đời.
Hơn 3 tháng qua, kể từ khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đã có không ít thai phụ trở thành bệnh nhân Covid-19 và phải cách ly con ngay từ khi bé mới chào đời.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc các trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19. Ảnh: Minh Trang |
Buồn bã, lo lắng… là tâm trạng chung của các bà mẹ F0, thế nhưng nỗi bất an trên được xoa dịu phần nào vì các con của họ được chăm sóc tận tình bởi những người mẹ đặc biệt - những bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
* Dịu dàng như vòng tay mẹ
Ngay khi vừa chào đời, các trẻ sơ sinh có mẹ là F0 ở các cơ sở y tế trong tỉnh được chuyển thẳng về khu cách ly điều trị trẻ phơi nhiễm Covid-19 thuộc Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh để theo dõi, điều trị. Mỗi trẻ, tùy vào tình trạng sức khỏe sẽ phải nằm tại đây theo dõi từ 10-14 ngày. Trong quá trình theo dõi, chăm sóc tại khoa, mọi sinh hoạt của các bé từ uống sữa, thay tã, vệ sinh cá nhân, theo dõi diễn tiến sức khỏe... đều do các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thực hiện.
Bác sĩ TRẦN THỊ BÍCH PHƯỢNG, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khi ra đời không được mẹ ấp ủ, chăm sóc đó là một thiệt thòi rất lớn cho các bé sơ sinh. Thế nên, những bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện vẫn luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm để cố gắng bù đắp những thiệt thòi đó cho các bé bằng chính tình yêu thương của mình. |
Điều dưỡng Đào Thị Liên, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết: “Mẹ của các bé là F0 chủ yếu đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Một số bé sinh non hoặc bị một số di chứng lúc sinh như ngạt thở nên sức khỏe khá yếu. Để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm bệnh, ngay từ khi mới sinh, các bé đã phải rời xa mẹ, được đưa vào khoa để chăm sóc, điều trị”.
Với các bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, 3 tháng trở lại đây là khoảng thời gian công tác rất đặc biệt khi không chỉ đảm nhận công tác chuyên môn, họ còn phải kiêm luôn nhiệm vụ “bảo mẫu”. Do các trẻ được đặt trong lồng kiếng tại khu vực cách ly nên các điều dưỡng phải trực tiếp chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ cho các trẻ như những người mẹ chăm con. Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ trẻ có mẹ là F0 rất cao nên một số bác sĩ, điều dưỡng đã nhiều tuần liền không về nhà mà nghỉ lại tại bệnh viện để đảm bảo an toàn sau khi tiếp xúc với các trẻ sơ sinh này.
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho hay, với các trẻ bình thường (không có mẹ là F0), cứ cách 2-3 tiếng mới phải vào kiểm tra, thay tã, cho bé uống sữa. Nhưng riêng các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này, do tình hình sức khỏe các em vốn không tốt nên các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục túc trực, theo dõi bằng cả mắt thường lẫn chỉ số trên máy móc để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường
* Cố gắng bù đắp những thiệt thòi
Đến nay, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đã chăm sóc, điều trị cho 20 trẻ sơ sinh có mẹ là F0. Lúc cao điểm, khoa này có đến gần 10 trẻ có mẹ là F0 phải cách ly con để điều trị bệnh. Bình thường, công việc điều trị cho trẻ sơ sinh, sinh non trong khoa vốn đã vất vả, nay còn bận rộn hơn khi chăm sóc cho các trẻ là con của bệnh nhân F0, do đó các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa phải làm việc liên tục trong suốt kíp trực.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc các trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19 |
Bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh chia sẻ: “Chăm sóc, điều trị cho các bé sơ sinh thường vất vả gấp 5-6 lần so với trẻ lớn, riêng các bé sơ sinh có mẹ là F0 phải vất vả gấp 10 lần. Chưa kể, quá trình chăm sóc, điều trị, cũng rất dễ xảy ra rủi ro lây nhiễm Covid-19 cho những điều dưỡng, bác sĩ. Đặc biệt các ca trực đêm, chúng tôi phải chia nhau trông chừng, ăn uống cũng phải vội vàng. Chỉ cần tiếng động nhẹ do các bé ngọ nguậy, khóc là chúng tôi phải đến kiểm tra…”.
Điều dưỡng Đào Thị Liên cho biết thêm: “Chúng tôi làm công việc này trước hết vì trách nhiệm, sau đó là vì quá thương cho hoàn cảnh của các bé. Những trẻ sơ sinh bình thường luôn được cha mẹ chăm sóc, ấp ủ ngay khi vừa chào đời. Riêng các bé này quá thiệt thòi. Vì mẹ là F0 nên người nhà, người thân của các trẻ cũng là F0 hoặc F1 nên suốt thời gian ở đây, nhiều bé không có người thân bên cạnh”.
Trong trường hợp một số bé do người thân đã đi cách ly y tế, không thể tiếp tế sữa, tã thì chính các bác sĩ, điều dưỡng huy động các mạnh thường quân kịp thời cung cấp, hỗ trợ đầy đủ cho các bé. “Làm thì phát sinh thêm việc, nhưng không làm thì các trẻ sẽ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng sức khỏe. Chúng tôi luôn cố gắng để bù đắp thiệt thòi trong những ngày đầu đời cho các bé” - chị Liên chia sẻ.
Không chỉ vất vả, trong suốt quá trình chăm sóc, điều trị cho các trẻ sơ sinh có mẹ là F0 cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho các bác sĩ, điều dưỡng. Thế nhưng, vì yêu nghề, vì tình thương với các bé, các bác sĩ, nhân viên y tế đã cố gắng vượt qua khó khăn để chăm sóc, điều trị cho các bé và hơn hết, họ luôn mong các bé sớm ổn định sức khỏe, mẹ các bé mau bình phục để được trở về với gia đình.
Điều dưỡng Đào Thị Liên, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chuẩn bị trang phục bảo hộ trước khi vào chăm sóc các trẻ bị phơi nhiễm Covid-19 |
Sau thời gian theo dõi, điều trị nhận thấy sức khỏe các bé phát triển bình thường và có kết quả 3 lần xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, các bé có mẹ là F0 đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực sẽ được chuyển sang khu chăm sóc bình thường để chờ người thân đón về.
Gia đình bé N.T.H.L. (ngụ TP.Biên Hòa) rất vui mừng khi con của họ hoàn toàn khỏe mạnh, tăng trưởng tốt từ khi được gửi vào Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai từ giữa tháng 9-2021 đến nay. Do cả gia đình đều đi cách ly y tế nên không thể trực tiếp chăm sóc cho con. Nhờ các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây chăm sóc, con của họ đã mạnh khỏe và được đoàn tụ cùng gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huế bộc bạch: “Mỗi khi có bé được người nhà mà đặc biệt là cha mẹ đón về là chúng tôi lại mừng vì thêm một gia đình được đoàn tụ. Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, không có niềm vui nào bằng niềm vui gia đình đoàn tụ. Những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ các bé khi được ẵm bồng, nâng niu con mình sau nhiều ngày xa cách luôn làm chúng tôi xúc động và thấy sự nỗ lực của mình rất có ý nghĩa”.
Minh Trang