Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên những nẻo đường chống dịch...

10:10, 01/10/2021

Đưa đón bệnh nhân, chuyên chở vật tư y tế… là công việc thầm lặng của cánh lái xe trong đại dịch khi nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Đưa đón bệnh nhân, chuyên chở vật tư y tế… là công việc thầm lặng của cánh lái xe trong đại dịch khi nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Anh Trần Văn Thủy (bên phải) trao đổi với đồng nghiệp trước khi làm nhiệm vụ đón bệnh nhân xuất viện. Ảnh: B.NHÀN
Anh Trần Văn Thủy (bên phải) trao đổi với đồng nghiệp trước khi làm nhiệm vụ đón bệnh nhân xuất viện. Ảnh: B.NHÀN

* “Nếu ai cũng sợ thì bao giờ hết dịch”

Nhiều năm nay, anh Lê Công Trung làm tài xế của Trung tâm Y tế H.Tân Phú. Công việc của anh đa phần gắn liền với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng. Với các loại dịch bệnh truyền nhiễm cũ, công việc của anh Trung nhẹ nhàng hơn bởi chỉ chở nhân viên y tế hoặc vật tư y tế dập dịch.

Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, công việc của anh Trung đã thay đổi. “Tôi nhớ, lúc ấy là những ngày gần Tết Nguyên đán Tân Sửu, thay vì được chở vợ con đi sắm Tết thì tôi bắt đầu nhiệm vụ lái xe cho công tác phòng, chống dịch Covid-19” - anh Trung nhớ lại.

Từ khi đó, anh Trung bắt đầu những ngày dài, ăn ngủ tạm bợ cùng xe cấp cứu để chở các mẫu cần xét nghiệm từ H.Tân Phú lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, hoặc chở các ca bệnh F0 đi điều trị và chở F1 đi cách ly. Công việc này khá áp lực, phần vì đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, phần vì khâu nào cũng cần đến xe chuyên chở đặc biệt.

Anh Trung chia sẻ: “Không phân biệt ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật, chỉ cần nhận điện thoại là chúng tôi lại lên đường. Hầu như ngày nào tôi cũng phải chạy xe cả. Có ngày, tôi phải chạy xe liên tục không kịp ăn cơm, chỉ uống nước hoặc pha vitamin C uống cầm chừng”.

“Gặp” nhiều trường hợp F0, F1 trong các lần chuyên chở, nhưng anh Trung cũng không khỏi thương cảm trước nhiều nghịch cảnh. “Lần đó đã khuya, tôi nhận cuộc gọi chở một gia đình có 3 người đi điều trị tại bệnh viện dã chiến ở H.Thống Nhất. Hai vợ chồng là F0 nhưng không có người trông con giúp nên bế theo con mới hơn 10 ngày tuổi cùng vào viện. May mắn không lâu sau, họ đã khỏi bệnh và ra viện. Tôi cũng là người chở họ về tận nhà” - anh Trung kể.

Anh Trần Văn Thủy chuẩn bị công việc đưa đón F0 về nhà
Anh Trần Văn Thủy chuẩn bị công việc đưa đón F0 về nhà

Từ cuối tháng 7-2021, anh Trần Văn Thủy (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) bắt đầu công việc thiện nguyện, chuyên chạy xe chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện rồi ra viện hoặc các ca F1 đi cách ly tập trung tại TP.Biên Hòa. Khi các ca nhiễm Covid-19 của TP.Biên Hòa tăng cao, nhu cầu vận chuyển bệnh nhân cũng tăng, trong khi đó không dễ tìm tài xế chạy xe chở bệnh nhân, nên anh Thủy đã tình nguyện tham gia.

“Không tiền lương, không phải ai cũng dám chạy xe chở bệnh nhân Covid-19. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng sợ không dám làm thì bao giờ dịch mới được kiểm soát đây?” - anh Thủy chia sẻ.

Cũng là tình nguyên viên, anh Đào Đoàn Thắng (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) tham gia vào đội ngũ lái xe chuyên chở các ca F0, F1 và vaccine. Mỗi ngày, anh Thắng tham gia vận chuyển cấp cứu các ca F0 tại cộng đồng, khu dân cư bị phong tỏa hoặc các bệnh nhân nặng từ các khu cách ly đến các tuyến bệnh viện chữa trị cao hơn. 

* Không về nhà gặp người thân

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tất cả tài xế đều trang bị rất đầy đủ các loại cồn xịt khuẩn, khẩu trang các loại. Còn đồ bảo hộ, ngành Y tế cấp thành 2 loại riêng biệt. Đồ bảo hộ chở F0 được thiết kế đặc biệt hơn, dày hơn và cũng bí, nóng hơn nhiều so với đồ bảo hộ chuyển F1 hoặc đón bệnh nhân sau khi chữa trị trở về.

“Khi làm tài xế xe khách, tôi có thể vô tư, nhiệt tình tiếp xúc, nói chuyện và giúp đỡ hành khách lên xe. Nhưng khi chở bệnh nhân, vì đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội, tôi chỉ đành lặng nhìn họ tự xoay xở lên xe. Bởi nếu tôi bị bệnh, công việc cũng sẽ khuyết mất một người” - anh Trung cho hay.

Từ khi nhận nhiệm vụ lái xe phòng, chống dịch Covid-19, những tài xế thường không về nhà. Họ chọn cách ở lại nơi làm việc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân.

Anh Lê Công Trung, tài xế Trung tâm Y tế H.Tân Phú, tranh thủ nằm nghỉ bên lề đường khi chờ đón các ca F1 hết cách ly
Anh Lê Công Trung, tài xế Trung tâm Y tế H.Tân Phú, tranh thủ nằm nghỉ bên lề đường khi chờ đón các ca F1 hết cách ly

Anh Trung cho hay: “Nhiều lần vợ nấu những món ngon mà tôi thích và gọi điện về nhà ăn cơm nhưng tôi mới chở F0 đi điều trị tại các bệnh viện dã chiến nên không dám về. Vậy là bà xã đành đóng vào hộp, chuẩn bị thêm quần áo rồi để ngoài ngõ, tôi ghé qua lấy rồi lại vào bệnh viện”.

Tương tự, anh Thủy cũng không về nhà từ ngày tình nguyện vào đội lái xe của TP.Biên Hòa. Anh Thủy cũng không được lựa giờ làm việc. Do số lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố quá lớn nên lực lượng lái xe làm việc hết công suất. Mỗi lần lên, xuống xe, anh Thủy đều xịt cồn 70 độ toàn thân để giữ an toàn.

Không chỉ đưa bệnh nhân đến các bệnh viện dã chiến điều trị mà ngay cả lúc xuất viện, những chuyến xe này cũng đưa bệnh nhân về. Phần lớn trường hợp tài xế chỉ đưa bệnh nhân về giao lại các trạm y tế, sau đó, địa phương sẽ đưa họ về nhà. Riêng những trường hợp người già, trẻ em và thai phụ sẽ được xe đưa về tận nhà, nhất là buổi tối.

Bác sĩ Đậu Ngọc Trung, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa cho hay, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, TP.Biên Hòa bố trí 18 xe để vận chuyển các ca F0, cách ly F1 và chở những ca test dương nhanh về khu chờ kết quả PCR. Trong đó, 5 xe cấp cứu dành chở cho các ca F0 có triệu chứng. Trước khi hoạt động, tất cả tài xế đều được tập huấn về phòng, chống dịch. Khi chuyển bệnh nhân đi, ngoài tài xế sẽ có nhân viên y tế đi theo.

“Họ làm việc thường từ 7 giờ sáng cho tới khi hết việc, có những ngày phải xuyên đêm để đảm bảo đưa các F0, F1 đi điều trị hoặc cách ly. Công việc của họ cũng áp lực và vất vả gần như nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch” - bác sĩ Trung bày tỏ.

Có những ngày phải chạy liên tục, trong khi chờ đợi bệnh nhân chuẩn bị đồ, làm thủ tục nhập hoặc xuất viện, những người tài xế như anh Trung, anh Thủy… phải tranh thủ “chợp mắt” ngay bên vệ đường trong bộ đồ bảo hộ.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, riêng TP.Biên Hòa, lượng bệnh nhân đông nên UBND TP.Biên Hòa phải điều động xe từ bến xe TP.Biên Hòa tham gia công tác vận chuyển. Trung bình mỗi ngày, đội xe của TP.Biên Hòa phải vận chuyển khoảng 500 người gồm: F0 tại cộng đồng vào bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly tập trung; bệnh nhân xuất viện; F1 đi cách ly tại các địa phương hoặc hoàn thành cách ly. Cường độ làm việc của đội lái xe rất cao.

Bích Nhàn

 

Tin xem nhiều