Với mục tiêu vừa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, vừa bảo vệ môi trường, hàng loạt dự án xây dựng kè sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa đã và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Với mục tiêu vừa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, vừa bảo vệ môi trường, hàng loạt dự án xây dựng kè sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa đã và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tuyến kè ven sông Đồng Nai đoạn dọc đường Nguyễn Văn Trị là tuyến kè được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Ảnh: P.Tùng |
* Khởi động nhiều dự án mới
Chảy xuyên qua lòng đô thị Biên Hòa, sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là một “báu vật” và là trục chính để phát triển đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị ven sông. Cùng với đó, sông Đồng Nai cũng có giá trị rất lớn trọng việc phát triển vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh.
Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, với đặc điểm chảy qua “lòng” TP.Biên Hòa, ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, sông Đồng Nai mang trong mình giá trị rất lớn trong việc kiến tạo, hình thành cảnh quan, tạo nét riêng cho đô thị Biên Hòa.
Sông Đồng Nai dài 586km chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, trong đó đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng hơn 200km. |
Với những tiềm năng và thế mạnh đó, Đồng Nai xác định sông Đồng Nai chính là trục chính trong không gian cảnh quan của đô thị Biên Hòa. Mục tiêu mà tỉnh đề ra là phải khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đi đôi với bảo vệ môi trường sông Đồng Nai trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, Đồng Nai đã quy hoạch hàng loạt dự án xây dựng kè dọc sông Đồng Nai nhằm gia cố, chống sạt lở.
Hiện nay, dọc sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa mới chỉ có tuyến kè sông dọc đường Nguyễn Văn Trị là đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Trong khi đó, phần lớn chiều dài sông còn lại đều chưa được xây dựng kè nên nhiều đoạn sông Đồng Nai thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.
Chính vì vậy, trong những năm qua, một số dự án xây dựng tuyến kè ven sông Đồng Nai cũng đã được triển khai thực hiện như: dự án kè gia cố sông Đồng Nai đoạn từ đình Phước Lư đến Khu dân cư Rạch Cát (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa); dự án kè gia cố bờ sông Đồng Nai đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát P.Thống Nhất đến Nhà máy xử lý nước thải số 2 P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa... Cùng với đó, hàng loạt dự án xây dựng kè ven sông Đồng Nai tiếp tục được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để có thể khởi công dự án Xây dựng tuyến kè ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh với H.Vĩnh Cửu trong quý IV-2021.
Dự án Xây dựng tuyến kè ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh với H.Vĩnh Cửu có chiều dài khoảng 5,2km được thực hiện kết hợp với dự án Xây dựng đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh được triển khai thực hiện trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cùng với dự án này, một số các dự án xây dựng các tuyến kè ven sông Đồng Nai khác hiện cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: xây dựng tuyến kè gia cố sông Đồng Nai từ P.Tam Hiệp đến P.An Bình; xây dưng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh.
* Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Theo định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đồng Nai được xác định là trục cảnh quan đô thị chính của TP.Biên Hòa. Đồng Nai sẽ quy hoạch phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của dòng sông này. Với mục tiêu đó, việc triển khai xây dựng hệ thống kè sông Đồng Nai sẽ tạo tiền đề để phát triển trục cảnh quan cũng như hệ thống đô thị ven sông theo hướng bền vững.
Dự án Xây dựng kè gia cố sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh hiện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư |
Trên thực tế, ngoài các dự án xây dựng các tuyến kè ven sông Đồng Nai nói trên, một số dự án xây dựng kè sông cũng được “lồng ghép” khi triển khai các dự án giao thông, thoát nước dọc sông Đồng Nai như dự án đường ven sông Cái, đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản. Điều này sẽ đảm bảo cho mục tiêu vừa khai thác tiềm năng, lợi thế vừa bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.
Mục tiêu kép vừa khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vừa bảo vệ tốt môi trường sông Đồng Nai cũng được Đồng Nai đặt ra với các dự án phát triển đô thị ven sông. Bởi với đặc điểm chảy xuyên qua lòng đô thị, quỹ đất dọc hai bên sông Đồng Nai cũng được xem là quỹ đất vàng để phát triển các khu đô thị ven sông. Hiện nay, một số dự án khu đô thị ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP.Biên Hòa đã được triển khai thực hiện. Trong khi đó, theo định hướng quy hoạch, thời gian tới, bên cạnh các công trình dự án ven sông phục vụ cho mục đích công cộng, các dự án khu đô thị ven sông Đồng Nai cũng sẽ được triển khai thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc phát triển các dự án khu đô thị ven sông Đồng Nai của tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng các khu đô thị hiện đại, tạo không gian sống xanh. Do đó, việc bảo vệ môi trường sông Đồng Nai khi triển khai các dự án là yêu cầu bắt buộc. Đối với các dự án khu đô thị ven sông Đồng Nai, tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện xây dựng các tuyến kè ven sông nhằm chống sạt lở, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phạm Tùng