Trước những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai đã chủ động chuyển động, linh hoạt các loại hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
[links()]Trước những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai đã chủ động chuyển động, linh hoạt các loại hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
Bên cạnh kinh doanh dịch vụ quán ăn, một cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) hiện còn kinh doanh thêm các loại trái cây. Ảnh: Hải Hà |
Một số quán ăn, nhà hàng đã linh động chuyển đổi, kinh doanh thêm quầy, sạp rau củ quả bán hàng nhu yếu phẩm cho người dân. Ngoài ra, có nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến “nở rộ” từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư…
* Khi quán ăn, quán nhậu “hóa” thành sạp rau, quả…
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, nhất là nguồn cung ứng thực phẩm, rau xanh chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, nhiều thời điểm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị quá tải, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã linh động chuyển hướng sang kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, rau củ quả…
Đây là giải pháp tạm thời để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh, vừa là phương án để nhiều hàng quán “cầm cự” khi các loại hình dịch vụ tạm thời đóng cửa trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Anh Nguyễn Phương Bảo Trung, chủ cửa hàng gà rán Papas’ Chicken (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ tháng 7-2021, trong khoảng 3 tháng giãn cách xã hội, cửa hàng gà rán bị gián đoạn, tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, cửa hàng đã tận dụng mặt bằng để chuyển đổi sang kinh doanh các mặt hàng rau củ quả Đà Lạt.
“Ban đầu, tôi chỉ dự định nhập rau quả để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đó, khi thấy nhu cầu về rau củ quả tăng cao, nhất là khi một số siêu thị bị quá tải, các chợ truyền thống tạm đóng cửa nên tôi quyết định nhập nguồn hàng rau củ quả Đà Lạt để cung ứng cho người dân địa phương xung quanh cửa hàng, cũng như hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh rau củ quả trong đợt dịch ngày càng được nhiều khách hàng ủng hộ, cửa hàng còn tăng cường thêm các hình thức đặt hàng qua fanpage trên mạng xã hội. Đợt cao điểm lúc đó, trung bình mỗi ngày cửa hàng cung ứng khoảng 700-900kg rau củ quả” - anh Trung cho biết thêm.
Đến nay, sau khi nhiều loại hình dịch vụ đã được nới lỏng, mở cửa trở lại, nhiều hàng quán vẫn chủ động duy trì hoặc mở thêm sạp bán thực phẩm, rau củ quả, xem đây như là một mảng kinh doanh “tay trái” để tận dụng mặt bằng kinh doanh, có thêm nguồn thu khi các loại hình kinh doanh dịch vụ chính vẫn còn chưa ổn định, lượng khách chưa cao.
Anh Bảo Trung chia sẻ, hiện nay khi nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng quán được mở cửa trở lại, cửa hàng đã quay trở lại với hoạt động kinh doanh gà rán. Do nhu cầu về rau củ quả cũng đã bão hòa sau khi hết giãn cách xã hội nên cửa hàng đã thu gọn mô hình rau củ quả trong dịch thành một quầy bán trái cây tại cửa hàng. Trong thời gian tới, song song với việc duy trì kinh doanh quán ăn, cửa hàng dự kiến sẽ hoàn thiện và phát triển thêm mô hình bán nông sản sạch, trái cây nhập khẩu để tận dụng lợi thế mặt bằng của cửa hàng có nhiều tầng, nằm ở mặt tiền trục đường lớn để chủ động thích ứng linh hoạt với những rủi ro của dịch bệnh.
Một quán ăn trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) tận dụng mặt bằng để kinh doanh thêm các loại rau củ quả, thực phẩm vào buổi sáng |
Tương tự, bà Chu Thị Uyên, đại diện cửa hàng Hội quán 1039 (đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cửa hàng kinh doanh quán ăn và bia hơi. Đến khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống của cửa hàng đã tạm ngưng để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Sau khi quán ăn được mở bán trở lại, khoảng hơn 1 tháng nay, bên cạnh việc kinh doanh quán ăn vào buổi chiều và buổi tối thì vào buổi sáng và buổi trưa, cửa hàng còn bán các loại thực phẩm, rau củ quả với giá bình ổn để phục vụ nhu cầu của người dân xung quanh, cũng như tận dụng mặt bằng kinh doanh, kiếm thêm nguồn thu nhập trong bối cảnh hoạt động kinh doanh quán ăn vẫn còn chưa vào “guồng” ổn định.
* Bán hàng trực tuyến lên ngôi
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, thị hiếu tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân có nhiều thay đổi. Xu hướng mua - bán hàng trực tuyến thông qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo… ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Hàng hóa trên “sàn” mạng xã hội, kênh bán trực tuyến cũng ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả… từ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc sản vùng miền đến các mặt hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm và đặc biệt còn có cả loại sản phẩm về sức khỏe, phòng chống dịch như: khẩu trang y tế, kính chống giọt bắn, các loại nước rửa tay khử khuẩn…
Chị Thảo Huỳnh, chủ cửa hàng đồ gia dụng ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, chị đã mở cửa hàng tại nhà được hơn 2 năm để kinh doanh các mặt hàng gia dụng chủ yếu phục vụ bếp núc như: chén, ly, nồi, bếp điện... Đặc biệt, kể từ khi dịch bệnh bùng phát và giãn cách xã hội dài ngày, nhận thấy bán những mặt hàng gia dụng trực tiếp không có nhiều hiệu quả, chị đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức online. Qua đó, chị tập trung đăng hình ảnh, bài viết về các mặt hàng lên trang Facebook, Zalo cá nhân với mức giá ưu đãi để khách lựa chọn, sau đó chị cử nhân viên giao hàng (shipper) riêng của cửa hàng vận chuyển miễn phí cho khách. Dịch bệnh vẫn đang kéo dài, nhận thấy nhu cầu mua và sử dụng vật tư y tế tăng cao, gần như trở thành mặt hàng thiết yếu nhất hiện tại nên sẵn với lượng khách hàng thân quen, chị còn chủ động nhập các loại khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước rửa tay, cồn sát khuẩn... từ TP.HCM về kinh doanh thêm.
“Cửa hàng của tôi luôn bán hàng chất lượng, đặt uy tín lên trên hết cùng với việc miễn phí vận chuyển nên được rất nhiều khách hàng tin dùng, ủng hộ. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh lẫn sản phẩm kinh doanh để thích nghi với đại dịch vừa tạo ra thu nhập, vừa mang lại nhiều tiện ích cho cả người mua lẫn người bán. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 40-50 đơn hàng, chủ yếu là lượng khách đặt mua các loại vật tư y tế như khẩu trang, cồn sát khuẩn...” - chị Thảo Huỳnh chia sẻ.
Đại diện một số nhà hàng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.Biên Hòa cho hay, kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với diễn biến khó lường, hoạt động kinh doanh chịu nhiều tác động. Để thích ứng, các cửa hàng đẩy mạnh hình thức cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu theo gói combo, các món ăn được chế biến sẵn cho khách hàng thông qua việc đặt mua trực tuyến và kết nối với đội ngũ shipper chuyên nghiệp để giao hàng đến nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa và các khu vực lân cận. Việc này góp phần tiết kiệm chi phí, tiết giảm nhân công khi tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
* Ứng biến bằng các phương án kinh doanh dự phòng
Trên thực tế, dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh chủ động dự phòng thêm các phương án kinh doanh linh hoạt để thích ứng với những rủi ro từ dịch bệnh và biến động từ thị trường. Qua đó, mở thêm các mô hình, sản phẩm mới để thu hút khách hàng; chủ động ứng dụng công nghệ, từng bước khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc chuỗi Trung tâm Ngoại ngữ Taiyou ở TP.Biên Hòa chia sẻ, bên cạnh chuỗi trung tâm Nhật ngữ, vào khoảng giữa năm 2021, ông còn góp vốn với bạn bè mở thêm cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng Nhật Bản tại P.Trảng Dài.
Khi cửa hàng mới đi vào hoạt động và bắt đầu có doanh thu thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cửa hàng phải tạm nghỉ để phòng, chống dịch theo quy định. Trong thời gian đó, cửa hàng đã tranh thủ hoàn thiện hệ thống bán hàng online và ký kết với các đơn vị chuyển phát nhanh uy tín. Đến khoảng tháng 10 vừa qua, khi được mở bán trở lại, cửa hàng đã trở nên hoàn thiện hơn, chủ động kết hợp 2 kênh bán hàng: bán tại cửa hàng và bán hàng trực tuyến để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, đảm bảo đưa sản phẩm chất lượng đến khách hàng. Hơn thế nữa, sau thời gian nghỉ dịch, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nên tình hình kinh doanh của cửa hàng có nhiều khả quan và tích cực.
“Đợt dịch vừa rồi đã giúp tôi nhận ra nhiều vấn đề. Trong đó, quan trọng nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành sao cho hiệu quả nhất. Hiện nay, tại mỗi cơ sở đào tạo và cửa hàng tiện lợi, tôi đều xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến, các báo cáo về tình hình học viên, các khóa học online hay doanh thu bán hàng đều có phần mềm hỗ trợ phù hợp, linh hoạt. Bên cạnh đó, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, tôi cũng dự phòng các phương án 2, phương án 3… để chủ động ứng biến với những “biến cố kinh doanh”, những rủi ro về dịch bệnh như trong thời gian qua” - ông Tuyến bộc bạch.
Hải Hà