Trong căn phòng chứa kỷ vật của những người đã tử vong hoặc đang nguy kịch, hôn mê vì Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chứa rất nhiều đồ đạc từ quần áo, giày dép, ba lô đến những đồ vật có giá trị như: đồng hồ, điện thoại, iPad, ví tiền…
Trong căn phòng chứa kỷ vật của những người đã tử vong hoặc đang nguy kịch, hôn mê vì Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chứa rất nhiều đồ đạc từ quần áo, giày dép, ba lô đến những đồ vật có giá trị như: đồng hồ, điện thoại, iPad, ví tiền…
Điều dưỡng Trần Thị Kiều Linh (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) trao trả từng món đồ là kỷ vật của một bệnh nhân đã tử vong do Covid-19 cho gia đình bệnh nhân. Ảnh: T.Tâm |
Phần lớn thân nhân của bệnh nhân khi nhận lại những kỷ vật này rất xúc động vì đối với họ những vật dụng này mang nhiều ý nghĩa tinh thần, giúp gợi nhớ về người thân của họ vừa qua đời do đại dịch.
* Trao trả kỷ vật của bệnh nhân Covid-19 tử vong
Mở bọc ny-lông màu vàng, bên trong có ba lô của người chồng đã mất vì Covid-19, bà T.M.L. (58 tuổi, ngụ tại H.Thống Nhất) lặng người, hai hàng nước mắt chảy dài. Trong số di vật có một chiếc đồng hồ dây sắt cũ, vẫn còn vài đường rạch mờ trên mặt kính, đôi chỗ trên dây bị mòn do chồng bà dùng đã lâu; một chiếc điện thoại thông minh vẫn còn mới và cả một số giấy tờ mang tên ông L.T. (63 tuổi, chồng bà L.).
Sau khi sát khuẩn các vật dụng, bà L. chầm chậm nhặt từng món đồ của chồng khóc nức nở vì đây là những vật dụng ông luôn mang theo bên người.
Bà L. kể lại, vợ chồng bà đã sống với nhau được hơn 30 năm nên đồ vật của chồng, bà đều nhớ rõ. Tuổi già với nhiều bệnh nền, nhất là bị đái tháo đường nên sức đề kháng của ông khá yếu. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, ông bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
BS CKII ĐINH CAO MINH, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, chúng tôi đã trao trả rất nhiều kỷ vật, trong đó có nhiều tài sản có giá trị của bệnh nhân tử vong do Covid-19 cho người nhà của họ. Quy trình lưu giữ, trao trả kỷ vật của bệnh nhân đang được bệnh viện thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế thấp nhất những vật dụng bị thất lạc. |
“Ban đầu khi thấy ông ấy khó thở, bác sĩ đã yêu cầu nhập viện điều trị, cách ly y tế. Người thân không được đi theo chăm sóc. Cứ tưởng ông ấy sẽ sớm hồi phục ngờ đâu 15 ngày sau khi nhập viện, tôi nhận thông báo chồng mình đã qua đời” - bà L. bộc bạch.
Sau đó, bà L. cùng con trai được bệnh viện yêu cầu lên làm thủ tục, nhận tro cốt của chồng cùng với một số di vật của ông để lại. Nỗi đau đột ngột mất người thân bao trùm lấy gia đình bà L. Thế nhưng, bà vẫn thấy bản thân may mắn vì bệnh viện đã rất tử tế khi trao trả đầy đủ những di vật của người chồng đã mất cho bà. Theo bà, đó là niềm an ủi rất lớn đối với bà và gia đình khi nhìn thấy những kỷ vật mà ông yêu thích là mọi người lại nhớ đến ông.
Có những người chết đi để lại nhiều tài sản có giá trị tại bệnh viện từ điện thoại thông minh, trang sức, tiền, iPad… nhưng cũng có những người mất rồi cũng chỉ để lại một chiếc điện thoại cũ kỹ, đôi dép kẹp và một vài bộ quần áo. Thế nhưng, với gia đình bệnh nhân tử vong, những di vật đó rất trân quý.
Anh L.V.K. (28 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, cha anh bị thận nặng, hằng tháng phải chạy chữa, nhưng không may bị nhiễm Covid-19 nên chỉ sau 18 ngày, ông tử vong. Khi đi chữa trị, cha anh K. chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo, tiền và một chiếc điện thoại cũ để liên lạc.
“Cầm điện thoại theo nhưng chỉ ngày đầu còn liên lạc được với cha, sau đó thì bặt vô âm tính. Hỏi han từ bệnh viện, tôi biết được cha đã hôn mê sâu. Rồi 18 ngày sau, tôi nhận tin cha mất, sau đó lên nhận tro cốt và những di vật để lại. Dù không cứu được cha vì bệnh quá nặng nhưng bệnh viện cũng đã rất tận tình trao trả lại các di vật. Gia đình tôi cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã tích cực điều trị cho cha và giữ gìn, trao lại kỷ vật cho gia đình tôi” - anh K. chia sẻ.
* Nghĩa tử là nghĩa tận
Bên cạnh những gia đình nhận lại được kỷ vật của người thân mất vì bệnh Covid-19 cũng có những gia đình mong mỏi nhận lại di vật, dù chỉ là một món đồ duy nhất của người thân đã tử vong trong đại dịch để lại, thế nhưng di vật đó đã thất lạc.
Bà M.T.T. (43 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) kể lại, cha bà nhiễm bệnh Covid-19 khi tham gia tuyến đầu chống dịch tại địa phương và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, rồi không may tử vong sau đó. Tuy nhiên, đến nay bà vẫn chưa nhận được kỷ vật của ông để lại như: đồng hồ, điện thoại, giấy tờ tùy thân… Theo bà T., những món đồ đó đều đã cũ, không có nhiều giá trị về mặt vật chất nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với bà nên bà mong rằng sẽ sớm tìm lại để bà phần nào được an ủi sau cái chết của cha.
Trong thời gian qua, để giúp gia đình bệnh nhân tử vong vì Covid-19 nhận lại được những di vật, các nhân viên y tế và đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện đã luôn tận tâm, chu đáo trong việc cất giữ và trao trả di vật cho gia đình người đã mất.
Trong căn phòng chật chội chứa đồ đạc của bệnh nhân nặng hoặc người đã tử vong do Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chị Dương Thị Hoa (điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc) vẫn miệt mài tìm từng túi đồ để trả lại cho gia đình bệnh nhân. Đôi mắt điều dưỡng Hoa rà nhanh từng chiếc bọc, đọc từng tên và ánh lên sự vui mừng khi tìm thấy đồ vật cần tìm trả lại cho thân nhân bệnh nhân.
Điều dưỡng Hoa kể lại, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, chị được điều động từ Khoa Cấp cứu chống độc tăng cường cho khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Thời gian đầu, do số ca bệnh nặng nhiều, người tử vong cũng tăng lên đáng kể nên từ các bác sĩ đến nhân viên y tế đều căng mình, dành sức cho công tác điều trị bệnh nhân mà ít quan tâm nhiều đến các vật dụng, đồ dùng người đã tử vong. Tuy nhiên khi mọi việc đi vào ổn định, công việc cất giữ và trao trả lại kỷ vật cho gia đình có người tử vong được quan tâm hơn.
Một thân nhân bệnh nhân tử vong do Covid-19 xúc động khi nhận lại kỷ vật cuối cùng của người thân |
“Thời gian đầu, ai nấy đều rất bận rộn và vất vả. Dịch bệnh trước đây cũng chưa từng có tiền lệ nên còn lúng túng trong việc cất giữ đồ vật cho bệnh nhân tử vong do Covid-19. Đó cũng là lý do có một số di vật của bệnh nhân để lại đã bị thất lạc. Khi mọi hoạt động dần đi vào ổn định, chúng tôi bắt đầu thiết lập phòng cất giữ đồ vật cho bệnh nhân hôn mê và di vật của người chết một cách bài bản, quy củ hơn” - chị Hoa kể lại.
Sáng 21-11, vừa đem một chiếc túi màu nâu chứa đồ dùng của một người mới tử vong do Covid-19 đến cất giữ tại đây, điều dưỡng Trần Thị Kiều Linh vội cho vào một chiếc bọc ny-lông màu vàng, cột lại cẩn thận. Sau đó, chị Linh dán phía ngoài bọc một miếng giấy A4 có viết dòng chữ bằng bút lông màu xanh với tên bệnh nhân đã tử vong và số điện thoại gia đình họ.
Chi Linh nói, mọi quy trình việc cất giữ đồ, gọi điện thoại cho gia đình bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại bệnh viện và lập biên bản khi trao trả tài sản đã được thực hiện rất bài bản và khoa học.
“Mọi người đều có trách nhiệm cất giữ đồ và bảo quản tài sản cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Những vật dụng có giá trị, chúng tôi đều cất giữ riêng để tránh làm hư hỏng, thất lạc” - chị Linh cho hay.
Việc cất giữ đồ vật trao trả cho gia đình bệnh nhân nhiễm Covid-19 không may bị tử vong của các bệnh viện là việc làm rất tử tế, mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Bởi những di vật cuối cùng để lại của bệnh nhân tử vong do Covid-19 là vô cùng quý giá về mặt tinh thần đối với thân nhân của họ. Việc này cũng như sự động viên, chia sẻ của bệnh viện với những gia đình không may có người thân tử vong trong đại dịch Covid-19.
Tố Tâm