Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Trần Viết Bính - người chiến binh da mồi tóc bạc

08:11, 12/11/2021

Giữa những ngày đầu tháng 8-2021, nhạc sĩ Trần Viết Bính phấn khởi cho tôi "xem" bản in giấy của 5 ca khúc, có những trang còn "nóng hổi" ông vừa viết hưởng ứng cuộc vận động sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai về phong trào phòng, chống Covid-19.

Giữa những ngày đầu tháng 8-2021, nhạc sĩ Trần Viết Bính phấn khởi cho tôi “xem” bản in giấy của 5 ca khúc, có những trang còn “nóng hổi” ông vừa viết hưởng ứng cuộc vận động sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai về phong trào phòng, chống Covid-19.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính trao đổi với tác giả
Nhạc sĩ Trần Viết Bính trao đổi với tác giả

* Tiếp tục trải lòng trên 5 dòng kẻ…

Theo dõi diễn biến của đại dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên, khi Việt Nam phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 số 1 vào ngày 23-1-2020 đến khi làn sóng dịch thứ 4 trở lại vào những ngày đầu tháng 6-2021 mang theo diễn biến khó lường và cực kỳ nguy hiểm tại các ổ dịch lớn và phức tạp ở Bắc Giang, TP.HCM, Đồng Nai…, lão nhạc sĩ đứng ngồi không yên. Ông đau đớn khôn cùng khi bao nhiêu người ra đi vội vàng, trong đó không ít người trẻ tuổi, cả những người làm nghệ thuật giống như ông. Họ vẫn nói, vẫn cười, vẫn lướt Facebook, vẫn vẽ tranh, làm thơ, vẫn gọi điện bàn chuyện Covid-19 với ông, dặn dò ông tuân thủ quy định 5K vừa mới hôm qua…

Xót xa, thương cảm không sao tả hết, nhạc sĩ Trần Viết Bính lại tiếp tục trải lòng lên 5 dòng kẻ, mượn 7 nốt nhạc nói hộ tâm tình, kêu gọi hô hào người dân cả nước Ngăn dịch như chống giặc, Quyết thắng Cô-rô-na… để trẻ thơ nước Việt hát vang bài ca Em lại đến trường… Những thanh âm, giai điệu, lời hát trong ca khúc của ông càng gần đây càng mạnh mẽ hơn, dứt khoát và quyết liệt hơn, đúng như chủ trương, tinh thần chống dịch của người Việt trong trạng thái “bình thường mới”.

Sinh năm 1934, nhạc sĩ Trần Viết Bính từng đi qua kháng chiến chống thực dân Pháp, từng đóng góp công sức của mình vào thắng lợi vẻ vang lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu chống đế quốc Mỹ của dân tộc.

Ở vào độ tuổi “cửu tuần đại khánh” hôm nay, người nhạc sĩ - chiến sĩ năm xưa tiếp tục “ra trận” ở cuộc chiến thứ ba. Cuộc chiến đặc biệt này dài hơn cuộc chiến Quảng Trị năm 1972, khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975, khi kẻ thù là những con virus vô hình không mang súng đạn nhưng đa hình thái, đa chủng lây nhiễm với tốc độ lây lan nhanh, mức độ nguy hiểm cao.

Cập nhật thông tin hằng ngày, hằng giờ, nhạc sĩ “đau xót đến nghẹn thở”, khi nhẩm tính: Riêng ở “đại gia đình” của “người anh em” với Đồng Nai là TP.HCM, số bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi trong hơn 3 tháng từ khi dịch bùng phát trở lại cũng đã hơn 10 ngàn ca, hơn một sư đoàn, nhiều hơn số người chết mỗi bên ở Quảng Trị năm 1972…

* Cổ vũ tinh thần chống dịch qua lời ca, tiếng hát

Tuổi đã cao, sức đã yếu, chân đã chậm, mắt đã mờ, ngoài việc đeo kính lão thường xuyên, lâu lâu phải nhờ sự trợ giúp của kính lúp khi gặp những dòng chữ nhỏ…, nhạc sĩ Trần Viết Bính biết bản thân ông bây giờ vì tuổi đã gần 90, không thể hòa mình vào đội quân chống dịch ngoài kia. Khi hàng trăm, hàng ngàn con người thuộc các ngành tham gia phòng, chống Covid-19 đã phơi nhiễm và không ít người đã bỏ lại cuộc đời; khi từ quân - dân, chính quyền, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp lẫn bà con tiểu thương, chị bán cá, anh phụ hồ… xả thân chống dịch mỗi ngày, thì sự “cố thủ” tại tư gia của ông thôi cũng đã là một việc làm vô cùng ý nghĩa.

Ông không còn là cậu bé Bính 12 tuổi khi xưa làm liên lạc viên cho đội tự vệ TX.Thái Bình, cũng không phải là chàng nghệ sĩ trẻ một vai đeo súng, một vai đeo đàn theo đội văn công xung kích đi hát ở các ụ pháo, biểu diễn khắp các chiến trường từ Bắc đến Nam, đường 9 Nam Lào đến biên giới Campuchia... những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng đồng đội ngày đêm vượt suối, băng rừng đến điểm diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh, hoặc sau trận đánh để động viên khích lệ tinh thần chiến sĩ xông lên chiến thắng quân thù. Kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ 2 ấy, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính
Nhạc sĩ Trần Viết Bính

Ông đã trở thành người nhạc sĩ - chiến sĩ với một trời ký ức không thể nào quên là những buổi diễn mà diễn viên nhiều hơn khán giả, tiếng bom dội át cả tiếng ca.

Tất cả những gì đã qua vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim đã nhiều thương tích. Song, sứ mệnh mà cuộc đời đã đặt lên vai người nghệ sĩ là điều ông luôn ghi nhớ. Vậy là bây giờ ông “ở yên” và sáng tác. Ông dùng lời ca, tiếng hát để tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh, cổ vũ tinh thần các y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng bộ đội công an, và đội ngũ tình nguyện viên… đang ở tuyến đầu chống dịch. Ông chưa bao giờ quên lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Khi Việt Nam đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất vào đầu năm 2020, nhạc sĩ Trần Viết Bính chính là người đi tiên phong tự túc kinh phí thực hiện video clip, bản thu âm MP4 để nốt nhạc vượt ra ngoài trang giấy, trở thành lời ca tiếng hát đến với mọi thế hệ, mọi tầng lớp người Việt, truyền tải được thông điệp phòng chống dịch bệnh một cách sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, với tinh thần lạc quan nhất… mà không chờ đợi nguồn hỗ trợ tài chính nào.

Trong hoàn cảnh đặc biệt, không gian đặc biệt và thời gian đặc biệt, người “chiến binh” da mồi tóc bạc đã “tự chế” ra một loại “vaccine” đặc biệt đơn sơ mà vô cùng hữu ích, với công dụng cực kỳ đặc biệt: tăng cường sức đề kháng tinh thần cho những người dân.

Khi không thể đến phòng thu chuyên nghiệp, chỉn chu như các ca khúc xưa nay, không thể “mời” ca sĩ thể hiện chuẩn tone, hợp giọng… lão nhạc sĩ đóng kín cửa phòng nhằm lọc tạp âm, ngăn tiếng ồn của đời thường sinh hoạt, một mình ông lão căng mắt, lắng tai, toát mồ hôi đánh vật với dàn máy để hòa âm, phối khí.

Ca sĩ thể hiện chẳng ở đâu xa, toàn là “của nhà trồng được”: bài thì con, bài thì cháu, bài thì chính tác giả vừa đàn, vừa hát và vừa… thở. Mộc mạc lắm, gần gũi lắm, mà cũng xúc động và khó quên lắm!

Tôi sực nhớ và tìm vào trang Facebook cá nhân của ông trước tiên. Thì ra, “Tổng biên tập” tờ báo này “thời sự” và tốc độ không thua các trang báo mạng tầm quốc gia nào hết. Hơn thế nữa, những con số đau thương đều được ẩn đi đầy ngụ ý. Thấp thoáng sau từng bản MP3, MP4 và cả những bản nhạc còn nóng hổi trên khuông là những cái ôm thật chặt, là cái vỗ vai an ủi động viên và những cái nắm tay đoàn kết, nghĩa tình với ánh mắt ấm áp trìu mến yêu thương ngập tràn niềm tin chiến thắng...

Huyền Quy

Tin xem nhiều